Hạn chế rủi ro, thiệt hại trong hoạt động xuất khẩu

Thứ hai, 04/09/2023 08:30
Trong thời gian qua, tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước bị trả lại hàng hóa, bị điều tra về phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu ngày càng gia tăng, gây rủi ro, thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp. Nhằm góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp phòng tránh rủi ro, thiệt hại trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa, cuối tháng 8-2023 vừa qua, tại TP Đà Nẵng, Cục Xúc tiến thương mại và Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức các hội nghị về kỹ năng phát triển thị trường xuất khẩu và tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng vệ thương mại dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Sản xuất bộ đồ veston xuất khẩu ở Công ty CP Dệt may 29-3 (TP Đà Nẵng).
Sản xuất bộ đồ veston xuất khẩu ở Công ty CP Dệt may 29-3 (TP Đà Nẵng).

Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Đà - Chuyên gia hỗ trợ xuất nhập khẩu, hiện nay, cạnh tranh hàng hóa ngày càng cao; tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa tại nhiều thị trường, nhất là các thị trường "khó tính: như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Úc, v,v… ngày càng khắt khe. Do vậy, để tránh tình trạng hàng xuất khẩu bị trả lại, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nghiên cứu thật kỹ thị trường có ý định xuất khẩu. Trong đó, phải tranh thủ tận dụng được sự hỗ trợ của các tổ chức như: Cục Xúc tiến thương mại, Cục Phòng vệ thương mại, Tham tán thương mại, hiệp hội ngành hàng xuất khẩu… để tìm hiểu cặn kẽ thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải nắm bắt được các quy định của từng thị trường xuất khẩu, gồm quan hệ thương mại, bối cảnh chính trị hiện tại của quốc gia xuất khẩu, có hay không có hợp tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Ông Hồ Ngọc Quân - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại), chia sẻ thêm, để hạn chế các rủi ro trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, v.v… Đặc biệt là cần phải minh bạch toàn bộ quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đăng ký thương hiệu sản phẩm, hàng hóa… Ngoài ra, trước khi xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần phải tìm hiểu năng lực tài chính, thanh toán của đối tác cũng như nắm kỹ các thông tin về phòng vệ thương mại đối với sản phẩm của mình ở thị trường xuất khẩu.

Trao đổi về những rủi ro, thiệt hại đến từ chính sách phòng vệ thương mại của các quốc gia nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, cho biết, nếu như giai đoạn 2005-2010 chỉ xảy ra 25 vụ liên quan đến phòng vệ thương mại, thì đến giai đoạn 2011-2015 tăng lên 52 vụ, giai đoạn 2016-2021 là 109 vụ và riêng trong năm 2022 đã có trên 200 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thời gian tới, với xu hướng này hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Đáng lưu ý, bên cạnh những biện pháp truyền thống như: chống bán phá giá, chống trợ cấp, biện pháp tự vệ, hiện nay cũng bắt đầu xuất hiện các vụ việc mà nước ngoài, nhất là Hoa Kỳ tiến hành điều tra và áp dụng các biện pháp mang tính chất biện pháp lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước hạn chế những rủi ro, thiệt hại trong hoạt động xuất khẩu thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung cho biết, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm, theo dõi những biến động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại thường xuyên phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu để có những hoạt động cung cấp thông tin, trao đổi, chia sẻ thông tin về phòng vệ thương mại, về các nguyên tắc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại một cách cơ bản nhất cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại tăng cường phối hợp với hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hệ thống các kênh thông tin khác, thậm chí có những kết nối thông tin riêng với các cơ quan điều tra để trao đổi cụ thể và có những hướng dẫn, những tư vấn cụ thể hơn khi có vụ việc phòng vệ thương mại xảy ra…

Đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu của TP Đà Nẵng chia sẻ rằng việc các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương tổ chức các hội nghị nói trên hết sức bổ ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước nói chung, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng. Qua các hội nghị này không chỉ giúp các doanh nghiệp nắm bắt, cập nhật kịp thời về tình hình nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thị trường thế giới, nhất là các thị trường xuất khẩu trọng điểm hiện nay; các quy định mới nhất liên quan đến xuất khẩu hàng hóa, phòng vệ thương mại…, mà còn tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, cách thức tiếp cận thị trường xuất khẩu, quy tắc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc xuất xứ và thủ tục kê khai tờ khai C/O đối với hàng xuất khẩu, nhất là ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Từ đó, góp phần giúp các doanh nghiệp phòng ngừa, hạn chế các rủi ro, thiệt hại trong quá trình xuất khẩu.

PHÚ NAM