Góc khuất ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn (Kỳ 2: "Đột kích" bãi vàng Khe 39)

Thứ năm, 02/07/2020 09:54

Với quyết tâm thâm nhập để ghi nhận hoạt động tại bãi vàng “tai tiếng” này, sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi phát hiện có một con đường khác để vào bãi vàng Khe 39. Đó là con đường mà ô-tô chuyên dụng của Cty P.H chở hàng hóa vào bãi vàng này. Tuy nhiên, đường này xa gấp 3 lần con đường mà chúng tôi đã tiếp cận trước đó và rất khó đi. Nhóm P.V Báo Công an TP Đà Nẵng chuẩn bị ít lương thực và nước uống bắt đầu “đột kích” bãi vàng Khe 39.

Những khúc gỗ to bị cưa xẻ nằm ngổn ngang trên đường vào khu vực bãi vàng Khe 39.

Mở đường trái phép trong rừng phòng hộ

Sau 30 phút chạy xe máy, chúng tôi đến khu vực rừng cao su của Cty cao su Quảng Nam. Từ đây, chúng tôi để xe máy bên đường, bắt đầu cuốc bộ men theo đường mòn hướng về khu rừng nguyên sinh. Di chuyển theo lối mòn, P.V nhận thấy có nhiều cây gỗ cổ thụ nhiều người ôm không xuể đã bị đốn hạ, nhiều đoạn gỗ được xẻ phách tại chỗ để “thảm đường” cho xe của Cty dễ di chuyển. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước việc mở đường trái phép trong rừng phòng hộ trên, Cty P.H đã từng bị liên ngành H. Phước Sơn lập biên bản xử lý.

Cụ thể, trước thông tin người dân phản ánh, UBND H. Phước Sơn thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc mở đường vào khu vực cấp phép thăm dò khai thác vàng tại khu vực Khe 39 của Cty TNHH MTV P.H. Biên bản tại hiện trường cho thấy, Cty này đã san ủi, mở đường trái phép tổng chiều dài gần 4km trong khu vực là rừng tự nhiên phòng hộ. Mặt đường đã san ủi rộng 5m, ta-luy hai bên khoảng 5m. Theo đó, có đến hơn 130 cây gỗ rừng tự nhiên bị đốn hạ, trong đó có những cây đường kính lên đến 1,5m. Toàn bộ khu vực san ủi đoạn đường nêu trên nằm trong khu vực giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Ngoài ra, phía Cty P.H còn tự ý san ủi mặt bằng xây dựng 2 lán trại với tổng diện tích khoảng 1ha tại khu vực ngoài phạm vi cấp phép thăm dò khoáng sản vàng gốc; khu vực này cũng nằm trong khu vực giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Công ty này cũng tự ý khai thác một số cây gỗ lớn khác để làm lán trại và nhà kho. Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện 1 xe ủi, 1 xe máy múc bánh xích.

“Việc mở đường của Cty P.H khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền là hành vi trái phép. Tổ công tác đã yêu cầu Cty đình chỉ toàn bộ mọi hoạt động liên quan đến việc mở đường; đối với hoạt động mở đường, xây dựng lán trại… là hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, đây là hành vi phá rừng trái phép. Trước những vi phạm trên, Chủ tịch huyện Phước Sơn đã ra quyết định xử phạt Cty P.H 60 triệu đồng”, một cán bộ trong đoàn kiểm tra thông tin.

Khu vực lán trại nơi xảy ra vụ án mạng trưa ngày 29-5.

Sử dụng lao động chưa đủ tuổi

Gần 3 giờ lội bộ men theo con đường mòn, chúng tôi đến một điểm chốt rào chắn giữa đường bằng lưới B40 không có người canh gác. P.V tiếp tục băng qua bờ rào di chuyển vài chục mét đến khu vực bãi vàng Khe 39. Tại đây, có nhiều căn nhà tôn được dựng lên để che chắn kho thuốc nổ, máy phát điện quy mô lớn đủ sức phát điện cho hàng chục điểm khai thác vàng.

Đứng tại khu vực này, P.V nghe thấy tiếng máy nổ ầm ầm khắp cả khu rừng. Di chuyển khoảng 100 mét, chúng tôi bắt gặp một bãi vàng, lúc này có 2 người đang nghiền đá cho vào cối xay nhỏ để tuyển vàng. Đặc biệt, có một phu vàng “nhí” chừng 12-13 tuổi đang làm việc tại đây.

- Em vào đây làm lâu chưa?

- 3 ngày rồi, phu vàng “nhí” đáp.

- Em quê ở đâu?

- Lai Châu!

- Ở đây có nhiều người như em không?

- Nhiều!

Một phu vàng “nhí” đang làm việc tại bãi vàng Khe 39.

Sau đó, chúng tôi hỏi một phu vàng lớn tuổi hơn đứng bên cạnh, người này cũng nói mình mới vào đây 3 ngày nên không biết gì? Và điệp khúc “Mới vào làm 3 ngày!” cứ thế lặp đi lặp lại khi chúng tôi tiếp cận hỏi những phu vàng trong bãi này.

Để qua mắt những người tại đây, chúng tôi giới thiệu với nhóm phu vàng là người đi tìm bãi để làm vàng. Quan sát, chúng tôi nhận thấy chất thải từ việc lọc, đãi vàng được xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Xái quặng ngâm ủ hóa chất đổ bừa bãi ở khoảng đất trống bên cạnh, bốc mùi nồng nặc…

Với lý do muốn vào xem cho biết, chúng tôi di chuyển vào hầm vàng gần đó. Được vài chục mét, chúng tôi cảm giác lạnh người, bởi hầm không được chống đỡ bất cứ vật dụng nào. Nhiều công nhân dùng mìn phá đá sâu trong hầm vàng gần đó khiến cả căn hầm rung chuyển như động đất. Di chuyển sâu vào hầm vàng được một lúc, chúng tôi cảm thấy khó thở vì thiếu ô-xy nên quay trở ra…

Chúng tôi tiếp tục tiếp cận khu vực làm vàng với quy mô lớn tại thung lũng nhỏ cạnh con suối, có máy phát điện công suất lớn. Quan sát tại đây có khoảng 10 hầm vàng được khoét sâu vào núi, lượng lớn đất đá đã qua công đoạn tuyển vàng được xả xuống vực. Nhiều hồ ngâm ủ hóa chất bốc mùi nồng nặc, xái quặng đổ đầy xuống hố. Di chuyển xuống con suối, P.V phát hiện tất cả chất thải trong công đoạn tuyển vàng được xả xuống đây, dòng nước chuyển màu trắng đục bốc mùi hôi nồng nặc. Chúng tôi phải “nín thở” để ghi hình hiện trường.

Sau khi hỏi “thăm dò”, chúng tôi cũng tiếp cận được khu vực bãi vàng vừa xảy ra án mạng do đối tượng Lô Văn Lợi đâm chết quản lý. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân trên, chúng tôi hỏi dò những phu vàng tại đây thì những người này đều lảng tránh, không ai dám nói. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi biết được, bãi vàng đó của một người tên Long Phượng (quê Thái Nguyên) đứng chủ. Hai người bị Lô Văn Lợi đâm thương vong là hai “đầu cánh” được Long Phượng đưa từ Thái Nguyên vào để quản lý bãi cho mình.

“Vì làm ăn chia sản phẩm với Công ty nên các đối tượng này tận dụng, bóc lột triệt để sức lao động của các phu vàng. Họ coi những phu vàng ở đây như nô lệ nên đối xử rất tàn bạo. Chính vì thế nên mới xảy ra vụ án mạng giữa phu vàng và quản lý trong ngày 29-5 vừa qua”, một nguồn tin tiết lộ.

Một lúc sau, phát hiện chúng tôi có nhiều biểu hiện lạ, nhóm người xăm trổ ở đây bắt đầu cảnh giác, quan sát mọi nhất cử nhất động của P.V. Khi chúng tôi di chuyển xuống các bãi vàng khác quy mô hơn để tiếp tục ghi nhận, nhưng bị nhóm người này tiếp cận ngăn cản, buộc phải rời bãi. Qua chuyến ghi nhận một phần nhỏ tại bãi vàng Khe 39, chúng tôi nhận thấy hoạt động khai thác vàng ở đây rất thô sơ và thiếu an toàn, các công đoạn không đảm bảo điều kiện về môi trường. Đó cũng là nguyên nhân việc ô nhiễm nguồn nước tại các con suối ở xã Phước Xuân, khiến người dân lâu nay rất bức xúc. Ngoài ra, tình trạng sử dụng lao động chưa đủ tuổi mà chúng tôi ghi nhận được cũng đang xảy ra rất đáng báo động tại đây…

 (còn nữa)

BÃO BÌNH - LÊ VƯƠNG

>> Góc khuất ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn (Kỳ 1: “Điểm nóng” bãi vàng Khe 39)