Hàn Quốc - mô hình mới ở Đông Bắc Á

Thứ tư, 29/04/2015 09:40

(Cadn.com.vn) - Hàn Quốc được xem là mẫu hình mới nổi tại khu vực Đông Bắc Á thời hậu Chiến tranh Lạnh, nhất là gần đây, sau khi Hàn-Mỹ-Nhật ký hiệp ước hợp tác quân sự, phát triển phòng thủ tên lửa và hải quân.

Hiệp ước tình báo quân sự ba bên được ký cuối tháng 12-2014 là thỏa thuận có ý nghĩa quan trọng cho phép 3 quốc gia chia sẻ thông tin tình báo trực tiếp về các mối đe dọa xuất phát từ Triều Tiên. Một trong những ưu tiên hàng đầu của hợp tác 3 bên là củng cố, phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa trên bán đảo Triều Tiên kết hợp cả hệ thống phòng thủ KAMD hiện có của Hàn Quốc với hệ thống THAAD đề xuất của Mỹ.

Hệ thống KAMD, được mô tả như là hệ thống bản địa và độc lập của Hàn Quốc và nằm ngoài hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của Mỹ tại khu vực. Một khi cuộc tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên hướng vào hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ-Hàn, không phân biệt loại hình và vị trí, Washington sẽ thực thi cam kết mà liên minh ký kết. Đặc biệt, Mỹ còn xem xét đưa hệ thống THAAD vào sử dụng để nâng cao kiệu quả tấn công, bất kể Trung Quốc lẫn Nga có quan tâm hay không.

Bắt đầu từ năm 2010, Mỹ công khai cam kết mở rộng tên lửa đạn đạo trong khu vực như THAAD tại Guam; 2 hệ thống radar X-band tại Nhật và đến năm 2017 sẽ triển khai thêm 2 tàu phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis và  hệ thống THAAD tiềm năng được nâng cấp tại Nhật. Tokyo chính thức trở thành một bộ phận trong hệ thống BMD của Mỹ tại khu vực từ năm 2006.

Còn Hàn Quốc cho dù công khai hoặc không tham gia chương trình BDM của Mỹ, việc triển khai hệ thống THAAD tiềm năng theo hiệp ước tình báo ba bên sẽ giúp Seoul tăng cường thêm sức mạnh quân sự trước mối đe dọa từ người anh em miền Bắc.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, xét tính chất cơ cấu kinh tế của Hàn Quốc, quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào thương mại và nhập khẩu dầu thô, khu vực hàng hải xung quanh đảo Jeju được xem là "huyết mạch sống còn" của quốc gia. Các căn cứ hải quân ở vùng biển phía tây nam Hàn Quốc như Mokpo cũng không quan trọng bằng căn cứ hải quân tại đảo Jeju. Vì vậy, để phòng vệ chống lại tên lửa của Trung Quốc hay Triều Tiên, Hàn Quốc cần được trang bị thêm nhiều tàu phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis.

Với việc ký kết hiệp ước tình báo 3 bên sẽ giúp cho Hàn Quốc bảo vệ chủ quyền theo cách của người Hàn. Điều này có tính đến các yếu tố mang tính sống còn như vị trí địa lý, mối quan hệ với Triều Tiên, với Mỹ và Nhật. Những hạn chế và địa lý khi Hàn Quốc là một quốc gia nhỏ bao quanh bởi những nước lớn, có nhiều thù oán lịch sử, sự khác biệt chính trị, và sự phụ thuộc lâu đời và liên tục vào Mỹ.

Người dân Hàn Quốc ủng hộ liên minh Mỹ-Hàn, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp. Những thay đổi cũng như sự nhạy bén về chủ quyền của Hàn Quốc có thể phá vỡ các mô hình truyền thống và thay vào đó là mô hình mới, tuy non trẻ, dễ rủi ro nhưng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nước này.

Kim Hùng
(Theo Diplomat)