Gồng mình chống hạn
Mùa nắng nóng chỉ mới bắt đầu nhưng tình trạng khô hạn, thiếu nước đã đẩy ngành nông nghiệp Quảng Nam đứng trước nhiều nguy cơ. Từ 16-5, nhiều địa phương đã gieo sạ và sẽ kết thúc vào ngày 5-6. Thời điểm này không chỉ nông dân tìm cách ứng phó với thời tiết mà các ngành chức năng cũng đang nỗ lực tìm những phương án thích hợp trước những diễn biến khó lường năm nay.
Nông dân Quảng Nam đang ứng phó với khô hạn, nhiễm mặn ngay từ đầu vụ. |
Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã có bài phản ánh về tình trạng nhiều con sông là nguồn cung cấp nước tưới tiêu ở Quảng Nam đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Theo đó, nồng độ mặn đo được tại các nhánh sông Thu Bồn lên đến 6 phần nghìn, gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Trước tình trạng nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ cao, các đơn vị liên quan của tỉnh và chính quyền huyện Duy Xuyên lên kế hoạch đắp đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Thu Bồn tại khu vực cầu Gò Nổi nhằm đảm bảo nguồn nước cho các trạm bơm điện hoạt động ổn định, chủ động phục vụ sản xuất hè thu 2018... Ông Văn Bá Năm - Trưởng Phòng Nông nghiệp H. Duy Xuyên cho biết, ngày 15-5 là ngày đầu tiên trạm bơm điện Xuyên Đông ở thị trấn Nam Phước bắt đầu vận hành để cung ứng nước cho nông dân thị trấn Nam Phước và các xã Duy Phước, Duy Vinh của huyện đổ ải gieo sạ 600ha lúa hè thu 2018. Tuy nhiên, trước tình trạng nước mặn liên tục xâm nhập sâu trên sông Thu Bồn, đơn vị quản lý trạm bơm điện này chỉ cho vận hành 3/12 tổ máy nhưng vẫn gián đoạn vì phải canh lách triều.
Trước việc tình trạng mặn chuyển biến phức tạp, nhằm chủ động phục vụ nước tưới cho nông dân các địa phương trong thời gian tới phải đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Thu Bồn tại khu vực cầu Gò Nổi. Theo dự tính ban đầu, tuyến đập bổi này dài không dưới 200m, khối lượng đắp khoảng 3.000 mét khối đất cát, với kinh phí đầu tư hơn 300 triệu đồng. Không chỉ riêng H. Duy Xuyên mà TX Điện Bàn cũng tiến hành đắp đập ngay từ đầu mùa vụ. Ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết sông Vĩnh Điện (nhánh rẽ của sông Thu Bồn) đã được chính thức chặn dòng từ tháng 3-2018. Từ thực tế sau khi đắp đập có thể thấy các trạm bơm điện ở hạ lưu sông Thu Bồn, nhất là 2 trạm bơm trọng yếu gồm Tứ Câu và Cẩm Sa hoạt động rất ổn định, đảm bảo phục vụ nước tưới - chống hạn cho hơn 1.885ha lúa ở nhiều nơi của thị xã Điện Bàn cũng như không ít diện tích của TP Hội An. Tuy nhiên con đập này cũng đối diện nhiều vấn đề như sạt lở chính vì vậy các ngành chức năng TX Điện Bàn đang theo dõi sát sao tuyến đập bổi này.
Bên cạnh việc ứng phó với thời tiết nắng hạn, việc nâng cao khả năng chống chọi của giống lúa hay nâng cao nhận thức của người dân cũng được quan tâm. Để hạn chế những thiệt hại do sâu bệnh và các yếu tố bất lợi của thời tiết gây ra, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh tập trung chọn lọc, lai tạo khảo nghiệm những giống lúa phù hợp với điều kiện canh tác để đưa vào cơ cấu sản xuất trong vụ hè thu. Để tránh nguy cơ thất thu sản lượng do mưa lũ gây ra ở cuối vụ, năm nay ngành nông nghiệp chủ trương cơ cấu giống lúa theo hướng tăng tỷ lệ nhóm giống có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày. Hạn chế thiệt hại trước sự bùng phát ngày càng mạnh của rầy nâu, bệnh đạo ôn, rầy lưng trắng, cơ quan chuyên môn cũng đặc biệt chú trọng sử dụng các loại giống có khả năng kháng được 3 đối tượng sâu bệnh nguy hiểm vừa nêu.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo nhà nông cần phải sử dụng các loại giống lúa trung và ngắn ngày nhằm đảm bảo thu hoạch để lách tránh những yếu tố bất lợi của thời tiết vào thời điểm cuối vụ, nhất là mưa bão, lũ lụt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các đơn vị liên quan phải gấp rút xây dựng bài bản các phương án phòng chống phù hợp với điều kiện canh tác ở từng vùng. Đồng thời sớm kiểm tra, rà soát để kịp thời đầu tư tu bổ các hồ đập, hệ thống kênh mương và những công trình thủy lợi trọng yếu khác. Đặc biệt, đối với những vùng sản xuất lúa thường bấp bênh nước tưới thì cần lập phương án cụ thể và hỗ trợ nông dân chuyển sang canh tác các loại cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt.
Đồng Dao