Hai niềm vui trước ngày tựu trường

Thứ tư, 30/08/2017 08:46

Năm học mới 2017-2018, lần đầu tiên, 100% học sinh bậc tiểu học (TH) của Q. Hải Châu và Thanh Khê (Đà Nẵng) được học 2 buổi/ngày. Đây cũng là năm học đầu tiên, hai trường TH miền núi của H. Hòa Vang gồm: TH Hòa Phú và TH Hòa Bắc được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để tổ chức bán trú cho HS.

Hiệu trưởng và Hiệu phó trường TH Hòa Bắc kiểm tra lại bếp ăn ở điểm trường chính.

Nỗ lực giải bài toán học 2 buổi/ngày

Tuy không nằm trong danh sách 3 trường TH ở Q. Hải Châu cấm tuyệt đối nhận trái tuyến theo NQ 53 HĐND TP, nhưng năm học mới 2017-2018 này, lần đầu tiên Trường TH Trần Văn Ơn không tiếp nhận HS trái tuyến. Không chỉ có thế, nhà trường buộc phải điều tiết trên 100 HS trong tuyến sang học tại Trường TH Phan Thanh vì lý do quá tải, không đủ phòng học để tổ chức học 2 buổi/ngày. Trong khi đó, Trường TH Phan Thanh có 8 lớp 5 lên lớp 6, nhưng đầu vào chỉ tuyển được 2 lớp 1. Sau khi làm cuộc vận động với phụ huynh (PH) có con em trong tuyến của P.Hải Châu II, đầu tháng 8-2017, gần 120 PH ở khu vực Trung Tạm 1, 2, Cầu Vồng 1, 2 đã đồng ý để con sang học tại Trường TH Phan Thanh.

Cũng để giải quyết bài toán học 2 buổi/ngày, năm học 2017-2018, trường TH Núi Thành chỉ tuyển sinh 3 lớp 1, số HS trong độ tuổi vào lớp 1 còn lại của P.Hòa Cường Bắc (phân theo khu vực) sẽ học tại Trường TH Phan Đăng Lưu, do phường này có 2 trường TH. Được biết, năm học trước, Trường TH Núi Thành còn 0,3% HS không được học 2 buổi/ngày (HS lớp 5 chỉ học 1 buổi)...

Qua trao đổi với bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng Phòng GD-ĐT Q. Hải Châu, được biết để đảm bảo năm học mới này, 100% HS bậc TH trên địa bàn quận được học 2 buổi/ngày, việc đầu tư cơ sở vật chất đã được lãnh đạo các cấp quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ năm học trước. Đồng thời, xây dựng mới Trường TH Lê Đình Chinh tại địa điểm khác (cơ sở cũ của trường sẽ giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng). Vì thế, dù năm nay số lượng HS tuyển đầu cấp bậc TH ở Q.Hải Châu  tăng hơn 1.000 HS so với năm học trước nhưng 100% HS TH ở đây đã được học 2 buổi/ngày.

Tương tự, ngành GD-ĐT Q. Thanh Khê cũng thở phào nhẹ nhõm vì đã giải quyết được bài toán học 2 buổi/ngày cho HS bậc TH. Ông Phạm Đình Sơn- Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Thanh Khê chia sẻ: "Năm học rồi, Trường TH Trần Cao Vân có một số khối lớp không được học 2 buổi/ngày. Năm học này, Trường TH Trần Cao Vân được xây dựng thêm một điểm trường mới tại đường Hoàng Hoa Thám với 3 tầng, Trường TH Nguyễn Trung Trực được xây thêm 10 phòng học, Trường TH Lê Quang Xung được xây thêm 6 phòng học và Trường TH Dũng Sĩ Thanh Khê được xây thêm 4 phòng học. Nhờ thế, bài toán học 2 buổi/ngày của Q.Thanh Khê cơ bản đã được giải quyết trong năm học mới này, dù năm nay số HS tuyển vào lớp 1 ở Thanh Khê tăng gần 1.000 em".

Nếu 3 năm trước, để 100% HS trên địa bàn được học 2 buổi/ngày, ngành GD-ĐT Q.Sơn Trà phải huy động thêm phòng bộ môn, thì năm nay tình trạng đó đã không còn nữa. Để chuẩn bị cho năm học mới này, ngành GD-ĐT Q.Sơn Trà đã được các cấp quan tâm đầu tư xây dựng thêm một điểm trường mới cho Trường TH Hai Bà Trưng với 13 phòng học, 3 phòng chức năng. Ngoài ra, Trường TH Ngô Mây được xây dựng thêm 8 phòng học; Trường TH Nguyễn Tri Phương được đầu tư xây dựng thêm 9 phòng học; Trường TH Tô Vĩnh Diện xây dựng thêm 12 phòng học và phòng chức năng. Hiện đang xây dựng mới 8 phòng học sẽ đưa vào sử dụng trong HKII cho Trường TH Nguyễn Phan Vinh. "Chính nhờ sự quan tâm đầu tư này mà năm học mới 2017-2018, sĩ số trung bình của các trường TH trên địa bàn Q.Sơn Trà đã hạ xuống còn 35 HS/lớp", bà Nguyễn Thị Thảo - Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Sơn Trà phấn khởi chia sẻ.

Như vậy, ngoài Q. Liên Chiểu chỉ đạt khoảng trên 92% HS bậc TH được học 2 buổi/ngày (dù đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhưng do hằng năm dân số trên địa bàn này tăng cơ học đến chóng mặt nên vẫn không thể đạt được mục tiêu này), các quận, huyện còn lại 100% HS bậc TH đều được học 2 buổi/ngày.

Niềm vui học trò vùng khó

Việc UBND TP đồng ý hỗ trợ kinh phí để tổ chức bán trú cho HS tại 2 trường TH Hòa Phú và TH Hòa Bắc không chỉ đem lại niềm vui cho PH-HS nơi đây trong năm học mới này, mà còn cất đi được gánh nặng, nỗi niềm trăn trở bấy lâu nay của những người làm công tác giáo dục của H. Hòa Vang.

Qua bà Phạm Hồ Quỳnh Trang- Trưởng Phòng GD-ĐT H .Hòa Vang, được biết trước thềm năm học mới, 2 trường TH này đã được đầu tư xây dựng mỗi trường một bếp ăn để tổ chức bán trú cho HS với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng cho 2 bếp ăn. "Cả hai bếp ăn này sẽ được hoàn thành trước thềm năm học mới. Theo đó, bếp ăn ở trường TH Hòa Phú sẽ được đặt ở trụ sở chính. Sau khi chuẩn bị xong thức ăn sẽ vận chuyển về điểm trường lẻ còn lại. Trường TH Hòa Bắc có 5 điểm trường, năm học trước đã xây dựng được 1 bếp ăn tại trụ sở chính, năm nay xây thêm 1 bếp ăn ở thôn Nam Mỹ để vận chuyển thức ăn về 2 điểm trường xa nhất ở Tà Lang, Giàn Bí. Bếp ăn đặt ở trụ sở chính thì có nhiệm vụ tổ chức bán trú cho HS tại điểm trường chính và điểm trường lẻ ở thôn Nam Yên", bà Trang cho biết.

Làm việc với Hiệu trưởng Nguyễn Thọ (Trường TH Hòa Bắc) được biết năm học trước, lần đầu tiên nhà trường tổ chức bán trú cho 80 HS/287 HS của toàn trường gồm: điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ ở thôn Nam Yên và Nam Mỹ. Kinh phí xây dựng bếp ăn này được thực hiện theo mô hình xã hội hóa. Năm học mới này, với sự đầu tư kinh phí xây dựng thêm một bếp ăn bán trú ở điểm trường lẻ đặt tại thôn Nam Mỹ cùng sự hỗ trợ kinh phí tiền ăn bán trú cho HS từ ngân sách, nhà trường sẽ họp PH-HS phổ biến tin vui này trước thềm năm học mới.

Từng chứng kiến cảnh HS TH Hòa Bắc do nhà ở xa trường nên phải mang theo cơm trưa đựng trong những lon gi-gô cũ mèm với thức ăn chỉ có cơm là chính, tôi hiểu vì sao gương mặt người hiệu trưởng trường TH Hòa Bắc lại vui đến thế khi nói về điều này. Dù rằng, số tiền hỗ trợ đó không hẳn là nhiều, cụ thể: HS là người dân tộc thiểu số và HS hộ nghèo được hỗ trợ 520.000 đồng/tháng/HS; HS thuộc hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách là 364.000 đồng/tháng/HS; các HS thuộc diện còn lại là 260.000 đồng/HS/tháng.

Vui là vậy, nhưng thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thọ không khỏi trăn trở cho biết, vẫn còn nhiều cái nhà trường phải lo khi tổ chức bán trú cho HS. Bởi lẽ, ngoài tiền ăn bán trú được hỗ trợ từ ngân sách, các vấn đề liên quan đến tổ chức bán trú như chăn, gối, mền, chén bát, đũa… bắt buộc phải thu từ PH. Trong khi đó, phần lớn HS nơi đây là con em dân tộc thiểu số hoặc gia đình khó khăn, không phải ai cũng có thể đóng 200.000 đồng để mua những vật dụng này. Đó là chưa kể những khoản phát sinh khác khi tổ chức bán trú cho HS toàn trường, bởi phải hợp đồng thêm cấp dưỡng, chi phí cho quản sinh.

Dù vậy, thầy Nguyễn Thọ cho biết, nhà trường sẽ tìm cách khắc phục khó khăn, kêu gọi sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân đã từng giúp đỡ cho nhà trường trong những năm qua để tổ chức tốt công tác bán trú cho HS của trường trong năm học mới này.

PHAN THỦY