Hàng chục người bị lừa mất 64 tỷ đồng bằng thủ đoạn “đầu tư tài chính online”

Thứ sáu, 05/01/2024 08:31
Ngày 4-1, Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đang thụ lý điều tra vụ án: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua mạng xã hội với quy mô lớn bằng hình thức kêu gọi “đầu tư tài chính”, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của các nạn nhân trên địa bàn tỉnh.
Cuộc trao đổi qua tin nhắn của đối tượng lừa đảo với nạn nhân.
Một nạn nhân đến cơ quan Công an trình báo vụ việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người giàu cũng… khóc!

Thời gian gần đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk liên tiếp nhận được đơn trình báo của các nạn nhân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức “đầu tư tài chính” trên mạng xã hội.

Theo trình báo của chị D. (trú TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), khi lướt mạng xã hội Facebook thì thấy trang tin quảng cáo có nội dung: “Không ai phá sản với 300.000 đồng nhưng với 300.000 đồng bạn đầu tư, bạn có thể kiếm được vài trăm ngàn mỗi ngày”. Tò mò, chị D. bấm vào xem và để lại thông tin thì có người lạ kết bạn Zalo mời gọi đầu tư. Chị D. làm theo hướng dẫn, nạp thử 300.000 đồng thì nhận được số tiền 500.000 đồng. Sau đó, chị D. được đối tượng hướng dẫn, mời gọi tham gia gói đầu tư 100 triệu đồng sẽ được nhận 4,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi chị D. nạp tổng cộng hơn 1,1 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn thì bị chiếm đoạt. Tương tự, anh T. (trú H. Krông Bông, Đắk Lắk) nhận được điện thoại giới thiệu mời tham gia quỹ đầu tư để được chia cổ phần lợi nhuận. Anh T. làm theo hướng dẫn và nạp tổng số tiền 5,4 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng thì bị chiếm đoạt.

Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2020 đến năm 2023, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram, các đối tượng chưa rõ nhân thân, lai lịch đã kết bạn và mời gọi nhiều người tham gia đầu tư tài chính trực tuyến. Ban đầu, các bị hại làm theo hướng dẫn, thử đầu tư số tiền ít thì thấy có sinh lời và rút tiền về được. Sau đó, các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển số tiền nhiều hơn thì nhận được thông báo sinh lời số tiền lớn nhưng khi rút tiền thì không thực hiện được. Lúc này, các đối tượng đưa ra nhiều lý do khác nhau yêu cầu bị hại nộp thêm tiền để được nhận toàn bộ tiền gốc và lợi nhuận về. Tuy nhiên, khi bị hại làm theo thì bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã nộp. Đến nay, cơ quan công an đã tiếp nhận đơn tố cáo của 44 người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 64 tỷ đồng.

Cuộc trao đổi qua tin nhắn của đối tượng lừa đảo với nạn nhân.

Nhận diện các phương thức, thủ đoạn lừa đảo

Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk, tuy loại tội phạm này mới nhưng trong thời gian ngắn đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên phạm vi toàn quốc. Loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho bị hại, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã phân loại ra 6 phương thức, thủ đoạn lừa đảo. Ngoài phương thức, thủ đoạn nói trên, thủ đoạn thứ 2 là thông qua mạng xã hội các đối tượng giới thiệu là người nước ngoài, làm quen với các công dân Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương. Các đối tượng hứa hẹn bảo lãnh bị hại định cư ở nước ngoài hoặc đề nghị chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm, số lượng lớn tiền USD qua đường hàng không về Việt Nam để làm quà tặng hoặc nhờ họ giữ giùm. Khi các đối tượng được về nước sẽ chia cho bị hại một phần giá trị món quà. Tiếp đó, các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp để làm thủ tục đóng tiền lệ phí, tiền vận chuyển quà rồi chiếm đoạt.

Một phương thức, thủ đoạn khác là thông qua mạng xã hội, các đối kêu gọi tuyển nhân viên làm online tại nhà để hưởng tiền hoa hồng. Ban đầu, các đối tượng tạo sự tin tưởng cho bị hại bằng cách yêu cầu bị hại làm nhiệm vụ giá trị thấp, chuyển số tiền nhỏ, các bị hại làm theo thì được hưởng tiền như cam kết. Sau đó, các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển số tiền nhiều hơn và thông báo đã trúng thưởng số tiền lớn. Đồng thời, yêu cầu nộp thêm tiền để nâng cấp độ làm nhiệm vụ và hạn mức rút tiền thưởng. Tưởng thật, khi bị hại chuyển số tiền lớn thì bị chiếm đoạt. Bên cạnh đó, một số người do cần tiền chi tiêu nên tìm kiếm vay tiền online. Các đối tượng đóng giả nhân viên công ty tài chính hứa hẹn cho vay với lãi suất thấp nhưng phải đóng các chi phí kích hoạt khoản vay, phí bảo đảm… và chiếm đoạt.

Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua cũng nổi lên phương thức thủ đoạn giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo với chủ thuê bao có liên quan đến vụ án hình sự. Từ đây, các đối tượng khai thác thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng. Sau đó, yêu cầu bị hại phải giao quyền quản lý tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp để kiểm tra nguồn gốc rồi sẽ trả lại. Các đối tượng cũng đe dọa nếu bị hại không thực hiện sẽ bị bắt giam, nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một phương thức thủ đoạn nữa là các đối tượng giả danh nhân viên các nhà mạng, ngân hàng thông báo tài khoản ứng dụng của ngân hàng của bị hại thường xuyên bị khóa hoặc bị chiếm đoạt và yêu cầu phải làm theo hướng dẫn để mở tài khoản. Sau đó, chúng hướng dẫn bị hại truy cập vào các đường link mà chúng gửi, nhập mã OTP để hoàn thành. Tuy nhiên, sau khi làm theo hướng dẫn thì bị hại phát hiện tiền trong tài khoản ngân hàng đã bị chiếm đoạt.

Đ.L