Hàn gắn
(Cadn.com.vn) - Làm thế nào để sửa chữa mối quan hệ đang bế tắc giữa Nhật -Hàn là câu hỏi mà Mỹ đang đau đáu tìm câu trả lời bởi đây là hai đồng minh quan trọng của Washington ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Mối quan hệ Nhật - Hàn nổi tiếng xấu xí dù cả hai đang đứng ở thế đồng minh "kiềng 3 chân" với Mỹ ở Châu Á. Cả hai trong thời gian gần đây càng trở nên căng thẳng do tranh cãi về các vấn đề liên quan đến lịch sử và tranh chấp lãnh thổ. Nhiều người Hàn Quốc cho rằng, Nhật đang tìm cách chống chế cho những tội ác của quân đội nước này trong thời gian chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, từ năm 1910-1945.
Hồi tuần trước, Mỹ tỏ ra lạc quan hơn khi Nhật - Hàn bắt đầu đối thoại an ninh cấp cao đầu tiên trong hơn 5 năm qua. Chủ đề đối thoại chính bàn về việc sửa đổi các nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng giữa Nhật - Mỹ trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản muốn viết lại Hiến pháp Hòa bình của Nhật sau Thế chiến II, theo đó trao thêm quyền cho Lực lượng Phòng vệ (SDF).
Bản cập nhật đầu tiên kể từ năm 1997 các nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng Washington - Tokyo được đề ra nhằm tăng cường sự hợp tác giữa quân đội Mỹ và SDF để đối phó với các mối đe dọa an ninh mà không bị ràng buộc bởi những hạn chế hoạt động ở những khu vực đã định. Do bán đảo Triều Tiên từng nằm dưới quyền cai trị của Nhật, Hàn Quốc thường tỏ ra thận trọng trước bất cứ sự mở rộng phạm vi hoạt động nào của SDF.
Tuy nhiên, căng thẳng lại bùng lên khi Thủ tướng Abe hôm 20-4 tuyên bố không thấy cần thiết phải nhắc lại những tuyên bố xin lỗi trước đây về vấn đề Tokyo cai trị ở bán đảo Triều Tiên, ngay trước thềm kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế Chiến II. Đáp trả, hôm 21-4, Seoul kêu gọi Tokyo nêu rõ ý định tôn trọng những lời xin lỗi trước đây đối với các tội ác mà quân đội Nhật gây ra trong thời chiến. Những động thái này rõ ràng cho thấy, cả Hàn và Nhật đang chứng tỏ thế bất cần nhau.
Đối với Mỹ, việc thuyết phục Nhật-Hàn đoàn kết hợp tác cùng nhau là cần thiết trong bối cảnh Nhà Trắng tái tập trung Châu Á-Thái Bình Dương. Washington trong thời gian qua liên tục hối thúc Seoul-Tokyo nỗ lực cải thiện mối quan hệ đang xấu đi khi xem tình hình căng thẳng hiện nay là "nguy cơ chiến lược" đối với cả 3 nước. Mỹ có thể là cầu nối giúp kết nối Nhật-Hàn. Nhưng câu hỏi đặt ra thật quá khó: họ cần phải làm gì trước tiên?
Thanh Văn