"Hàng hóa" xa xỉ
(Cadn.com.vn) - Hòa bình cho người dân Syria vẫn còn rất xa tầm với, giống như món hàng xa xỉ đối với người dân nước này khi thời điểm tổ chức Hội nghị Hòa bình Genève II về Syria tiếp tục bị lùi lần thứ 3 liên tiếp, chứ không phải diễn ra theo dự kiến là vào ngày 23 và 24-11 sắp tới.
Cuộc họp tại trụ sở LHQ ở Genève, Thụy Sĩ, kết thúc vào cuối ngày 5-11, trong thế bế tắc khi Nga, Mỹ và LHQ vẫn chưa thể xác định ngày sẽ diễn ra hội nghị này. Theo dự kiến, cả ba bên sẽ tiếp tục gặp nhau lần nữa vào ngày 25-11 tới với quyết tâm thúc đẩy các bên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.
Nhưng quyết tâm của các bên này có thể chỉ là công dã tràng khi vấn đề cần giải quyết để đi đến Hội nghị Genève II lần này chính là mâu thuẫn giữa phe chính phủ và phe nổi dậy. Không giống như Hội nghị Genèva I, Genève II được cho chắc chắn phải có sự tham gia của “chủ nhân chính” là chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và đại diện phe nổi dậy.
Hiện, cả hai phe vẫn còn nhiều lý do để không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.
Cả chính phủ Syria và phe đối lập vẫn tỏ ra không mấy mặn mà với việc tham gia đàm phán. Cả hai hiện vẫn bày tỏ sự quan ngại về vòng đề xuất các cuộc đàm phán hòa bình quốc tế nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng trong 31 tháng qua.
Trong khi chính quyền Damascus nói rằng, bất kỳ giải pháp nào cũng phải đến từ trong Syria, phe đối lập yêu cầu không để Iran tham gia hội nghị này và Tổng thống Assad phải chấp nhận ra đi.
Damascus ngoài ra cũng khẳng định sẽ không tham dự hội nghị nếu mục đích của nó là nhằm buộc Tổng thống Syria Al-Assad chuyển giao quyền lực. Tức là, họ chỉ tham dự hội nghị với điều kiện mọi việc phải được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi “khi những người Syria cùng ngồi xuống thảo luận, họ sẽ tìm giải pháp cho những vấn đề nội bộ”.
Diễn biến này cho thấy, rồi người dân Syria vẫn là kẻ chịu trận nhiều nhất. Theo báo cáo mới công bố, có gần 10 triệu người Syria cần viện trợ nhân đạo ở bên ngoài nước này, tức là những người phải tị nạn vì tình trạng nội chiến trong nước.
Đó là chưa kể đến việc biến những người dân bình thường thành những phần tử cấp tiến thuộc các nhóm Hồi giáo cực đoan đang lan rộng khắp Syria và gây ra mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với các quốc gia láng giềng cũng như nhiều nước Châu Âu.
Rõ ràng, phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với các thách thức về vấn đề an ninh-nhân đạo trong cuộc khủng hoảng ở Syria là rất đáng thất vọng.
Thanh Văn