Hàn, Mỹ, Nhật tái cam kết đối phó Triều Tiên

Thứ ba, 31/10/2017 11:30

Quân đội Hàn, Mỹ và Nhật đã tái khẳng định hợp tác chặt chẽ để đối phó những mối đe dọa tên lửa và hạt nhân đang gia tăng từ phía Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng thêm vệ tinh.

Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-12 hồi tháng 9.     Ảnh: Yonhap

Triều Tiên sẽ phóng thêm vệ tinh

Thông cáo báo chí chung của quân đội 3 nước, được đưa ra sau cuộc họp 3 bên giữa Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Jeong Kyeong-doo của Hàn Quốc và những người đồng cấp Joseph Dunford của Mỹ và Katsutoshi Kawano của Nhật Bản tại trụ sở Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, cho biết, 3 quan chức đã thảo luận nhiều biện pháp hợp tác như chia sẻ thông tin và tăng cường khả năng sẵn sàng nhằm đối phó với các mối đe dọa.

Trong thông cáo báo chí này, 3 nước đồng minh cũng kêu gọi Triều Tiên từ bỏ con đường phát triển vũ khí “hủy diệt và liều lĩnh”.  “Ba quan chức đã kêu gọi Triều Tiên kiềm chế không thực hiện các hành động vô trách nhiệm phá hoại nghiêm trọng hòa bình và an ninh của khu vực cũng như cộng đồng quốc tế, không đi theo con đường phá hoại liều lĩnh là phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt”, thông cáo nhấn mạnh.

Tại cuộc họp này, ông Dunford tái khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ về việc bảo vệ các đồng minh chủ chốt trong khu vực và tạo ra sức mạnh răn đe mở rộng được bảo đảm bằng mọi khả năng quân sự của Mỹ, trong đó có cả khả năng phòng thủ tên lửa, hạt nhân và vũ khí thông thường

Đây là lần gặp thứ 5 giữa 3 chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng kể từ tháng 7-2014. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực ở mức cao, liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tờ nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, cùng ngày cho biết, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng thêm vệ tinh với lý do mọi nước có chủ quyền đều có quyền phát triển chương trình vũ trụ. Tờ báo nêu rõ, Triều Tiên sẽ đưa thêm vệ tinh lên vũ trụ, trong đó có cả vệ tinh địa tĩnh, theo chương trình 5 năm về phát triển vũ trụ, trong bối cảnh nước này đang tìm cách cải thiện nền kinh tế và đời sống của người dân.

Bài viết nhấn mạnh: “Một số nước đã thao túng các nghị quyết trừng phạt của LHQ chống chúng ta và cản trở việc phát triển vũ trụ của đất nước có chủ quyền. Đây là hành động không thể dung thứ. Xu thế toàn cầu hiện nay là mọi đất nước đều tìm kiếm tăng trưởng kinh tế với chương trình vũ trụ”. Tuyên bố trên được nhiều người coi là ý đồ của Triều Tiên trong việc tạo cơ sở cho khả năng phóng tên lửa tầm xa.

Châu Âu gặp nguy hiểm

Trong chuyến thăm Nhật ngày 30-10, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định, tên lửa Triều Tiên hiện có tầm bắn tới Châu Âu và đặt các nước thành viên NATO vào tầm nguy hiểm.

Ông Stoltenberg cho rằng, Triều Tiên là “mối đe dọa toàn cầu” và cho biết ông ủng hộ các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn. “NATO đang bảo vệ các nước thành viên trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo thông qua các biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên vẫn cần tới nhiều nỗ lực ngoại giao hơn nữa để tìm giải pháp cho cuộc xung đột này”, ông Stoltenberg cho biết thêm. Theo Tổng thư ký NATO, liên minh quân sự này đủ “khả năng và sự quyết đoán” để đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào cũng như bất kỳ “kẻ gây hấn” nào. Ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh, NATO không mong muốn chiến tranh xảy ra.

Mỹ tăng cường khả năng “răn đe hạt nhân”

Đó là tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong bối cảnh những căng thẳng về Thế chiến III gia tăng do các mối đe dọa hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên gây ra. ”Các bạn có thể tin rằng chính quyền của chúng tôi nỗ lực tăng cường và hiện đại hóa khả năng răn đe hạt nhân cho Mỹ. Lịch sử chứng nhận con đường chắc chắn nhất tới hòa bình là thông qua sức mạnh của Mỹ. Không có lực lượng vì hòa bình nào trên thế giới lớn hơn kho vũ khí hạt nhân của Mỹ”, ông Pence tuyên bố.

Hôm 29-10, quân đội Mỹ cho biết đã điều một máy bay ném bom tàng hình B-2 từ căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri tới các khu vực hoạt động ở Thái Bình Dương vào cuối tuần qua, trong một sứ mệnh có tầm bay rộng. Động thái này diễn ra một ngày sau khi trong chuyến thăm tới Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nhấn mạnh về chương trình vũ khí nguyên tử đang “tăng tốc” của Triều Tiên. Đây là thông điệp có khả năng nhằm trấn an Nhật Bản và Hàn Quốc trước thềm chuyến thăm tới Châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

AN BÌNH

Tổng thống Philippines kêu gọi Mỹ ngừng đe dọa Triều Tiên

Trước thềm cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng 11 tới, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng, Washington nên ngừng đe dọa Bình Nhưỡng và thay vào đó cần đảm bảo với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un rằng không có kế hoạch nào nhằm lật đổ ông này.

Trong bài phát biểu trên truyền hình trước khi đến Tokyo, Tổng thống Duterte nói rằng Mỹ, Nhật, Trung và Hàn nên ngồi lại với nhà lãnh đạo Triều Tiên để giải quyết chương trình phát triển vũ khí và thử tên lửa của chính quyền Bình Nhưỡng. Ông Duterte nhấn mạnh: “Hãy nói với ông Kim Jong-un rằng không ai đe dọa ông ấy và sẽ không có chiến tranh”. Theo Tổng thống Duterte, Triều Tiên sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự khi các nhà lãnh đạo của 4 nước nói trên nhóm họp với những người đồng cấp Đông Nam Á tại Manila trong tháng 11 tới.

B.NGÂN