Gom tiền tỷ rồi “mất tích”

Thứ sáu, 26/12/2014 11:42

(Cadn.com.vn) - Sau những lời thủ thỉ đường mật xoay quanh đồng lời, đồng lãi về biêu hụi, góp vốn cho vay nóng, hàng chục hộ gia đình ở khu chung cư nghèo Thanh Lộc Đán, P. Thanh Khê Đông, Q. Thanh khê, Đà Nẵng đã gom cả tỷ đồng dành dụm được suốt nhiều năm trời đưa cho “vị cứu tinh” là người hàng xóm láng giềng của mình. Nhiều người cứ nghĩ mình “nắm đằng chuôi” khi cầm trong tay tờ giấy mượn tiền, nhưng giờ thì lâm cảnh điêu đứng khi chủ biêu cửa đóng then cài, cao chạy xa bay...

Ở Khu Chung cư Thanh Lộc Đán, rất nhiều người đã bị Tâm lừa.

LẠI CHUYỆN HÁM LÃI, CHỊU SẦU

Là công nhân làm thuê cho một Cty kinh doanh hàng điện máy, nhưng mỗi lần Trần Thị Thanh Tâm (1981, trú phòng 203, Chung cư Thanh Lộc Đán) nói chuyện thì người đối diện thực sự bị thu hút. Cùng  chồng thuê lại căn hộ chung cư diện giải tỏa ở khu này đã nhiều năm liền, nhưng chưa một lần Tâm để mất lòng ai. Nhờ khuôn mặt khả ái, tài ăn nói, lại nắm bắt được tâm lý của bà con láng giềng, đầu năm 2014, Tâm bắt đầu “gà” vài người bước chân vào đường dây biêu hụi và vay nóng của mình. Để “cá” cắn câu, Tâm đưa ra mức lãi suất cao, từ 10-15% nên lần lượt từng người trong khu chung cư móc ví, rút ngân hàng đưa tiền cho Tâm với hy vọng kiếm thêm đồng lời. Như bao chủ biêu hụi, cho vay nóng khác, thời gian đầu Tâm thanh toán lời lãi rất sòng phẳng, nhưng khi gom được tiền tỷ của hàng chục người, khoảng tháng 9-2014, Tâm đã loan tin mình vỡ nợ khiến bao người đứng tim, nhốn nháo tìm kiếm.

Bà L., mẹ của chị Th. kể rằng, ban đầu nghe Tâm mời gọi, chị Th. chỉ tham gia một dây biêu trên dưới 20 triệu đồng, nhưng sau đó chẳng hiểu Tâm “nổ” chuyện lời lãi thế nào mà chị Th. gom hết gần 200 triệu đồng tích cóp sau nhiều năm buôn bán quần áo ở chợ giao hết cho Tâm mà không cần lấy mẩu giấy vay mượn. Theo bà L. và những hộ dân sống chung khu chung cư, cũng do Tâm sòng phẳng về lời lãi, nên người nào có đồng vốn cũng muốn đun vào. Thậm chí, người có vài chục triệu đồng gửi ngân hàng cũng rút về “đầu tư” vào đường dây biêu hụi của Tâm. “Bao năm trời, thấy nó sống cái bụng cũng tốt, nên bà con ai cũng quý. Ai ngờ đến khi trốn biệt, mọi người mới vỡ lẽ ra nhiều chuyện, rằng nó đã lừa biết bao người trong cái chung cư nghèo này” - bà L. ấm ức.

 Căn hộ Tâm ở bị người dân mua khóa về khóa chặt, không cho người ngoài tới “siết”.

Làm nghề sửa xe nhiều năm gom được hơn 100 triệu đồng để lo cho con cái ăn học, nhưng khi nghe Tâm “hót”, anh Q. chẳng chút nghi ngờ, “dốc” cả vào những mong đồng tiền sinh lời nhanh hơn. Theo anh Q., khi nghe Tâm “trải lòng” rằng, vừa mua được lô đất nhưng thiếu ít tiền cần làm xong sổ đỏ để vay ngân hàng làm ăn lớn, thế là vợ chồng anh Q. rút ngân hàng về đưa ngay cho Tâm. Tất nhiên, việc anh Q. rút tiền đưa cho Tâm là do được hứa sẽ trả lãi hậu hĩnh. Cách đây khoảng 3 tháng, thấy Tâm chẳng nói gì đến chuyện trả nợ và cũng không về chung cư ở, anh Q. dò hỏi mới biết Tâm đã đi khỏi địa phương. Từ thông tin này, hàng loạt người ở khu chung cư mới hốt hoảng.

Theo thông tin chúng tôi có được thì số tiền người dân nơi đây đưa cho Tâm trên dưới 1 tỷ đồng. Người ít nhất cũng 10 triệu đồng, người nhiều lên đến 300 triệu đồng. Người buôn bán nhỏ có, người làm thuê cũng nhiều, chỉ vì đồng lời cao hơn nhiều lần so với ngân hàng, họ đã rơi vào “bẫy” của Tâm. Như trường hợp chị H., không chỉ tiền của riêng gia đình mà chị còn gom thêm của bà con, người thân số tiền lên đến 300 triệu đồng đưa cho Tâm, giờ chỉ còn biết trông chờ vào sự may rủi. Hay cháu N., bản thân không có công ăn việc làm ổn định, làm thuê hết chỗ này tới chỗ khác dành dụm được 10 triệu đồng cũng giao cho Tâm sau lời rỉ tai ngọt ngào: “Em yên tâm, mỗi tháng lấy về vài trăm ngàn đồng ngon ơ!”. Đau nhất phải kể đến trường hợp của chị Nguyễn Thị T. và anh Lê S. Hai người này cũng từng làm nghề cho vay lãi, tuy nhiên thấy Tâm cho lãi cao hơn, chị T. và anh S. đã gom 400 triệu đồng của nhiều người quen với mức lãi 5-10% để đưa cho Tâm hòng kiếm chút ít khi Tâm hứa trả mức lãi hằng tháng lên đến 15%. Khi nghe tin Tâm “mất tích”, hai người lùng sục khắp nơi tìm Tâm nhưng “bóng chim tăm cá”.

ĐÒI “SIẾT” CẢ NHÀ CHUNG CƯ

Theo những người sống tại khu chung cư này, từ khi Tâm “mất tích”, 3 tháng nay có rất nhiều người ở địa phương khác đã đến khu chung cư để tìm đòi nợ, trong đó rất nhiều người dính biêu hụi, nhiều người cho vay. Thậm chí, đôi ba người còn bị Tâm lừa bằng hình thức photo sổ thuê nhà của Cty quản lý nhà chung cư mình đang thuê rồi thế chấp lấy hàng trăm triệu đồng. Khi Tâm bỏ đi, nhiều người đã mang bản photo Tâm thế chấp để đòi nhà, nhưng những người sống tại khu chung cư không đồng ý, “niêm phong” cửa căn hộ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại Cty quản lý nhà chung cư thì phòng chung cư này là của một hộ giải tỏa làm thủ tục chuyển quyền thuê nhà cho vợ chồng Tâm ở nên Tâm không được chuyển quyền thuê cho ai khác nữa. Hiện hợp đồng thuê căn hộ này cũng đã hết hạn nhiều tháng, nhưng Tâm chưa tới Cty ký lại, đồng thời đang nợ nhiều tháng tiền nhà.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo CAP Thanh Khê Đông cho hay, chuyện nợ nần giữa Tâm và nhiều người, CAP cũng đã nhận được đơn thư phản ánh. Tuy nhiên do có giao kèo vay mượn bằng giấy viết tay nên CAP đã tư vấn cho mọi người viết đơn kiện ra tòa án dân sự. Về trách nhiệm của CAP, sẽ đảm bảo tốt mọi tình hình, không để chuyện đòi nợ diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình ANTT của địa phương. Một lần nữa, chúng tôi xin cảnh tỉnh đến toàn thể người dân, đừng vì những đồng lời không tưởng sập bẫy những đối tượng lừa đảo.

Quỳnh Chi