Hạn hán, mặn hoành hành các tỉnh miền Trung (Bài 4: Bao giờ hết cảnh vừa "canh" thủy triều vừa "ngóng" thủy điện?)
Với Đà Nẵng và Quảng Nam, nơi có nhiều thủy điện phía thượng lưu, vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn đã trở nên nóng bỏng trong những năm qua. Việc hài hòa giữa thủy điện, thủy lợi và nước sinh hoạt ở hai địa phương này đang là một bài toán hóc búa, dù đã triển khai nhiều biện pháp cả về công trình và phi công trình nhưng vẫn chưa có đáp án ổn thỏa. Trong khi đó, với Thừa Thiên – Huế, giải pháp trước mắt vẫn là hạn chế thất thoát nguồn nước và đắp đập nâng đỉnh tràn ở các hồ thủy lợi để dự trữ.
Đập hồ Quao ở xã Phong Mỹ (H.Phong Điền, TT-Huế) trong thời điểm khô hạn năm 2019. |
Theo ông Phan Thanh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh TT-Huế, hiện nay, nhiều diện tích lúa của địa phương trên địa bàn tỉnh bị chết do xâm nhập mặn và hàng ngàn héc-ta trước nguy cơ bị thiếu nước. Để không phụ thuộc vào việc xả nước của hồ thủy điện, các địa phương trên toàn tỉnh phải triển khai các biện pháp chủ động như nạo vét cửa lấy nước các trạm bơm, cống, kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến. “Các chủ hồ thủy điện, thủy lợi cần tổ chức lắp đặt, quan trắc, dự báo lượng nước về các hồ chứa và chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan theo quy định của Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước và Luật Khí tượng thủy văn. Các công trình thủy lợi sử dụng nước ở hạ du các hồ chứa lớn cần tổ chức xây dựng phương án, bố trí kế hoạch, thời gian lấy nước phù hợp với lịch vận hành của các hồ chứa”, ông Hùng cho hay.
Ông Đỗ Văn Đính - Giám đốc Cty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh TT-Huế cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị cùng với chính quyền một số huyện, xã tổ chức rà soát lại hệ thống kênh mương, khắc phục các điểm hư hại trên hệ thống tưới tiêu, tránh thất thoát nước ở đầu nguồn, thiếu nước ở vùng hạ du. Để hạn chế bị động trong công tác chống hạn, Cty đã đắp các đập tạm ở vùng miền núi Nam Đông, A Lưới, nâng đỉnh tràn bằng bao tải đất ở hồ Hòa Mỹ để tăng dung tích của hồ. Các trạm bơm trung chuyển cũng đã được lắp đặt ở vùng cao tại Hương Trà cũng như vận hành đóng các đập ngăn mặn Thảo Long, Cửa Lác, cống Quan, cống Truồi, cống Cầu Lông, cống Quán Cửa, cống An Xuân, cống Hà Đồ, cống Mai Dương và các cống trên đê ven phá Tam Giang… nhằm đảm bảo ngăn mặn triệt để, chống thất thoát nước.
Với Đà Nẵng và Quảng Nam, câu chuyện sử dụng hiệu quả nguồn nước hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn vẫn luôn nóng bỏng. Đầu tháng 3-2020, chính quyền và ngành chức năng hai địa phương này đã tổ chức cuộc họp Ban Điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ nhằm tìm ra phương án sử dụng nguồn nước hiệu quả nhất. Theo các chuyên gia về thủy lợi, nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 4 giai đoạn 2015 - 2019 đều rất thấp. Thậm chí hồ thủy điện A Vương hiện nay thiếu hơn 100 triệu mét khối so với quy định tại Quy trình 1537 do Thủ tướng phê duyệt. Điều đặc biệt là các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4 hai năm nay không xuất hiện lũ, các ngành chức năng đang tính toán có nên đồng ý cho nhà máy thủy điện này ngừng vận hành để tích trữ nước hay không.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Đà Nẵng và Quảng Nam triển khai hàng loạt biện pháp để chống hạn và xâm nhập mặn, kể cả đầu tư khẩn cấp các công trình ứng phó với thiên tai. Chỉ trong năm 2019, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng 4 đập tạm ngăn mặn, trong năm 2020 sẽ đầu tư thêm 1 dự án lấy nước trên dòng Vu Gia phục vụ chống mặn ở TP Hội An. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam Trương Xuân Tý cho biết, bên cạnh đắp đập tạm trên sông Vu Gia, chính quyền và ngành chức năng sẽ thực hiện các giải pháp khống chế việc nhiễm mặn sâu bằng cách tính toán thời điểm vận hành của các nhà máy thủy điện. Những dự án mà địa phương này đang nghiên cứu triển khai đều có phương án dự phòng, tính toán khả năng đưa nước ngọt về phục vụ cho Đà Nẵng.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các giải pháp về công trình, các địa phương hạ lưu Vu Gia – Thu Bồn cần đề xuất các giải pháp phi công trình. Theo ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, chính quyền Quảng Nam và Đà Nẵng cần sớm thống nhất nhu cầu sử dụng nước từ các hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cho thời gian còn lại mùa khô năm nay. Trong đó phải có phương án phù hợp với thủy văn, nhu cầu tiêu thụ điện, kể cả dự báo những tình huống có mưa lũ về hoặc nắng nóng kéo dài. Về lâu dài, hai địa phương cần thống nhất đề xuất Bộ TN&MT cho phép vận hành các hồ chứa thủy điện dưới mực nước quy định của Quy trình vận hành liên hồ. Theo các chuyên gia về thủy lợi, mấu chốt của bài toán nước sinh hoạt, phục vụ mùa màng khu vực hạ lưu nằm ở việc điều tiết hồ chứa để dòng chảy từ thượng lưu liên tục trong mùa kiệt nhằm trữ ngọt và đẩy mặn. Vì thế chính quyền 2 địa phương cần thiết phải xác định nhu cầu sử dụng nước của từng địa phương làm cơ sở đề xuất chế độ vận hành hợp lý của các thủy điện.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, để sử dụng nguồn nước hiệu quả, Đà Nẵng và Quảng Nam cần thống nhất và kích hoạt hiệu quả cơ chế phối hợp trao đổi thông tin, đối thoại định kỳ của ban điều phối. Trong đó, cần tập trung cho giải pháp chống xâm nhập mặn ở Vĩnh Điện, Hội An và Cầu Đỏ, nâng cao năng lực thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ và xây dựng phương án đối phó chung nếu nguồn nước bị ô nhiễm.
CÔNG KHANH – HẢI LAN