Góc khuất ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn (Kỳ cuối: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói gì?
Trước những vấn nạn và hệ lụy do việc khai thác vàng gây ra, sau chuyến thực tế hiện trường, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Qua trao đổi, ông Lê Trí Thanh đã nêu lên những nguyên nhân, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế lâu nay.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng về những nội dung trên. |
P.V: Thưa ông, thực tế cho thấy mặc dù một số công ty khai thác khoáng sản vàng được cấp phép hoạt động, nhưng tình trạng xả thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm, việc này thời gian qua UBND tỉnh đã có những giải pháp gì để ngăn chặn?
Ông Lê Trí Thanh: Đối với các bãi vàng này thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt, ban hành những quy định rất chặt chẽ về công tác đánh giá tác động môi trường; yêu cầu đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý môi trường trước khi thải ra ngoài và phải được nghiệm thu. Sở TN&MT tỉnh phải lên đánh giá nghiệm thu các công trình đó hoàn thành mới được đưa vào vận hành. Và đích thân tôi cũng đã đi kiểm tra các bãi vàng đó rồi, đã họp với H. Phước Sơn chỉ đạo các nội dung như trên. Về mặt văn bản chỉ đạo thì mình không thiếu, kiểm tra thực tế không thiếu, truy quét đẩy đuổi mình cũng đã thực hiện, và cũng có quy định không cho phép sử dụng hóa chất Cyanua để thực hiện công đoạn chế tác vàng.
Tuy nhiên, cái khó khăn là các bãi vàng này thường nằm trong địa hình rất hiểm trở, có canh gác rất chặt chẽ nên việc tiếp cận để phát hiện ra các hành vi sai phạm của họ cũng có những khó khăn nhất định. Cho nên, nhiều lần đi kiểm tra như vậy, nhiều lần chấn chỉnh như vậy nhưng tình trạng xả thải ra ngoài gây ô nhiễm vẫn xảy ra.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại một Cty vàng ở Phước Sơn. |
P.V: Cùng với đó, tình trạng áp bức, sử dụng lao động chưa đủ tuổi cũng khá phổ biến ở các bãi vàng có phép lẫn không phép. Đây được xem là vấn nạn nhức nhối của xã hội, vậy tỉnh có biện pháp gì để xóa bỏ tình trạng trên?
Ông Lê Trí Thanh: Đối với việc sử dụng lao động trẻ em, việc này tôi đã chỉ đạo trong nhiều cuộc họp liên quan, tuyệt đối nghiêm cấm các công ty sử dụng lao động trẻ em. Nếu phát hiện sử dụng lao động trẻ em thì phải xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhiều lần tôi đã trực tiếp yêu cầu Công an tỉnh cùng với Sở LĐ-TB&XH bí mật lên trên đấy để phục kích. Nhưng tại thời điểm kiểm tra không phát hiện ra trường hợp sử dụng lao động trẻ em. Còn nếu bây giờ các cơ quan báo chí có phát hiện việc sử dụng lao động trẻ em thì các cơ quan chức năng sẽ có các biện pháp để xử lý. Đâu có cho phép trẻ em đi làm những điều đó đâu!
Sự tàn phá, hủy hoại về môi trường do việc làm vàng gây ra rất nghiêm trọng. Trong ảnh: Khu vực mỏ vàng Bãi Muối. |
P.V: Chủ trương của lãnh đạo tỉnh là không đánh đổi môi trường vì mục đích phát triển kinh tế. Nhưng thực tế nhận thấy, nguồn thu từ lĩnh vực này chẳng được bao nhiêu so với hệ lụy từ môi trường đem lại. Vậy tại sao tỉnh vẫn cấp phép và gia hạn cho những mỏ vàng đó hoạt động?
Ông Lê Trí Thanh: Đúng như vậy, nguồn thu từ khai thác vàng này không bao nhiêu hết. Ngay cả 2 Công ty lớn là Bồng Miêu và Phước Sơn cũng lỗ, mình có thu được gì đâu. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật mình phải chấp hành. Tức là mình đã cấp phép họ đủ điều kiện hết rồi, họ đủ điều kiện để hoạt động thì mình phải cho phép họ hoạt động. Còn trong quá trình họ hoạt động họ vi phạm thì mình phải xử lý. Những công ty đang xin cấp phép theo quy định mới rất chặt chẽ.
Trường hợp các công ty xin gia hạn buộc phải chuyển đổi lại công nghệ, thay đổi hệ thống xử lý nước thải cho đảm bảo, nếu công nghệ lạc hậu, không đảm bảo thì không cho gia hạn. Nếu như ở đó còn khoáng sản thì cũng nên cho phép gia hạn, nếu không gia hạn cho Công ty quản lý thì dễ xảy ra tình trạng khai thác tự do. Mà khai thác tự do thì một thời rất là phức tạp: Chết người, bảo kê... cho nên các điểm khai thác khoáng sản phân tán nên giao cho một doanh nghiệp đứng ra quản lý. Vấn đề là phải kiểm tra họ để họ làm theo đúng quy định pháp luật, bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của Nhà nước theo đúng quy định. Nhất là công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là không sử dụng lao động trẻ em và công nghệ không được sử dụng Cyanua.
Các quy định cũng chặt chẽ như thế rồi, còn lại trong quá trình kiểm tra là trách nhiệm của chính quyền địa phương Phước Sơn. Địa phương là người nắm tình hình hoạt động của khu vực bãi vàng đó. Nếu phát hiện vấn đề gì cần các cơ quan chức năng để tham gia, kiểm tra thì báo với Sở Xây dựng, Sở TN&MT tỉnh cùng thành lập đoàn kiểm tra. Còn trong phạm vi thẩm quyền của địa phương thì cứ thế mà xử lý.
P.V: Xin cảm ơn ông!
BÃO BÌNH - LÊ VƯƠNG
>> Góc khuất ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn (Kỳ 3: Xót xa dòng suối Nước Mắt)
>> Góc khuất ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn (Kỳ 2: "Đột kích" bãi vàng Khe 39)
>> Góc khuất ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn (Kỳ 1: “Điểm nóng” bãi vàng Khe 39)