Hàng loạt người sập bẫy “chạy việc” (3)

Thứ bảy, 27/02/2016 10:35

* Kỳ cuối: Ông Hân nói gì?

(Cadn.com.vn) - Câu chuyện các đối tượng nhận hàng trăm triệu đồng để chạy việc vào làm ở sân bay thực chất là hành vi lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản; cách thu tiền đào tạo các lớp tiếng Anh cấp tốc, bố trí vào làm việc ở phòng vé rồi tìm đủ cớ đuổi việc các nhân viên của Cty HNC AIR là kiểu “lấp liếm” để hưởng lợi... đã và đang gây bức xúc cho nạn nhân. Để làm rõ hơn vấn đề, P.V đã liên lạc với những người liên quan để xem họ nói gì.

Trở lại vụ việc của gia đình bà N. và gia đình chị T., sau khi ông Hân nhận tiền để chạy việc cho 2 con vào Cụm cảng Hàng không bất thành, bà N. và chị T. đã nhiều lần đến nhà đòi tiền, sau đó là làm đơn gửi UBND P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ nhờ can thiệp. 8 giờ ngày 1-10-2015, UBND phường mời các bên lên hòa giải. Trong phần nội dung, ông Hân thừa nhận đã nhận của bà N. 200 triệu đồng để chạy việc cho con bà là cháu V. Ông Hân cho biết, lúc nhận tiền có mặt vợ chồng ông Bách (người Hân giới thiệu có quen biết, lo được việc vào ngành Hàng không mà kỳ báo trước chúng tôi đã phản ánh). Và ông Hân cũng thừa nhận, ông Bách là người có quan hệ trong sân bay và có khả năng xin việc lái xe cho con bà N. Cũng trong biên bản làm việc, sau khi thừa nhận, ông Hân có cam kết sẽ trả tiền cho bà N. ngay trong tháng 10-2015, nếu không thực hiện, UBND phường sẽ báo cáo cho CAQ Cẩm Lệ. UBND phường cũng yêu cầu “kể từ nay, ông Hân phải chấm dứt hành vi môi giới, vì đây là công việc không được pháp luật công nhận”.

Theo trình bày của bà N., sau phiên hòa giải, đến ngày 29-10, ông Hân và vợ chồng ông Bách đã trả lại cho bà 137 triệu đồng tiền chạy việc và 16,5 triệu đồng tiền học tiếng Anh. Số còn lại 46,5 triệu đồng, bà N. đòi mãi nhưng đến nay vẫn chưa được nên làm đơn tố cáo gửi CAQ Hải Châu (đơn gửi CAQ Hải Châu là do lúc ông Hân nhận tiền của bà N. là nhận ở Hải Châu). Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian trước Tết Nguyên đán Bính Thân, CAQ Hải Châu cũng đã mời ông Hân lên làm việc và yêu cầu phải khắc phục hậu quả, nhưng đến nay ông vẫn chưa thực hiện. Tương tự, trường hợp của chị T. đưa 220 triệu đồng cho ông Hân để xin cho con vào làm bộ phận Check in trong Cụm cảng Hàng không miền Trung, ông Hân cũng mới chỉ trả lại hơn 180 triệu đồng, còn gần 40 triệu đồng vẫn chưa trả.

Những bị hại trong vụ việc bị ông Hân và HNC AIR lừa đang rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ chân tướng sự việc.

Chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại của ông Hân để đăng ký làm việc trực tiếp. Chúng tôi vừa trình bày nội dung có bà N. và chị T. làm đơn tố cáo về việc ông Hân lừa đảo chạy việc để đặt vấn đề gặp ông Hân xác minh, ông này quát ngay:

- Ai nói tôi lừa đảo? Có chi đâu mà lừa đảo!

- Nhưng trong đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng và hòa giải của UBND phường thể hiện rất rõ anh đã nhận hàng trăm triệu đồng để chạy việc.

- Tôi có nhận tiền, nhưng tôi cũng đã hoàn một phần tiền rồi, chỉ còn vài chục triệu đồng thôi. Họ tự đến đưa tiền cho tôi chạy việc nên tôi nhận, không chạy được tôi trả. Anh là nhà báo mà nói lừa đảo, tôi không hợp tác. Không trả tiền lại mới là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, còn tôi có trả thì sao lại là lừa, đừng nói khan khan. Hơn nữa, nếu biết tôi không đảm bảo chạy được việc thì đưa tiền cho tôi làm gì, giờ cứ làm đơn mang ra CA khắp nơi hù tôi.

- Anh biết mình không có khả năng chạy được việc thì tại sao vẫn viết giấy nhận tiền?

- Thì họ cứ đưa tiền, cứ nhờ nên tôi nhận.

- Vậy anh và ông Bách có quan hệ gì với nhau không?

- Đó là việc làm ăn của tôi!

Nói đến đây, có một người giật máy điện thoại của ông Hân (tự xưng là anh của ông Hân), quát:

- Anh kết luận ai lừa đảo? Tôi là anh ông Hân. Anh cho tôi biết tên.

- Xin lỗi, tôi không làm việc với anh mà đang làm việc với ông Hân.

- Vậy anh cứ việc mà điều tra, anh cứ làm, nhưng đừng kết luận bừa bãi.

Qua nắm nội dung các vụ việc, luật sư Đỗ Pháp - Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp tại Đà Nẵng, nhìn nhận: Việc làm và hành vi của ông Hân là một trong những thủ đoạn gian dối đặc trưng, để cấu thành tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. Với hành vi này, sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu chiếm đoạt tài sản từ 20 đến 50 triệu đồng và 3-7 năm tù nếu chiếm đoạt từ 50 đến 200 triệu đồng.

Một bản hợp đồng việc làm vô thời hạn của Cty HNC AIR với học viên.

Cũng liên quan đến vụ việc, ngày 22-2-2016, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cty Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng (trước đây là Cụm cảng Hàng không miền Trung) và Phòng Tổ chức cán bộ Cty cho hay: Trong những năm gần đây, mọi vị trí tuyển dụng của Cty đều tổ chức phỏng vấn công khai, có lãnh đạo Tổng Cty khu vực phía Nam ra phối hợp phỏng vấn, xét tuyển. Và trong danh sách ứng viên tham gia tuyển dụng, không có ai tên như bị hại mà P.V phản ánh. Nên việc đối tượng nhận tiền chạy việc chỉ là lừa đảo. “Liên quan đến chuyện tin đồn chạy việc vào sân bay, Cty cũng đã nghe rất nhiều, thậm chí có người còn nhận hàng trăm triệu đồng. Khi cán bộ Cty đi tìm hiểu thì những người đó chỉ là dân thường, là cò đất mà thôi. Nhiều khi họ tìm hiểu, biết được tên những vị lãnh đạo của Cty, sau đó nói khoác có quen biết, có thể lo việc được nên nhiều người cả tin, dẫn đến đưa tiền, bị lừa. Qua sự việc, cũng rất mong báo chí có tiếng nói để người dân cảnh giác” - một cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ Cty nói.

Đối với những trường hợp nộp tiền đi học, đào tạo tiếng Anh cấp tốc để sau khóa học được làm việc tại phòng vé của Cty HNC AIR rõ ràng cũng là cách “lách luật” để kiếm tiền. Bằng chứng là cách thu học phí có biên lai đóng dấu đỏ của Cty thể hiện rõ rất nhiều nghi vấn, từ số tiền học phí đến cách sắp xếp công việc và đuổi việc nhân viên. Trong khi đó, hợp đồng giữa Cty và nhân viên cũng rất sơ sài, chung chung, không thể hiện sự ràng buộc rõ ràng nào. Thậm chí, nhiều nạn nhân cho rằng, học phí cao đã đành, nhưng khi Cty mở lớp cho nhân viên học xong cũng không cấp chứng chỉ gì cả.

Để so sánh và làm rõ hơn về mức thu học phí của Cty HNC AIR, chúng tôi có liên lạc với một số trung tâm đào tạo ngoại ngữ tại Đà Nẵng thì được biết: Nếu chỉ đào tạo tiếng Anh giao tiếp như HNC AIR tổ chức 3 tháng (tuần học 3 buổi), đến khi tốt nghiệp cũng chỉ tốn 2,5-2,6 triệu đồng/người, trong khi đó HNC AIR thu tới trên dưới 20 triệu đồng/người, có trường hợp gần 30 triệu đồng. Riêng đào tạo TOEIC thời gian 3-4 tháng, khi xong chứng chỉ cũng hết khoảng 3,8 - 4 triệu đồng, còn HNC AIR đào tạo 1 tuần mà thu của học viên 20-30 triệu đồng. Vậy nhưng, khi đào tạo xong, những người được bố trí việc làm bán vé máy bay đều bị Cty kiếm cớ, hoặc vi phạm nhỏ, hoặc bắt học kiến thức TOEIC để đào thải nếu thi không đạt.

Thiết nghĩ, các cơ quan pháp luật, cơ quan hữu trách cần vào cuộc làm rõ, tránh để xảy ra những bất ổn ảnh hưởng đến ANTT.

Phóng sự điều tra: Công Hạnh