Hàng loạt bệnh nhân bị nhiễm trùng sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể
(Cadn.com.vn) - 10 người sau khi được phẫu thuật đục thủy tinh thể đã xuất hiện những biến chứng bất thường. Sau đó 5 người phải chuyển lên tuyến trên mổ lại vì bị nhiễm trùng, 1 người bị hỏng mắt vĩnh viễn...
Bệnh viện Mắt Đà Nẵng đang phối hợp với y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam phẫu thuật lại lần thứ 2 cho những bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm này.
4 NGƯỜI BỊ NHIỄM TRÙNG MẮT SAU MỔ, 1 NGƯỜI HỎNG MẮT VĨNH VIỄN
Cho đến ngày 1-4, các bệnh nhân được Bệnh viện Mắt Đà Nẵng tiếp nhận từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Quảng Nam (đóng tại H.Điện Bàn, Quảng Nam) đang được tiếp tục theo dõi sau khi tiến hành phẫu thuật lần hai bằng cách cắt mủ nội soi.
Bác sỹ Trần Nghị - Giám đốc Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cho biết, người đầu tiên được chuyển ra ngày 25-3 là ông Nguyễn Đình Quảng (83 tuổi, trú xã Điện Nam Trung, H. Điện Bàn) hiện đã phải múc mắt phải vì bị hỏng hoàn toàn. 4 người khác được chuyển ra ngày 28-3 được phẫu thuật cắt mủ nội soi vào ngày 31-3 hiện đang được theo dõi, chưa thể có kết luận gì nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị lực.
Chị Nguyễn Thị Chiến, con gái bà Trương Thị Tĩnh (81 tuổi, trú xã Điện Hòa, H. Điện Bàn) kể, trước đây bà Tĩnh bị bò húc vào gần mắt nên từ đó có cợm rất khó chịu. Tháng 2-2014, bà được các bác sỹ BVĐK khu vực Quảng Nam tại H. Điện Bàn mổ nhưng không lành.
Đến ngày 21-3 vừa qua, sau khi tái khám, bà được chỉ định mổ lại lần hai do một bác sỹ Bệnh viện Mắt trực tiếp mổ. “Mổ vào chiều 21-3 nhưng sau đó mẹ tôi vẫn cảm thấy khó chịu. Ngày 24-3 bệnh viện cho xuất viện nhưng thấy mẹ còn đau nên chúng tôi xin ở lại. Đến ngày 25-3 các bác sĩ kết luận mắt mẹ tôi bị nhiễm trùng và chuyển ra Bệnh viện Mắt mổ tiếp nhưng kết quả chưa biết ra sao”, chị Chiến kể. Các trường hợp khác như bà Nguyễn Thị Ân (xã Điện Minh, Điện Bàn), Trịnh Cúc (TT Nam Phước, H. Duy Xuyên), Nguyễn Hữu Duyệt (xã Điện Thắng, H. Điện Bàn)... cũng đều có những biểu hiện tương tự, bị nhiễm trùng và phải chuyển ra Bệnh viện Mắt để phẫu thuật cắt mủ.
Nghiêm trọng nhất là ông Nguyễn Đình Quảng bị hỏng mắt phải vĩnh viễn vì nhiễm trùng nặng. Theo ông Quảng, trước đây mắt ông bị mờ, được bác sỹ khoa Mắt BVĐK Khu vực Quảng Nam khám và hẹn đến ngày 21-3 đến mổ cùng với 9 người khác. “Tôi là người cuối cùng được mổ... Ngay sau đó tôi cảm thấy đau nhức. Sáng dậy khám lại thì bác sỹ bảo bị nhiễm trùng. Mấy ngày sau tôi được chuyển ra Bệnh viện Mắt, cứ nghĩ phẫu thuật lại là ổn, ai ngờ mất một mắt vĩnh viễn luôn”, ông Quảng bức xúc.
Ông Nguyễn Đình Quảng bị hỏng mắt phải vĩnh viễn. Ảnh: C.K Các bệnh nhân bị nhiễm trùng từ ngày 21-3 hiện đang được tiếp tục điều trị, theo dõi sau khi phẫu thuật cắt mủ. Ảnh: C.K |
CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Theo bác sỹ Võ Đôn – Giám đốc BVĐK khu vực Quảng Nam tại Điện Bàn, đợt phẫu thuật đục thủy tinh thể cho 10 người vào ngày 21-3 nằm trong Đề án 1816 của Bộ Y tế về việc chuyển giao công nghệ đối với bệnh viện tuyến dưới. Cụ thể ở đây là Bệnh viện Mắt Đà Nẵng hỗ trợ BVĐK khu vực Quảng Nam mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco. Bác sỹ Nguyễn Tấn – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, chiều 21-3, kíp mổ do 2 bác sĩ Bệnh viện Mắt Đà Nẵng và khoa Mắt BVĐK Khu vực Quảng Nam trực tiếp đứng mổ cho 10 bệnh nhân.
Một hai ngày sau thì thấy một số người có biểu hiện bất thường, khám lại thấy bị nhiễm trùng nên phải chuyển ra Đà Nẵng khám và phẫu thuật lại. “Hiện chưa thể có kết luận gì về chuyên môn. Chúng tôi đang tạm dừng công tác phẫu thuật tại phòng mổ, triển khai dịch vụ cấy vi sinh để xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng. Nhiều khả năng các bệnh nhân đã bị nhiễm khuẩn từ các nguồn như: tay người phẫu thuật, dụng cụ phẫu thuật, nguồn nước và không khí”, bác sỹ Tấn cho hay.
Trong khi cả Ban Giám đốc BVĐK khu vực Quảng Nam tại Điện Bàn nói rằng, đợt phẫu thuật được thực hiện vào chiều 21-3 vừa qua nằm trong kế hoạch chuyển giao công nghệ của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cho bệnh viện tuyến dưới theo Đề án 1816 của Bộ Y tế thì bác sỹ Trần Nghị - Giám đốc Bệnh viện Mắt Đà Nẵng hoàn toàn không hay biết gì về chuyện này.
Bác sỹ Nghị nói: “Bác sỹ nào đi mổ trong đó tôi không biết, người ta không báo cho tôi nữa”. Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Mắt, việc quản lý con người chỉ có thể thực hiện trong giờ hành chính, còn ngoài giờ thì không thể cấm họ đi đâu, làm gì. “Tuy nhiên, sau khi để xảy ra vụ việc này, chúng tôi cũng có thông báo đến các bệnh viện tuyến dưới để biết và rút kinh nghiệm”, ông Nghị nói.
Công Khanh