Hai tượng Phật cổ ở chùa Phước Hải bị mất: Mong tìm được tượng để xua tan nghi ngờ

Thứ sáu, 16/01/2015 11:46

(Cadn.com.vn) - Chùa Phước Hải (còn gọi là chùa Thành Lương, thôn An Lương, xã Duy Hải, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) là một trong những ngôi chùa cổ xưa ở Quảng Nam. Chùa được hình thành cuối thế kỷ XVI, nơi đây còn lưu trữ nhiều cổ vật có từ thời Chămpa, trong đó có 2 pho tượng Phật cổ quý hiếm, được xem là bảo vật của chùa. Thế nhưng rạng sáng 1-1, kẻ gian đã lẻn vào chùa trộm mất 2 pho tượng trên.

Chùa có niên đại hơn 500 năm

Theo bút tích khắc trên xà gồ bằng chữ Hán của chùa Phước Hải cho thấy, trước đây chùa có tên Thành Lương. Chùa được trùng tu lần đầu tiên dưới thời vua Lê Hiển Tông (niên hiệu Cảnh Hưng, năm 1740). Còn theo tài liệu của Tổ đình Chúc Thánh, Tổ Minh Giác đời thứ 36 dòng Lâm Tuế đã lập và trụ trì chùa này. Do bị thất lạc tư liệu, nên từ khi lập chùa đến năm 1702, tên tuổi các sư trụ trì đều không rõ. Năm 1969, chiến tranh ác liệt, nhân dân 3 xã vùng đông Duy Xuyên không chịu thực hiện chính sách “dồn dân lập ấp chiến lược” của chính quyền Sài Gòn nên địch cho phi pháo bắn phá cày trắng vùng đất này, hầu hết nhà dân và chùa Phước Hải đều bị bom phá nát. Để bảo tồn 2 pho tượng phật trên, các nhà sư trong chùa cùng Phật tử đã khiêng các pho tượng trên qua Hội An cất giấu.

Sau ngày giải phóng, người dân trong vùng đã góp công, góp của xây dựng lại chùa ngay trên nền móng cũ và cho tìm lại những pho tượng cũ đem vào thờ, cất giữ. Đến năm 1989, một trận bão tràn qua làm cho chùa ngã đổ lần nữa. Năm 1991, người dân trong vùng lại góp tiền vào trùng tu, từ đó chùa được gọi tên mới là Phước Hải.

Đạn bom, gió bão cày nát ngôi chùa nhiều lần, thế nhưng 2 cây dúi và một cây bún cổ thụ đứng thẳng hàng phía trước sân chùa vẫn còn tồn tại qua bao bể dâu cho đến ngày nay. Hiện tại, 3 cây cổ thụ to hơn hai người ôm như một minh chứng cho quá trình hình thành lâu đời của ngôi chùa trên.

Chùa Phước Hải được hình thành cách đây hơn 500 năm.

Hiện tại, phía sau chùa còn có Bàu Sấu, nguyên là một cái ao rộng còn gọi là âu thuyền. Tương truyền rằng, trước đây nơi này là bến cảng tấp nập, nơi tàu bè thường vào nghỉ chân, buôn bán với người dân địa phương. Tuy nhiên, qua thời gian, âu thuyền bị bồi lấp cạn, lúc này các thương lái trong và ngoài nước mới chọn Cửa Đại làm nơi neo đậu tàu thuyền, và Hội An vì thế hình thành cho đến bây giờ. Trong một lần về Quảng Nam, Giáo sư Trần Quốc Vượng có ghé thăm chùa và nhận định, ngôi chùa Phước Hải có thể hình thành cùng thời với đô thị cổ Hội An.

Đặc biệt, chùa Phước Hải trước đây được xây dựng trên nền một phế tích Chămpa, nên hiện còn lưu giữ hàng trăm hiện vật có giá trị bằng gốm và đất nung. Năm 2005, chùa được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh.

2 pho tượng cổ bị mất

Trong những cổ vật, chính điện của chùa có thờ 2 pho tượng phật bằng đồng, một tượng phật Thích ca cao 1m, ngang 0,8m, nặng khoảng 70kg và một tượng phật Di lặc cao khoảng 0,7m, ngang khoảng 0,5m, nặng hơn 30kg. Thế nhưng rạng sáng 1-1, kẻ gian đã đột nhập chùa lấy mất 2 bảo vật trên.

Ngồi trầm tư bên tách trà lá vối, thầy Thích Thông Đức - Trú trì chùa Phước Hải kể lại: Khoảng 23 giờ ngày 31-12-2014, sau khi tiến hành các nghi lễ xong, mọi người trong chùa đóng cửa cẩn thận rồi đi ngủ. 4 giờ ngày 1-1, chú tiểu Bình thức dậy lên mở cửa chính điện chùa thì phát hiện cửa sổ phía sau mở toang, một song cửa gỗ bị cạy bung ra. Lúc này sãi Hải cũng dậy và lên bật điện thì thấy bàn thờ trống trơn, 2 pho tượng đặt thờ trên bàn đã bị kẻ gian lấy mất. Đặc biệt, kẻ gian còn bỏ bã khiến một con chó và hai con mèo trong chùa ăn chết.

Đế pho tượng được đính bê-tông nhưng cũng bị kẻ gian cạy lên lấy.

Trước sự việc trên, chùa đã có đơn trình báo gửi CAH Duy Xuyên đến kiểm tra hiện trường, xem xét vụ việc. Theo một số người dân địa phương đi đánh cá sớm cho biết, khoảng 2 giờ ngày 1-1, họ có thấy một ô-tô chạy từ hướng chùa ra mà không bật đèn.

Thầy Thích Thông Đức cũng cho biết thêm, cuối năm 2012, chùa Phước Sơn (xã Duy Hải, H. Duy Xuyên) cũng mất một pho tượng bằng đồng quý hiếm. Hay tin đó, thầy đã về gia cố lại cửa ngõ, làm lại ổ khóa, trám lại các ô thông gió. Dưới đế hai pho tượng cũng được đính bê-tông, gắn thép vào. Thế nhưng hai cửa sổ phía sau bằng gỗ chưa có kinh phí nên chưa làm mới lại được và lợi dụng chỗ này, kẻ gian đã cạy cửa chui vào chùa lấy trộm.

“Sau khi bị mất hai pho tượng trên, nhiều người đồn đoán rồi cho rằng người trong chùa lấy mang đi bán. Việc nghi kỵ lẫn nhau khiến chư tăng trong chùa rất buồn. Qua đây, nguyện vọng của chùa trông mong các ngành chức năng sớm tìm được kẻ gian, lấy lại tượng để chùa đem về thờ tự, xua tan hiềm nghi” - thầy Thông Đức bày tỏ.

Trần Tân