GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh-"cây đại thụ" của ngành sinh học Việt Nam
Giữa đất Thủ đô nhộn nhịp, chất giọng Quảng vang lên đầy uy nghi tại các Hội thảo về sinh học. Dù đã bước qua tuổi 86, nhưng hình dáng nhỏ nhắn, mái tóc bạc phơ của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh vẫn thường xuyên hiện diện tại các buổi giảng dạy, trao đổi các kiến thức về tài nguyên, môi trường mà ông đã nghiên cứu hơn 60 năm qua. Ông cũng là một trong những người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng hoa trong buổi gặp mặt đồng hương tỉnh Quảng Nam. |
Sinh ra và lớn lên tại Đại Lộc (Quảng Nam), vào những năm 1954, ông Huỳnh tập kết ra Bắc. Học xong cấp 3 ông thi đỗ vào Trường ĐH Tổng hợp và quyết định chọn ngành sinh học rồi gắn bó nghiên cứu đến nay. Trái ngược với vẻ bề ngoài nhỏ bé, ông Huỳnh đã có 165 công trình khoa học trên tạp chí trong và ngoài nước, 15 cuốn sách chuyên khoa về tài nguyên, động - thực vật sinh hóa và bảo tồn đa dạng sinh thái. Ông Huỳnh chỉ luôn tâm niệm sẽ cố gắng đến giây phút cuối để bảo vệ các sinh vật và cân bằng môi trường sống của chúng ta.
Là người con đất Quảng nên sự chân chất, giản dị cũng được thể hiện rõ trong con người của ông Huỳnh. Trước đây, ông là bộ đội của chiến trường miền Nam, chủ yếu sống ở chiến trường D khu 5, sau đó thì được chuyển sang làm bộ đội tình nguyện quân, hoạt động tại Lào và Campuchia. Trong suốt thời gian chiến tranh chống thực dân Pháp, ông có thời gian dài sống dựa vào rừng. Chính vì vậy ông luôn có tình yêu đặc biệt với thiên nhiên. "Trong khoảng thời gian dài chiến đấu cùng đồng đội, các anh em sống qua ngày nhờ những nguồn thực phẩm thiên nhiên có sẵn trong rừng, nhiều lúc lấy lá cây ăn rồi uống nước suối. Thiên nhiên đã cứu chữa những vết thương của tôi và đồng đội trong quá trình chiến đấu. Vì vậy, tôi và thiên nhiên có sự gắn bó như máu mủ, ruột thịt", ông Huỳnh bộc bạch.
Hiện tại, ông sống tại Hà Nội, là Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Ông được ví như "cây đại thụ" của ngành tài nguyên môi trường Việt Nam. Ở cái tuổi 86, ông vẫn miệt mài biên soạn luật bảo vệ môi trường, sưu tầm tài liệu để viết tuyên truyền về hải đảo. "Ngày nào sức khỏe còn cho phép là tôi còn nhận lời tham gia các chương trình liên quan về sinh học, dù lớn hay nhỏ", ông khẳng định.
Bằng tình yêu rừng, yêu thiên nhiên, ông Huỳnh luôn xem cuộc sống của các loài động, thực vật cũng giống như con người. Ông tích góp những đồng lương hưu của mình để tham gia hoạt động bảo vệ cây ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Cho đến hôm nay, tất cả 63 tỉnh thành kể cả các hải đảo đều in dấu chân ông Huỳnh. Những chuyến đi với mục đích bảo tồn cây di sản, bảo vệ những động vật có nguy cơ tuyệt chủng vẫn chưa dừng lại. Ông đã thiết lập và quản lý các khu bảo tồn, hỗ trợ các cộng đồng địa phương trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Chỉ trong vòng 7 năm, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, ông Huỳnh cùng các nhà khoa học thuộc lĩnh vực sinh học, lâm học, bảo vệ thực vật đã giúp gần 3.000 cây được chứng nhận là cây di sản. Với những đóng góp không mệt mỏi, ông Huỳnh đã được trao tặng gần 20 huân huy chương các loại, trong đó có hai Giải thưởng Hồ Chí Minh - Giải thưởng cao quý nhất của Việt Nam về khoa học công nghệ. Ngoài ra, ông còn vinh dự đại diện Việt Nam sang Philippines nhận danh hiệu Anh hùng đa dạng sinh học Asean năm 2017.
Diệu Huyền