Hai chàng trai xứ Quảng làm giàu trên mảnh đất quê hương
Bằng nghị lực và niềm đam mê, hai chàng trai xứ Quảng Phạm Văn Bình và Huỳnh Viên Mãn quyết định từ bỏ công việc ổn định về quê khởi nghiệp thành công, mỗi năm lãi hàng trăm triệu đồng.
Bỏ phố về quê khôi phục nghề nước mắm gia truyền
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh (Đại học Đà Nẵng), anh Phạm Văn Bình (1987, trú thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) làm công việc ổn định tại TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, chứng kiến cơ sở nước mắm truyền thống hơn 40 năm của gia đình đang gặp khó khăn trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nước mắm truyền thống, anh Bình quyết định về quê phục hồi và phát triển thương hiệu nước mắm của gia đình.
Bắt đầu thực hiện ước mơ khởi nghiệp, anh Bình đầu tư hơn 2 tỷ đồng để cải tạo và mở rộng cơ sở cũ từ 1.000m2 lên 2.000m2. Ngoài ra, anh còn mua sắm hàng loạt máy trộn cá, hệ thống dẫn mắm tự động, máy chiết rót mắm… nhằm giảm sức lao động và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Quy trình sản xuất nước mắm truyền thống luôn được anh Bình tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu chọn lựa nguyên liệu đầu vào đến cách ướp, ủ chượp, chưng cất, kiểm tra độ đạm…
Để có được hương vị nước mắm thơm ngon, anh Bình mua cá cơm than tươi rói tại biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) trộn đều với muối hạt to, trắng tinh khiết theo tỷ lệ 3 cá 1 muối. Sau đó, áp dụng dây chuyền máy móc hiện đại để đưa nguyên liệu thô từ bể vào các thùng gỗ lớn, ủ chượp suốt 12 - 15 tháng, rồi cho rút lù lấy nước mắm, lọc tạp chất lẫn trong mắm…
Hiện, thương hiệu nước mắm Ông Trinh của gia đình anh Bình đã được đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu Trí tuệ, có mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thường xuyên được kiểm định chất lượng sản phẩm tại các cơ quan uy tín… Sản phẩm nước mắm Ông Trinh đạt giải C - Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của UBND tỉnh Quảng Nam.
Trung bình mỗi năm, cơ sở này cung ứng ra thị trường hơn 50.000 lít nước mắm và 10 tấn mắm ruốc, 15 tấn mắm nêm. Đặc biệt, năm 2024, anh Bình đã xuất khẩu thành công 2.500 lít nước mắm đi châu Phi. Anh đang khẩn trương hoàn thành đơn đặt hàng 4.000 lít nước mắm để bán sang Bờ Biển Ngà.
“Trong năm 2023 và 2024, doanh thu của cơ sở nước mắm luôn đạt hơn 4 tỷ đồng/năm. Trừ hết chi phí, lợi nhuận còn khoảng 500 - 600 triệu đồng/năm. Cơ sở tạo việc làm cho 9 lao động địa phương với mức thu nhập 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. “Tôi sẽ tiếp tục mở rộng nhà xưởng, cải tiến công nghệ, mẫu mã bao bì, kiểm soát chất lượng sản phẩm để hướng đến xuất khẩu sang các nước châu Âu và châu Mỹ” - anh Bình chia sẻ.
Từ bỏ công chức, khởi nghiệp làm giàu bằng chăn nuôi
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính (Đại học Duy Tân), anh Huỳnh Viên Mãn (32 tuổi, trú xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) vào làm việc cho một công ty tại TP Đà Nẵng với mức thu nhập khá cao. Tuy nhiên, với niềm đam mê chăn nuôi, anh Mãn ấp ủ ý định khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh Mãn tìm hiểu trên mạng xã hội biết đến mô hình nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016 anh quyết định nghỉ việc về quê mở trang trại con vật này. Để thực hiện ước mơ, anh Mãn bỏ ra gần 200 triệu đồng để mua 25 con chồn hương sinh sản về nuôi thử nghiệm.
“Mới bắt đầu chăn nuôi kinh nghiệm chưa có nên chồn hương hay bị bệnh, tỷ lệ sinh sản thấp. Do đó, tôi lặn lội vào thực tế tại các cơ sở nuôi chồn lớn ở các tỉnh phía Nam để học hỏi thêm kinh nghiệm. Khi nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, tôi “làm liều” vay mượn hơn 1 tỷ đồng đầu tư mở rộng trang trại diện tích gần 3ha, chia làm 3 khu nuôi nhốt riêng biệt chồn giống, chồn sinh sản và chồn thương phẩm”- anh Mãn chia sẻ.
Theo anh Mãn, chồn là loài động vật ngủ ban ngày và kiếm ăn vào ban đêm, thức ăn đa dạng (chuối, cháo, thịt, cá) nên việc nuôi chồn hương cũng khá nhàn. Chồn hương 10 đến 12 tháng tuổi là bắt đầu giao phối sinh sản, mỗi năm có thể đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 4 - 5 con. Hiện nay, chồn hương bán thịt có giá 1,4 - 1,5 triệu đồng/kg, còn chồn giống có giá 8 - 12 triệu đồng/cặp tùy trọng lượng. Thị trường tiêu thụ thịt chồn hương khá rộng, do đó, lượng thịt xuất bán luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Cao điểm trang trại của anh có tổng đàn 300 - 350 con. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ chồn hương mang về cho anh khoảng gần 800 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 400 - 500 triệu đồng.
Chia sẻ về dự định tương lai, anh Mãn tâm sự sẽ tiếp tục phát triển số lượng chồn hương. Đồng thời tận dụng diện tích đất thừa tại trang trại để trồng chuối làm nguồn thức ăn cho chồn. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ lại kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp với mô hình này.
Hai chàng trai Huỳnh Viên Mãn và Phạm Văn Bình là tấm gương “dám nghĩ dám làm” để nhiều bạn trẻ học tập khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Quỳnh Trang