Hải Quân Việt Nam - Trung Quốc: Diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển Đà Nẵng

Thứ tư, 08/12/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Căn cứ vào Thỏa thuận giữa Hải quân Quân giải phóng Nhân dân (QGPND) Trung Quốc và Hải quân QĐND Việt Nam về Quy chế tuần tra liên hợp vùng biển Bắc Bộ đã được Tư lệnh Hải quân hai nước ký vào ngày 26-10-2005; Căn cứ Kế hoạch Tuần tra liên hợp lần thứ 10 trên vùng biển Bắc Bộ đã được Hải quân 2 nước phê chuẩn và đề xuất luyện tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tại vùng biển Đà Nẵng sau khi tàu HQ GPND Trung Quốc kết thúc chuyến thăm hữu nghị tại TPĐN, hôm qua (7-12), trên vùng biển Đà Nẵng đã diễn ra cuộc Diễn tập, luyện tập phối hợp TKCN với quy mô lớn của 2 lực lượng Hải quân Trung Quốc và Việt Nam.

Mục đích của đợt phối hợp diễn tập lần này nhằm tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị truyền thống, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa Quân đội và Hải quân 2 nước; duy trì ANTT trên vùng biển giáp ranh giữa 2 nước đã được phân định; thúc đẩy thực thi thuận lợi Hiệp định hợp tác nghề cá, duy trì trật tự ổn định các hoạt động sản xuất bình thường của nhân dân 2 nước trong vùng biển Bắc Bộ và trong khai thác thủy sản ở những vùng biển khác…

Đồng thời, cuộc diễn tập cũng là dịp để trao đổi kinh nghiệm và nâng cao khả năng phối hợp luyện tập TKCN cho lực lượng tuần tra chung của Hải quân 2 nước. Từ kết quả chuyến tuần tra liên hợp lần thứ 10 này và hoạt động phối hợp luyện tập TKCN trên vùng biển Đà Nẵng, tiếp tục nghiên cứu hình thức, phương pháp phối hợp hoạt động giữa Hải quân 2 nước, đưa vào nội dung thỏa thuận thường niên giữa 2 nước và thực thi cho những năm tiếp theo.

Tàu HQ Việt Nam tác chiến trên biển. 

Với mục đích và yêu cầu như vậy, đúng 10 giờ ngày 7-12, tàu  Hải quân QGPND Trung Quốc (có mang theo trực thăng), cùng biên đội 2 tàu của Hải quân Việt Nam rời Cảng Đà Nẵng hợp thành đội hình liên hợp hàng dọc tập kết ở khu vực quy định trên vùng biển Đà Nẵng để phối hợp diễn tập TKCN trên biển, theo những tình huống giả định đã được hai bên thống nhất thông qua và đưa vào kịch bản. Đúng 12 giờ, pháo lệnh bắt đầu diễn tập được phát ra đồng loạt từ tàu kỳ hạm (chỉ huy diễn tập).

Tình huống cụ thể lúc này là: Trên biển Đông 1 tàu cá của Việt Nam và 1 tàu cá của Trung Quốc gặp nạn. Cơ quan TKCN của Việt Nam và Trung Quốc nhận được thông tin, tín hiệu báo cấp cứu khẩn cấp và vị trí tương đối của các mục tiêu gặp nạn. Lực lượng tàu đang tuần tra  Liên hợp, qua Văn phòng tuần tra liên hợp của Hải quân 2 nước nhận được lệnh tổ chức cứu nạn các thuyền và người gặp nạn…

Ngay lập tức, biên đội liên hợp triển khai Kế hoạch TKCN, tập hợp về những vị trí có tọa độ tương ứng. Trực thăng của 2 nước đồng loạt cất cánh bay đến khu vực TKCN - để tìm và phát hiện mục tiêu. Tại các vị trí được coi là nơi các tàu thuyền gặp nạn, trực thăng của mỗi bên thả một mục tiêu giả  định tàu bị nạn là những phao tròn cứu sinh sơn màu đỏ trắng, cắm cờ hiệu vàng và bắt đầu cho phát khói màu vàng ngay trên phao báo hiệu, đồng thời báo về cho tàu mẹ của mình về tọa độ chính xác của tàu bị nạn.

Từ đó, hai tàu kỳ hạm cùng gửi điện thông báo bắt đầu TKCN, tàu Trung Quốc phát tín hiệu màu đỏ, lao nhanh về vị trí tọa độ mà trực thăng đã thông báo. Phía bên này tàu kỳ hạm của Việt Nam cũng đã khởi động về vị trí của mình, trên boong tàu các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang khẩn trương triển khai các phương tiện, rà soát các bước trong công tác TKCN. Trong khoang chỉ huy, bộ phận thông tin đang giữ liên lạc với tàu Trung Quốc để cùng chia sẻ thông tin về khu vực tàu bị nạn; tính chất tàu bị nạn; chìm, cháy, độ nổi, thời gian duy trì sức sống, tình hình thương vong về người; điều kiện khí tượng thủy văn, sức gió, dòng chảy…

Trên cơ sở tốc độ, hướng trôi dạt, Ban chỉ huy tàu Hải quân của cả 2 bên cùng  phối hợp, phân tích, đánh giá tình hình triển khai công tác TKCN trên biển Đông trong điều kiện thời tiết vô cùng khốc liệt: gió giật liên hồi, sóng biển đánh cao, các chiến sĩ Hải quân vừa phải đảm bảo sức khoẻ, gồng mình trong bão lũ, chăng dây, chuẩn bị phao cứu sinh cứu người bị nạn, hoặc lai dắt phương tiện trở về…

Theo kịch bản tàu Hải quân Trung Quốc cứu tàu và ngư dân Việt Nam và ngược lại (trong lúc đó trực thăng của 2 bên tiếp tục cơ động quần thảo tìm kiếm, theo sát mục tiêu dưới biển, liên tục báo cáo thông tin về cho tàu mẹ). Khi tiếp cận được mục tiêu, các tàu triển khai phương án ứng cứu, tổ chức vớt mục tiêu lên tàu, và mỗi bên chủ động thông báo kết quả tổ chức TKCN của mình và thông báo thời gian, tọa độ cập mạn nhau để trao trả người bị nạn…

Tại các tàu Hải quân của 2 nước lúc này rất bận rộn, các chiến sĩ sau 3 tiếng đồng hồ vất vả trên boong tàu đều đã hoàn thành mục tiêu cứu vớt và đưa được người bị nạn lên tàu, đang tập trung sơ cứu, chăm sóc người bị nạn, tổ chức ghi lại những thông tin do người bị nạn cung cấp nhằm tiếp tục tìm kiếm thêm những người khác (nếu có) và tiếp cận tàu bạn để trao trả người và phương tiện…

Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, công tác phối hợp TKCN trên biển đã kết thúc trong niềm vui mỹ mãn của các chiến sĩ HQ hai nước. Tàu kỳ hạm Việt Nam bắn 3 phát tín hiệu màu xanh phát tín hiệu kết thúc TKCN, trên các tàu đều đã nhận được điện chào hỏi và cảm ơn nhau vì đã phối hợp rất tốt trong công tác TKCN và trao trả người bị nạn.

Khi chia tay các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc công tác luyện tập phối hợp TKCN trên biển, rất nhiều chiến sĩ đã chia sẻ với tôi rằng những cuộc diễn tập rất bổ ích, không những luyện tập cho lực lượng Hải quân 2 nước có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác phối hợp TKCN, mà thông qua đó gắn chặt thêm tình cảm, trách nhiệm của Hải quân Việt Nam- Trung Quốc trong phối hợp bảo vệ bờ biển, phối hợp bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân 2 nước.

Hoài Hương