GS.TS.KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH: Di tích phải được ứng xử bằng văn hóa
(Cadn.com.vn) - Chiều 6-4, tại TP Đà Nẵng, GS.TS-KTS Hoàng Đạo Kính đã có buổi giới thiệu tập sách "Văn hóa kiến trúc" với những bạn đọc quan tâm, yêu thích nghệ thuật kiến trúc. Cũng dịp này, Hội quy hoạch kiến trúc xây dựng Đà Nẵng kết hợp tổ chức buổi tọa đàm "Bảo vệ văn hóa di sản", trao đổi chung quanh các vấn đề nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu di tích tại miền Trung.
GS.TS-KTS Hoàng Đạo Kính sinh năm 1941 tại Hà Nội, con trai của nhà văn hóa nổi tiếng Hoàng Đạo Thúy. Ông học ở Nga gần 20 năm, tốt nghiệp Đại học kiến trúc Matxcơva năm 1967 và bảo vệ luận án phó tiến sĩ kiến trúc về di sản và trùng tu năm 1977. Từ khi tốt nghiệp trở về nước, Hoàng Đạo Kính đã gắn bó với công việc bảo tồn, trùng tu các công trình di tích kiến trúc. Ông được mọi người yêu mến đặt cho biệt danh "hiệp sĩ" của những di tích kiến trúc. Đặc biệt, qua quá trình tham gia nhiều công trình nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu di tích kiến trúc như tháp Chăm, Chùa Cầu và nhà cổ ở Hội An, khu Đại Nội và Lăng Minh Mạng ở Huế, Nhà hát lớn Hà Nội..., GS. Hoàng Đạo Kính đã để lại nhiều bài viết không chỉ có giá trị về chuyên môn mà còn mang đậm tính văn học. "Văn hóa kiến trúc" là tác phẩm thứ ba của GS Hoàng Đạo Kính, sau "Di sản văn hóa, bảo tồn và trùng tu" và "Ngõ phố người đời". Công trình này bao gồm 107 bài viết tập hợp từ năm 1997 đến nay, dày gần 500 trang, bàn luận về các khía cạnh khác nhau của đô thị, chia thành 4 phần chính: Bảo tồn di sản văn hóa, Văn hóa kiến trúc, Đô thị phát triển tiếp nối, Nơi chốn - thời buổi - con người.
![]() |
GS Hoàng Đạo Kính tại buổi tọa đàm "Bảo vệ văn hóa di sản" |
"Trên đất Bắc cũ kỹ, đây đó vẫn còn những miền, những chốn quê mà, hễ bước ra ngõ, gặp ngay ngôi đình nếp chùa xưa, gặp ngay tàn dư và hình bóng của những thời trôi đi trong phối cảnh hun hút của thời gian. Đến với những miền, những chốn ấy, giữa những nếp nhà và cổng ngõ liêu xiêu, dưới bóng những cây đa, cây bàng già cội vắt kiệt nhựa nuôi màu xanh, ngạt ngào bởi hương nồng của rơm rạ quện lẫn mùi phân trâu và nước ao tù. Lạc lõng giữa dòng đời tưởng như ngưng đọng ấy, ta bật thốt lên: Nguồn cội hỡi, con đây!". Mở đầu chương "Nơi chốn, thời buổi, con người", trong phần "Nguồn cội bạc phơ", GS. Hoàng Đạo Kính đã viết như vậy. Cứ như thế, trong tập sách này, người đọc được dẫn dắt từ hiện trạng và các vấn đề lý luận, ứng xử và phát hiện trong Bảo tồn di sản kiến trúc, đến câu chuyện Văn hóa kiến trúc-đô thị mênh mông thấm đẫm hồn người, hồn đất, bàng bạc chất tư duy và sáng tạo nghệ thuật; đến những thân phận "ngõ phố đời người", thân phận biệt thự và cây xanh ngàn lần ta đi qua, nhìn mà không thấy. Từ Thủ đô Hà Nội mở rộng với 3.340 km2 đến các đô thị tỉnh lỵ, đô thị biển; tới "những điều nho nhỏ" như đá lát vỉa hè, hàng rào, tường rào trong phố... bằng những chiêm nghiệm, thụ cảm và suy nghĩ rất đặc sắc "chất" Hoàng Đạo Kính. Từ những khái lược về sự phát triển của kiến trúc Việt đến những hòn đá tảng của kiến trúc nước nhà như: Bản sắc kiến trúc Việt, Phê bình và Sáng tạo kiến trúc, dạy nghề và hành nghề kiến trúc, sử dụng vật liệu xây dựng... được trình bày ngắn gọn và dung dị, dễ hiểu với đời và dễ nhớ với nghề. Ngôi nhà Việt, con phố Việt thẩm qua cái nhìn của ông, đã không chỉ là những bản thể tự nó mà là những tầng sắc giá trị văn hóa, những triết luận dân gian về tồn tại, những căn cơ dung hòa của con người và tự nhiên. Lần theo các trang chữ này, các định hướng phát triển tiếp nối, những thế mạnh điểm yếu, cái duy nhất cần nâng niu, các tài nguyên cần kiệm dụng, các giá trị cần níu giữ... của các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu, Thanh Hóa, Buôn Ma Thuột hay các đô thị Hội An, Sơn Tây, Nam Định, Vĩnh Long... giúp người đọc nắm bắt dễ dàng và nhanh chóng cái đời, cái thể, cái hình, cái hồn của các quần cư đô thị nước nhà.
"Nhìn chung, kiến trúc của miền Trung - Tây Nguyên không làm cho tôi ái ngại nhiều bằng kiến trúc ở phía Bắc. Bây giờ chúng ta cần làm sao để các đô thị duyên hải miền Trung khẳng định cái tính duyên hải của nó, tức là nhấn mạnh tính chất biển; có như thế chúng ta mới tạo được môi trường đô thị thuận lợi và lành mạnh cho phát triển kinh tế, du lịch...”. |
Đặc biệt, theo KTS Huỳnh Tòa: "với thành phố Đà Nẵng, GS. Hoàng Đạo Kính không những là một người thân quen mà còn là người thầy dìu dắt tận tình nhiều thế hệ KTS tại đây. Ông là người thấu hiểu từng chi tiết, cái nhỏ đến cái rất lớn của kiến trúc, nên tác phẩm ông viết ra rất hấp dẫn và thuyết phục". KTS Phan Đức Hải nhận định: "Những bài viết của ông trong tập Văn hóa Kiến trúc rất tâm huyết, không giấu nghề. Văn ông trau chuốt, từng trải, hình ảnh rất ví von. Sự sắp xếp qua các chủ đề rất trí tuệ. Về phần con người, ông đã có những đánh giá hết sức trân trọng và sâu sắc với những người ông đã từng gặp và từng hiểu...".
Trần Trung Sáng