Hàng hóa dồi dào, người dân không nên hoang mang
Đổ xô mua sắm vì hiểu nhầm văn bản
Từ tối 29-7, UBND TP Đà Nẵng ban hành Văn bản số 4987/UBND-VHXH về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19. Theo đó, thực hiện dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về bắt đầu từ 13 giờ ngày 30-7. Do hiểu nhầm văn bản này cộng thêm một số kẻ xấu tung tin đồn nhảm từ thời điểm đó sẽ đóng cửa các chợ, siêu thị, cửa hàng, v.v... nên từ sáng sớm 30-7, nhiều người dân đã đổ xô đến các chợ, siêu thị, đại lý, cửa hàng... để mua sắm hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày gồm: thịt heo, thịt bò, tôm, cá, gạo, mỳ ăn liền, các loại nước chấm, gia vị, rau củ quả, đường, sữa... để tích trữ.
Đông đảo người dân mua sắm tại Siêu thị Co.opmart vào sáng 30-7. |
Một người dân ở Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân phản ánh, tại chợ Hòa Xuân (P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ) chỉ tầm khoảng hơn 8 giờ sáng nhưng mặt hàng thịt heo đã bán hết. “Xếp hàng hơn 20 phút nhưng vẫn không mua được thịt. Biết thế đi chợ từ 5 giờ sáng”, người này càu nhàu. Chị Phan Thị T., nhà ở đường Hải Hồ (P.Thanh Bình, Q.Hải Châu), chia sẻ thêm: Tại chợ Đống Đa, người dân đổ xô đi chợ mua sắm từ sáng sớm. Đến 8 giờ 30 gần như các quầy cá, thịt trong chợ “cháy hàng”. Nhiều người mua không được thịt, cá đành thất thểu mang giỏ không trở về nhà. Anh Lê Phong, ở P.An Hải Bắc (Q.Sơn Trà) bức xúc hơn: “Sáng ra, tôi tranh thủ chạy ra chợ gần nhà để mua chút thịt về nấu nướng cho con ăn sáng rồi đi làm nhưng không chen lấn nổi với chị em. Thế nên ghé qua hàng trứng nhưng cũng không còn trứng gà ta chỉ còn trứng công nghiệp. Thấy vậy, tôi ghé vào các cửa hàng gần chợ để hỏi mua mấy gói mỳ ăn liền Hảo Hảo thì các cửa hàng này nói không có”. Tại các siêu thị lớn trên địa bàn TP, như: Co.opmart, BigC, Mega Market, Danavimart, v.v... cũng có đông người đến mua sắm ngay từ khi các siêu thị này mở cửa. Tại Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, sáng 30-7, lượng người đến mua sắm tăng đột biến. Mặc dù được thông tin là chợ, siêu thị không đóng cửa, vẫn hoạt động bình thường nhưng nhiều người vẫn mua sắm hàng hóa với số lượng nhiều hơn so với ngày thường. Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, chia sẻ: Rút kinh nghiệm ở đợt dịch trước, siêu thị đã chủ động dự trữ đủ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày để phục vụ khách hàng, kể cả khi có đột biến về nhu cầu mua sắm. “Hàng về liên tục, siêu thị cam kết không tăng giá. Hàng không bị đứt đoạn, sáng mai sẽ về ngập kệ”, ông Phan Thống khẳng định.
Nhiều người dân mua thực phẩm tươi sống ở chợ Cồn vào sáng 30-7. |
Nhanh chóng lập lại trật tự cũ
Nhưng động thái bất thường ấy nhanh chóng thay đổi khi người dân tiếp nhận nhiều kênh thông tin tuyên truyền chính xác, cặn kẽ nội dung Chỉ thị của thành phố. Ghi nhận của chúng tôi vào đúng thời điểm 13 giờ ngày 30-7, hàng loạt cửa hàng kinh doanh quán ăn, đồ uống trên toàn TP Đà Nẵng đồng loạt đóng cửa nhằm chấp hành Công văn số 4987/ UBND-VHXH của UBND TP về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Hầu hết người dân đều chấp hành tốt việc dừng kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát kể cả dừng việc bán hàng qua mạng, bán hàng mang về. Không những thế, nhiều chủ cửa hàng ăn uống đã tự giác thực hiện việc đóng cửa, dọn dẹp vệ sinh từ sớm nhằm chủ động trong công tác ngăn ngừa dịch bệnh. Điển hình như tại các tuyến đường: Phạm Như Xương, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Đình Trọng, Âu Cơ, Nam Trân... là nơi tập trung đông các cửa hàng ăn uống trên địa bàn Q.Liên Chiểu đều chấp hành khá tốt việc tạm dừng kinh doanh các mặt hàng ăn uống kể từ 13 giờ này 30-7. Chị Nguyễn Thị Tú (trú P.Hòa Khánh Nam), là chủ quán cà-phê cho biết, ngay khi nhận được thông báo từ cơ quan chức năng thì chị đã chủ động cho nhân viên dọn dẹp, vệ sinh và đóng cửa quán từ sớm nhằm phóng tránh dịch, không để cơ quan chức năng phải nhắc nhở nhiều lần.
Nhiều người dân đến mua sắm tại chợ Hòa Khánh vào sáng 30-7. |
Tại địa bàn Q.Thanh Khê, người dân đều chủ động thực hiện tốt Công văn số 4987/UBND-VHXH của UBND TP về việc đóng cửa các cửa hàng kinh doanh quán ăn, đồ uống. Qua khảo sát tại các tuyến đường lớn như: Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Trần Cao Vân, Dũng Sĩ Thanh Khê... thì các hàng quán đã đồng loạt đóng cửa và treo biển “Tạm ngừng kinh doanh để chống dịch Covid-19” trước cửa hiệu. Tại một số cửa hiệu cũng khép hờ cửa để dọn dẹp vệ sinh, chủ động không đón khách. Chị Nguyễn Thùy Anh (trú P.Thanh Khê Đông) là chủ quán mỳ quảng chia sẻ: ngay sau khi đọc được tin tức về việc tạm ngừng kinh doanh ăn uống, tối 29-7, chị đã chủ động dọn dẹp cửa hiệu từ sớm, không lấy hàng về bán và cho nhân viên nghỉ. Chị Anh cũng cho rằng: “Việc mỗi hộ kinh doanh tự ý thức chấp hành tốt các chỉ đạo của TP trong thời điểm dịch bệnh trong thời gian này là đã góp một phần công sức chống dịch, chưa kể những việc khác”.
Lực lượng QLTT TP Đà Nẵng kiểm tra, kiểm soát việc bán gạo tại một đại lý trên đường Ông Ích Khiêm. |
Chợ, siêu thị vẫn mở cửa, không nên mua sắm tích trữ
Trước tình hình nhiều người dân TP đổ xô đi mua hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày, ngay sáng 30-7, Sở Công Thương TP Đà Nẵng đã có Văn bản số 1355/SCT-KTATMT đề nghị các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể; UBND các quận, huyện; Cty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng; các trưởng ban ban quản lý các chợ quận, huyện tổ chức quán triệt, tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm với số lượng lớn vì các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, các đơn vị cung cấp suất ăn, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn hoạt động bình thường; đã có kế hoạch chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân thường xuyên, liên tục với nguồn dự trữ dồi dào, phong phú...
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn quốc với các tổng kho ở các khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân cả nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng, đồng thời phục vụ tốt cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, Sở Công Thương TP đề nghị Cty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, các ban quản lý chợ quận, huyện có phương án sắp xếp, bố trí trong việc giao nhận, mua bán hàng hóa hợp lý, không tập trung đông người; đề nghị các tiểu thương và người dân tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Đối với chợ đầu mối Hòa Cường, Sở Công Thương TP giao trách nhiệm cho Giám đốc Cty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an, y tế và chính quyền địa phương thành lập chốt kiểm soát, tập trung kiểm tra bắt đầu thời điểm từ 2 giờ sáng trở đi; thực hiện các biện pháp phân bổ hàng hóa, sang xe ngay khu vực bên ngoài chợ, không tập trung đông người và đề nghị tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
NHÓM PHÓNG VIÊN