Haiti khốn đốn sau "siêu bão" Matthew
(Cadn.com.vn) - Matthew, cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng tới khu vực Caribbean trong một thập kỷ qua, đã giết chết 1.000 người dân Haiti, xóa sổ nhiều thị trấn và làng mạc ra khỏi bản đồ, phá hủy hàng chục nghìn ngôi nhà, cây trồng và thực phẩm dự trữ. Dù cơn bão đã đi qua, nhưng sự hủy diệt ghê gớm của nó vẫn chưa rời bỏ Haiti. Người dân nước này đang lâm vào nạn đói và dịch bệnh hoành hành.
Dịch tả tăng tốc
Dịch tả bùng phát tại Haiti kể từ sau trận động đất năm 2010. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có 80.000 trường hợp mắc tả ở Haiti kể từ khi bùng phát và có thêm 770 trường hợp mới mỗi tuần trong năm 2016. Cơn bão Matthew đã tăng tốc dịch bệnh và làm suy yếu những bước tiến trong cuộc chiến chống dịch bệnh này của các nhà chức trách Haiti.
Ông Nadesha Mijoba, Giám đốc Y tế quốc gia, cho biết hậu quả của bão Matthew khiến việc phát hiện và điều trị bệnh tả khó khăn hơn. "Bệnh tả chưa bao giờ rời khỏi Haiti. Bệnh vẫn tiếp tục kể từ khi bùng phát vào năm 2010, nhưng đã được kiểm soát. Bão Matthew khiến nhiều khu vực bị ngập lụt, người dân sống dựa vào nguồn nước bị ô nhiễm chất thải và phân người, có thể dẫn đến bùng nổ đại dịch", ông Mijoba nói. Do đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay là đảm bảo nguồn nước uống cho người dân.
Giám đốc Tổ chức Xe cứu thương Haiti, bác sĩ Vince DeGennaro, cho biết, đã có hàng chục người chết do dịch tả ở thị trấn Port-a-Piment, tây nam nước này. "Những thị trấn trên bờ biển phía tây nam gần như bị xóa sổ. Mọi người đang ngủ ngoài trời và mối đe dọa của bệnh tả là rất lớn", ông nói. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cũng cho biết, các trường hợp mắc tả sau bão Matthew đang tăng nhanh.
Theo phát ngôn viên WHO Christian Lindmeier, rất khó ước tính số trường hợp mắc bệnh tả tại Haiti. Một số trường hợp bị nhẹ nhưng không được điều trị dẫn đến mất nước và tử vong. "Bệnh tả không gây chết người. 80% số người bị nhiễm chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ, và có thể được điều trị dễ dàng", Lindmeier cho biết. Theo WHO, việc xây dựng lại cơ sở y tế cũng là một ưu tiên hàng đầu tại Haiti. Đặc biệt là khi mùa mưa đến, số trường hợp mắc bệnh tả sẽ tăng lên nhanh chóng.
Hai trẻ nhỏ mắc bệnh tả đang được điều trị tại Bệnh viện Port-a-Piment. Ảnh: Reuters |
Nguy cơ đói
Tổng thống lâm thời Jocelerme Privert cảnh báo, Haiti có nguy cơ "đói" sau "sự hủy diệt" của bão Matthew. Theo ông Privert, nạn đói sẽ bóp chặt đất nước trong 3-4 tháng tới nếu tình hình không được cải thiện.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 10-10 cho biết cần một "phản ứng lớn" để giúp Haiti. Ít nhất 1,4 triệu người cần hỗ trợ tại thời điểm này. Một phản ứng lớn là cần thiết. LHQ đang làm việc với các quan chức địa phương để đánh giá nhu cầu", ông cho biết.
LHQ kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp 120 triệu USD để "cứu và bảo vệ" 750.000 người ở tây nam Haiti trong 3 tháng tới. Số tiền này sẽ giúp cung cấp thực phẩm, nước uống và chỗ ở cho những người dễ bị tổn thương nhất trong số 1,4 triệu người đang cần giúp đỡ.
An Bình (Theo CNN, BBC)