Hàn Quốc bầu tổng thống mới
(Cadn.com.vn) - Ngày 9-5, người dân Hàn Quốc bắt đầu đến các điểm bỏ phiếu để bầu một nhà lãnh đạo mới, đưa đất nước "sang trang" sau những bê bối chính trị dẫn đến sự ra đi của cựu Tổng thống Park Geun-hye.
Cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc lần thứ 19 bắt đầu lúc 6 giờ ngày 9-5 tại 13.964 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Cuộc bầu cử dự kiến kết thúc lúc 20 giờ thay vì 18 giờ như các cuộc bầu cử trước đó. Tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức ngay lập tức sau khi Ủy ban bầu cử quốc gia Hàn Quốc (NEC) thông báo chiến thắng chính thức của một ứng cử viên trong cuộc họp sáng 10-5. Nhà lãnh đạo mới được kỳ vọng sẽ nhanh chóng chỉ định thủ tướng và các vị trí quan trọng khác trong nội các, bao gồm Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng An ninh Quốc gia.
Cử tri xếp hàng tại một điểm bỏ phiếu ở Incheon, phía tây Seoul. Ảnh: Yonhap |
Hôm 8-5, ứng viên Moon Jae-in thuộc đảng Dân chủ theo đường lối tự do kêu gọi người ủng hộ mang lại một "chiến thắng áp đảo" và nhấn mạnh đó sẽ là bước đầu tiên hướng tới hàn gắn đất nước sau vụ bê bối của bà Park. Cựu luật sư này chính là người về nhì sau cựu Tổng thống Park trong cuộc bầu cử năm 2012. Theo thăm dò gần đây nhất được công bố hôm 3-5 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Moon đạt 42,4%, vượt xa con số 18,6% dành cho hai ứng viên Hong Joon-pyo của đảng Hàn Quốc Tự do theo đường lối bảo thủ và Ahn Cheol-soo thuộc đảng Nhân dân theo đường lối trung tả.
NEC thông báo tính đến 17 giờ ngày 9-5, đã có 70,1% cử tri đi bỏ phiếu bầu. Ủy ban trên cũng cho biết, cuộc bỏ phiếu sớm đối với các đối tượng là cử tri cư trú ở nước ngoài, thuyền viên đang đánh bắt trên biển thực hiện trong hai ngày 4, 5-5 vừa qua đạt tỷ lệ 26,1%.
Cử tri muốn gì?
Ưu tiên lớn nhất mà cử tri Hàn Quốc mong muốn sau cuộc bầu cử lần này là nền kinh tế và chống tham nhũng.
Nam Woo-hyu, sinh viên 26 tuổi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong cuộc bầu cử là "thị trường việc làm cho thanh niên và phát triển kinh tế". Trong khi đó, cử tri Lim Sung-ryeom, 87 tuổi, cho biết, bà muốn bỏ phiếu vì "rất quan tâm" đến đất nước. "Thật khó để đi đến trạm bỏ phiếu, nhưng tôi không thể bỏ lỡ cơ hội tạo ra một đất nước tuyệt vời", bà cho biết. Yoon Ji-na, cho biết cô đi bỏ phiếu với hy vọng lá phiếu của mình sẽ giúp đất nước trở lại bình thường.
Ứng viên Moon Jae-in và vợ vẫy tay chào người ủng hộ sau khi bỏ phiếu. Ảnh: AP |
Thách thức của tân tổng thống
Bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này đều sẽ phải đối mặt với các thách thức nghiêm trọng.
Một trong các vấn đề thách thức nhất đối với tân tổng thống là làm thế nào để quản lý hiệu quả đất nước đang bị chia rẽ nghiêm trọng. Xã hội Hàn Quốc bị chia rẽ giữa những người muốn cải cách chính trị và kinh tế và những người vẫn tỏ ra thông cảm với cho Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye. Thêm vào đó Quốc hội Hàn Quốc vẫn sẽ bị chia rẽ cho đến cuộc bầu cử lập pháp tiếp theo vào tháng 4-2020. Hiện không có đảng nào của các ứng cử viên nặng ký chiếm hơn 150 trong tổng số 300 ghế Quốc hội. Theo Đạo luật Tiến bộ Quốc hội, để thông qua đạo luật mới cần 60% số phiếu thuận ở Quốc hội (tức khoảng 180 phiếu). Đảng Dân chủ của ứng cử viên tiềm năng Moon Jae-in cũng chỉ có 119 ghế tại Quốc hội. Vì vậy, nếu ông Moon có chiến thắng thì đảng của ông vẫn phải đàm phán với các đảng khác để lập liên minh đa số.
Nhật theo dõi diễn biến bầu cử Tổng thống Hàn Quốc Chính phủ Nhật Bản ngày 9-5 cho biết đang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc với hy vọng tăng cường phối hợp với chính quyền sắp tới của Seoul để giải quyết các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên. Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh: "Hàn Quốc là quốc gia láng giềng quan trọng nhất có chung các lợi ích chiến lược với Nhật Bản. Sự hợp tác, phối hợp hai bên là tuyệt đối cần thiết cho hòa bình và ổn định của khu vực, trong đó có việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Nhật Bản mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với chính quyền mới trong nhiều lĩnh vực". Cũng theo ông Kishida, Nhật Bản sẽ tiếp tục nhấn mạnh với chính phủ mới của Hàn Quốc về "tầm quan trọng của việc thực thi kiên định thỏa thuận Nhật - Hàn", được ký kết hồi tháng 12-2015 nhằm giải quyết "triệt để và dứt điểm" vấn đề phụ nữ mua vui. |
Bên cạnh đó, còn có vô số các thách thức ở nước ngoài. Đầu tiên là quan hệ đồng minh với Mỹ cũng như với tổng thống Donald Trump. Chính quyền Trump muốn xem xét và sửa đổi thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Hàn. Hiện vẫn chưa rõ Washington muốn thay đổi điều gì, nhưng động thái này đã gây ra sự lo lắng đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt là khi nền kinh tế của nước này đang chững lại.
Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của chính quyền bà Park Geun Hye hồi tháng 7-2013 cũng sẽ là một trở ngại. Quyết định đó đang làm ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh được cho là đã có một số biện pháp trả đũa kinh tế nhắm đến các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ứng cử viên Moon là người không mặn mà với việc triển khai THAAD. Do đó nếu ông Moon đắc cử, chính quyền Bắc Kinh có thể thúc đẩy chính quyền của ông Moon xem xét lại quyết định triển khai THAAD.
Cuối cùng là vấn đề Triều Tiên. Mối de dọa từ Bình Nhưỡng đã gia tăng trong vài thái qua, với các vụ thử tên lửa và tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Viễn cảnh Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 và một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ khiến Hàn Quốc đứng ngồi không yên.
Trang mới cho quan hệ liên Triều?
Kết quả của cuộc bầu cử này được cho là sẽ tác động sâu sắc đến tình hình căng thẳng đang leo thang ở khu vực Đông Bắc Á. "Tôi nghĩ rằng cuộc bầu cử này sẽ là một sự khởi đầu, không chỉ cho bán đảo Triều Tiên mà toàn bộ khu vực Đông Bắc Á và cả thế giới", chuyên gia Simone Chun thuộc Viện nghiên cứu chính sách Hàn Quốc nhận định.
Nếu ứng viên tiềm năng nhất Moon Jae-in giành chiến thắng, nhiều người nhận định sẽ mở ra trang mới trong quan hệ với Triều Tiên. "Ông ấy là một người ủng hộ mạnh mẽ "Chính sách ánh dương", lôi kéo và đối thoại với Triều Tiên. Đây là bước chuyển rõ ràng so với chính sách cứng rắn trước đó", ông Chun bình luận. Cả ông Moon Jea-in và ông Ahn Cheol-soo đều là những người chỉ trích mạnh mẽ đường lối cứng rắn của các chính phủ bảo thủ tiền nhiệm đối với Triều Tiên trong suốt thập kỷ qua, cho rằng cách tiếp cận này chẳng thể ngăn cản Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Trong khi đó, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 9-5 đăng bài bình luận cho rằng cử tri Hàn Quốc không nên cho phép phe bảo thủ được trở lại nắm quyền. Bài báo nhấn mạnh, việc loại bỏ nhóm bảo thủ sẽ là con đường tắt dẫn đến nền chính trị và cuộc sống mới cho Hàn Quốc.
An Bình