Thanh niên 9X nuôi khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương
Thành công của mô hình không chỉ giúp anh và gia đình có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho một số lao động địa phương mà quan trọng hơn đã tạo sự cổ vũ mạnh mẽ cho những thanh niên trong vùng lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất nghèo khó này.
Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Mỹ Sơn nằm trên tuyếnđường giao thông 15A quan trọng nên liên tiếp hứng chịu những trận bom dội xuống. Sau khi hòa bình lập lại, người dân xã Mỹ Sơn đã nỗ lực khôi phục kinh tế, tăng gia sản xuất chính trên mảnh đất có nhiều hố bom dày chi chít – chứng tích lịch sử năm xưa. Được nhà nước đầu tư về cơ sở hạ tầng, các tuyến giao thông được mở rộng, cuộc sống người dân đã phần nào phát triển hơn trước. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, lại không có nghề phụ nên kinh tế của người dân chỉ phụ thuộc vào những mảnh ruộng nhỏ, cuộc sống vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.
“Hết cấp 3, tôi không chọn con đường thi vào đại học hay đi làm công nhân ở miền Nam như những bạn cùng trang lứa khác mà chọn học lái máy xúc với mong muốn ở lại lập nghiệp trên chính quê hương mình. Nhưng mọi việc không hề dễ dàng như tôi nghĩ. Hơn 8 năm làm thuê với đồng lương ít ỏi, số tiền dành dụm không được là bao. Nhận thấy vùng quê có diện tích đất đồi khá nhiều, nên tôi ấp ủ ước mơ mở trang trại chăn nuôi” - anh Nguyễn Đức Lễ thổ lộ. Có sự động viên của gia đình, năm 2019, sau khi khăn gói đi học hỏi kinh nghiệm nuôi dê từ các địa phương lân cận, Lễ trở về quê xây dựng chuồng trại nuôi dê thương phẩm. “Ban đầu tôi cũng định mở quy mô nhỏ vì lần đầu tiên làm, nhưng sau khi nghe thông tin Nhà nước có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng trang trại, tôi mạnh dạn vay ngân hàng thêm 200 triệu đồng để xây dựng tổng đàn 150 - 200 con cho 1 đơn vị chuồng trại, đáp ứng yêu cầu của dự án. Thời điểm đó dịch COVID -19 nên trang trại cũng gặp nhiều khó khăn, quyết định của tôi khiến mọi người trong gia đình lo lắng. Thậm chí nhiều người còn cho là gàn dở nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện bằng được” - Lễ chia sẻ thêm.
Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, trang trại nuôi dê của anh Nguyễn Đức Lễ gặp không ít khó khăn. Dê là loài động vật nhạy cảm trong ăn uống nên càng ngày cứ hao hụt dần. Thế nhưng, chàng thanh niên 9X không hề nản chí, mày mò tìm nguyên nhân và từ từ giải quyết. Sau 2 năm mở trang trại, tiền nợ ngân hàng anh đã trả xong và bước vào giai đoạn thu lãi, tạo công ăn việc làm cho 1 lao động với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
Cũng theo anh Lễ, sở dĩ anh chọn nuôi dê để khởi nghiệp vì khu vực đất trang trại của gia đình rộng, nếu chỉ trồng cây thì khả năng thu lại vốn khá lâu và không tận dụng hết lợi thế. “Dê là con vật rất hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây, nếu chăn nuôi theo kiểu chuồng trại sẽ không mất nhiều thời gian và công sức so với nuôi theo hình thức chăn thả. Ngoài ra, đất vườn còn tận dụng để trồng cỏ lấy thức ăn cho dê, trồng cây ăn quả, trồng cây lâu năm và đào một hồ nước nhỏ để chứa nước cho dê uống, phục vụ tưới tiêu” – anh Lễ lý giải thêm.
So với các giống dê trên địa bàn, loại dê được nhập từ các tỉnh ở miền Nam về dễ nuôi và nhanh cho thu nhập hơn. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu ở miền Trung khá khắc nghiệt nên cần có chế độ chăm sóc hợp lý. Mỗi con dê khi nhập về cân nặng khoảng 15-16kg. Sau 3 tháng nuôi vỗ béo, dê sẽ đạt trọng lượng khoảng 30 - 35kg, thương lái sẽ đến tận trang trại thu mua nhập cho các nhà hàng, khách sạn… trên địa bàn. “Để đảm bảo số lượng dê trong chuồng, mỗi đợt tôi sẽ nhập khoảng 40 - 50 con, mỗi con có giá từ 2- 2,5 triệu đồng và nuôi thành nhiều lứa xen kẽ nhau. Sau khi đưa giống về, dê sẽ cho tiêm các loại vắc xin phòng bệnh, trung bình tiêm vắc xin 2 lần/năm để phòng ngừa loại dịch bệnh. Ngoài ra, thức ăn của Dê cũng được chuẩn bị rất công phu, cỏ sau khi cắt sẽ được thái nhỏ, sau đó đem ủ với men và muối 10 ngày trong thùng hoặc bao tải rồi mới cho dê ăn. Bên cạnh cỏ, tôi còn mua thêm các loại thức ăn khác dành riêng cho dê để đạt hiệu quả cao” – anh Lễ cho hay.
Với tổng đàn dao động từ 150-250 con, mỗi con khoảng cân nặng 30 - 40kg sẽ có giá khoảng 3,3 - 4,3 triệu đồng/con. Trung bình mỗi tháng, anh Lễ thu nhập khoảng 20-30 triệu đồng, mỗi năm thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Kim Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn cho biết: “Anh Nguyễn Đức Lễ là thanh niên trẻ, chưa lập gia đình nhưng rất giàu nghị lực, dám nghĩ, dám làm. Mô hình kinh tế nuôi dê thương phẩm của anh Lễ không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương mà còn tạo động lực, là tấm gương cho những thanh niên trong xã muốn khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Hàng năm, anh Lễ luôn nhận được giấy khen của UBND xã về thành tích và đóng góp cho địa phương”.
Dương Hóa