“Gọng kìm” siết chặt quanh cựu Tổng thống Sarkozy
Ngoài việc bị điều tra về những khuất tất trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2007, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy còn phải chuẩn bị ra hầu tòa vì tội tham nhũng và lạm quyền.
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ảnh: BBC |
Xâm phạm công lý
Vụ việc xoay quanh các cuộc gọi năm 2014, chỉ 2 năm sau khi ông Sarkozy rời khỏi Điện Élysée. Ông Sarkozy được cho là đã tìm cách tác động đến những thẩm phán đang điều tra việc tài trợ khoản tiền đáng ngờ cho chiến dịch tranh cử của ông. Ông Sarkozy bị nghi nhận tiền bất hợp pháp từ bà Liliane Bettencourt, người thừa kế hãng L’Oreal, cũng là người phụ nữ giàu nhất nước Pháp, cho chiến dịch tranh cử.
Cụ thể, ông Sarkozy gọi điện cho ông Gilbert Azibert, khi đó là thẩm phán cấp cao của Tòa án Pháp, người đang chịu trách nhiệm điều tra các hoạt động gây quỹ trái phép trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2007 của ông. Ông Sarkozy bị tố đã tìm cách mua chuộc thẩm phán Azibert để lấy thông tin về cuộc điều tra nói trên. Cụ thể, trong một cuộc điện đàm cho ông Azibert, cựu tổng thống dùng mật danh là Paul Bismuth, đề nghị sẽ tận dụng các mối quan hệ nhằm giúp vị thẩm phán này leo lên một vị trí danh giá hơn ở Monaco, để đổi lấy các thông tin điều tra. Cảnh sát đã lén ghi âm được cuộc điện đàm này.
Thẩm phán Azibert và Thierry Herzog, luật sư của ông Sarkozy hiện cũng được lệnh phải hầu tòa vì cùng các cáo buộc như ông Sarkozy. Cả ba đều nhất quyết phủ nhận những việc làm sai trái. Hiện chưa rõ thời điểm ông Sarkozy sẽ hầu tòa nhưng nhóm luật sư của ông cho biết sẽ kháng cáo quyết định để thân chủ của họ không bị xét xử.
Những cáo buộc khác
Thông tin cựu Tổng thống Sarkozy chuẩn bị hầu tòa xuất hiện chỉ vài ngày sau khi ông chính thức bị điều tra về chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007. Ông Sarkozy bị bắt giam hôm 20-3 để điều tra về cáo buộc nhận tài trợ trái phép từ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi để tranh cử vào năm 2007, nhưng sau đó ông được thả. Theo cáo buộc, ông Sarkozy đã nhận trái phép 50 triệu EUR từ lãnh đạo Libya, số tiền vượt hơn gấp đôi mức tài trợ hợp pháp cho vận động tranh cử theo quy định lúc bấy giờ.
Hồi tháng 1, một doanh nhân Pháp bị bắt tại Anh vì tình nghi liên quan tới số tiền ủng hộ từ nhà lãnh đạo Gaddafi. Tuy nhiên, ông này được bảo lãnh sau khi xuất hiện tại một phiên tòa ở London. Brice Hortefeux, một cựu bộ trưởng đồng thời cũng là đồng minh thân cận của ông Sarkozy, cũng bị cảnh sát tạm giữ để điều tra vì liên quan tới vấn đề Libya.
Ông Sarkozy, người đảm trách cương vị Tổng thống Pháp từ năm 2007-2012, luôn phủ nhận việc nhận tiền ủng hộ từ nhà lãnh đạo quá cố của Libya đồng thời gọi những cáo buộc đó là “lố bịch”. Ông cho rằng những người cáo buộc ông ở Libya đang kiếm cớ để trả đũa quyết định của ông khi triển khai máy bay chiến đấu Pháp tham gia cuộc nổi dậy lật đổ ông Gaddafi năm 2011. Xuất hiện trên một chương trình truyền hình Pháp vào “giờ vàng”, ông Sarkozy cho biết, những lùm xùm liên quan tới khoản tiền phi pháp từ nhà lãnh đạo Gaddafi khiến cuộc sống của ông trở thành địa ngục và thất bại trong nỗ lực tái tranh cử Tổng thống năm 2012.
Ngoài ra, ông Sarkozy còn bị cáo buộc có liên quan tới gian lận trong việc tăng mức chi tiêu cho chiến dịch tranh cử năm 2012, nghi ngờ đội ngũ của ông nhờ một công ty có tên Bygmalion cung cấp chứng từ, hóa đơn giả. Năm đó, ông thất bại từ vòng đầu và phải tự tuyên bố rút lui trước ứng viên Francois Hollande.
AN BÌNH