Hai cha con là Bí thư Tỉnh ủy

Thứ ba, 21/05/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Gia đình ông Võ Cừ nổi tiếng khắp xã Tịnh  Hà, H. Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi không chỉ vì có đến 5 thành viên tham gia Đội du kích Ba Tơ mà còn là gia đình có nhiều người tập kết ra Bắc. Tính cả bản thân ông Võ Cừ và con, rể, cháu nội ngoại, cả gia đình ông có đến 23 người tập kết ra Bắc trong năm 1954.

Ông Võ Cừ sinh năm 1885, là người có công khai khẩn vùng đất khô cằn của thôn Lâm Lộc (Tịnh Hà) thành vùng đất trù phú. Giác ngộ cách mạng từ rất sớm, năm 1930, ông cùng hai em là Võ Bình và Võ Dũ trở thành những đảng viên và được cấp trên chuẩn y thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Lâm Lộc. Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiều lần họp ở nhà ông. Ông và cụ bà hết lòng tiếp tế lương thực, nuôi giấu, che giấu cán bộ về hoạt động. Gia đình ông có 4 người bị thực dân Pháp đày đi căng an trí Ba Tơ gồm con trai là Võ Phấn, người em ruột Võ Nhíp, người con rể là Nguyễn Cừ (Nhạn) và con của người em gái ông là Lê Đồng. Người con trai nữa của ông là Võ Thứ được ông cử lên nắm liên lạc ở căng an trí cũng đã được bổ sung vào ban khởi nghĩa Ba Tơ. Trong số 17 người tham gia chiếm đồn Ba Tơ ngày 11-3-1945 thì gia đình ông có 5 người.

Ông Võ Phấn vẫn hằng ngày đọc báo.

Hiệp định Genève được ký kết, gia đình ông Võ Cừ tập kết ra Bắc, nhưng cụ bà cùng hai con gái xin ở lại chăm sóc mồ mả tổ tiên. Sau này bà đã bị địch tra tấn và mất sớm. Ông Võ Cừ cùng 4 con trai, 1 con gái, 2 rể và 15 cháu nội, ngoại rời quê hương, ra Bắc. Là một phú nông, nhưng khi ra đi, gia đình chẳng có tài sản riêng gì đem theo. Ông thường nói với các con: “Ra đi chỉ hai bàn tay trắng, nhưng cha rất tự hào vì đã cống hiến tất cả cho cách mạng”. Ra Bắc, ông Võ Cừ vinh dự được gặp Bác Hồ. Ông Võ Phấn từng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ông Võ Thứ, Trung tướng QĐNDVN, Phó Tổng thanh tra BQP, Võ Đức Huy (con ông Phấn)-nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Đại tá Võ Minh Ấn (con ông Thứ) nguyên Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân khu 5. Nhiều cháu nội, ngoại tham gia quân đội và đã hy sinh vì Tổ quốc.

Ông Võ Phấn hiện nay đã 100 tuổi nhưng còn khá minh mẫn. Hằng ngày ông vẫn đọc báo, trao đổi thông tin với người thân. Trước đây khi còn khỏe, ông luôn tham dự các ngày lễ kỷ niệm lớn của tỉnh. Hình ảnh hai Bí thư Tỉnh ủy, một già, một trẻ ngồi bên nhau ở hàng ghế đầu tiên vẫn luôn là hình ảnh đẹp và là niềm tự hào của người dân Quảng Ngãi. Ông Phấn còn là địa chỉ đỏ để học sinh các trường  phổ thông đến tìm hiểu về lịch sử địa phương. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi về tỉnh đều ghé thăm ông, thêm nguồn động viên để ông sống vui cùng con cháu.                              

Bài, ảnh: Hồng Vân