Hâm nóng!

Thứ năm, 04/01/2018 09:30

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ đến thủ đô Paris của Pháp vào ngày 5-1 tới để hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Emmanuel Macron, đồng thời bắt đầu một Năm mới bằng cách “hâm nóng” quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU) sau năm 2017 đầy căng thẳng.

Tổng thống Pháp Macron sẽ có cuộc hội đàm với ông Erdogan tại Điện Elysees, trong đó trọng tâm là các vấn đề đang nóng hiện nay, từ cuộc chiến ở Syria tới quan hệ thương mại. Nhưng có lẽ, ưu tiên số 1 của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến đi lần này là: tiếp tục hành trình gia nhập EU. Đây là nỗ lực mà Ankara đã bắt đầu trong 50 năm qua nhưng hiện đang gặp nhiều rắc rối do những căng thẳng giữa hai bên trong năm 2017. Và trong bối cảnh khó khăn này, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách gần Pháp hơn để nhờ đó tiếp tục thúc đẩy tham vọng này. Nhu cầu này là đặc biệt cấp bách tại thời điểm căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ gia tăng sau khi Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Tổng thống Erdogan thường xuyên đến Nga, các quốc gia Vùng Vịnh và Châu Phi trong năm qua nhưng hiếm khi được nhìn thấy ở Châu Âu kể từ sau cuộc đảo chính bất thành nhằm vào chính quyền của ông vào ngày 15-7-2016.  Chuyến thăm nước Pháp lần đầu sẽ đánh dấu chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đến Châu Âu kể từ sau vụ đảo chính. Nhưng Đức vẫn vắng mặt trong hành trình này của ông Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chịu đựng cuộc khủng hoảng cay đắng nhất vào năm 2017 với Đức, quốc gia vốn chỉ trích gay gắt cuộc đàn áp của Ankara sau đảo chính. Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel thường nói gay gắt với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Macron lại mềm mỏng hơn khi nêu rõ mục đích “tránh rạn nứt” với một quốc gia “đối tác thiết yếu” như Ankara.

Và từ cuối năm 2017, dường như Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã “bắt đầu ở đâu đó” trên con đường tìm kiếm cải thiện quan hệ và hai nước duy nhất có thể làm được điều này là Đức và Pháp. Và trong khi Đức vẫn chưa cho thấy sự thay đổi, Pháp là trụ cột được nhắm đến. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn không lạc quan khi cho rằng, hai bên cũng khó có thể đi đến bất kỳ thay đổi cơ bản tốt hơn cho năm 2018 một khi các vấn đề khúc mắc vẫn chưa thể tháo gỡ như người tị nạn, Syria, hoạt động trấn áp sau đảo chính của Ankara...

THANH VĂN