Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì ô nhiễm

Thứ bảy, 02/11/2013 11:47

(Cadn.com.vn) - Hơn 250 hộ dân với khoảng 900 nhân khẩu ở tổ 31, 32 (khu vực 6, P. Hải Cảng, TP Quy Nhơn, Bình Định) đang “sống dở” vì ô nhiễm môi trường do Cảng cá Quy Nhơn gây ra. Hơn một năm nay, người dân nhiều lần phản ánh, kiến nghị với các cấp chính quyền; đồng thời, UBND P. Hải Cảng cũng báo cáo với cấp trên và các ngành chức năng của tỉnh, thành phố đã kiểm tra nhưng chưa có giải pháp khắc phục.

Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của dịch vụ hậu cần nghề cá, Bộ NN&PTNT đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng Cảng cá Quy Nhơn mới rộng 3,6 ha ở phía tây Chợ cá Quy Nhơn cũ (thuộc P. Hải Cảng). Tháng 4-2012, Cảng cá Quy nhơn được đưa vào khai thác và đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, trong đó có cả ngàn lao động là người dân của P. Hải Cảng.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác sử dụng Cảng cá Quy Nhơn đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường chưa được xử lý triệt để. Theo thiết kế xây dựng, cảng cá có hệ thống thu gom và xử lý nước thải nhưng do mặt nền cảng bị trũng nên nước thải (nước đá và từ cá) không thoát được, gây tù đọng bất kể trời mưa hay nắng, có lúc ngập đến 10-15cm, bốc mùi hôi tanh nồng nặc.

Thực tế này được ông Đào Xuân Thiện- Giám đốc BQL Cảng cá Quy Nhơn xác nhận. “Để hạn chế tình trạng ứ đọng nước thải và giảm ô nhiễm, BQL cảng cá đã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục bằng cách khoan cắt, đục các khe rãnh để thoát nước thải. Đồng thời, BQL chỉ đạo đội ngũ công nhân vệ sinh bơm nước biển để xịt tẩy, rửa nước cá bẩn 2 lần/ngày, sau khi hoạt động mua bán cá đã thưa người. Mỗi ngày, chúng tôi phải bơm khoảng 200m3 nước biển để tẩy rửa, từ đó cũng hạn chế được ô nhiễm”, ông Thiện nói.

Đồ nghề của những hộ phơi hải sản bày la liệt tại phía tây-nam Cảng cá Quy Nhơn.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng tại khu vực cảng cá không chỉ do nước thải mà còn do các hộ phơi hải sản gây ra. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện phía tây- nam của cảng cá còn khoảng 2.000m2 đất được quy hoạch xây dựng các cửa hàng dịch vụ, bãi đậu xe nhưng chưa được triển khai. Vậy nên nhiều hộ dân tận dụng khu đất trống này phơi hải sản, kể cả các phụ phẩm như đầu cá, da cá... để cung cấp cho các cơ sở chế biến làm thức ăn gia súc.

Bà Trần Thị Liêm (trú tổ 32, khu vực 6), nhà ở cách Cảng cá Quy Nhơn khoảng 15m, phân trần: “Gia đình tôi ở đây từ năm 1990, khi chưa có cảng cá, không khí ở đây trong lành. Tình trạng ô nhiễm ở đây chủ yếu là do phơi hải sản. Người phơi cá cứ đổ nước ướp cá, máu cá... tại chỗ một cách vô tội vạ, lâu ngày đọng thành vũng, bốc mùi hôi không chịu được...”.

Tại khu vực ướp muối cá và các sản phẩm từ cá của các hộ phơi hải sản ở Cảng cá Quy Nhơn, hàng chục thùng phuy nhựa bày la liệt, nước ướp cá còn dính cả máu cá tanh ngày này qua tháng nọ thải ra tạo thành ao tù, ruồi nhặng bu đen kịt. Mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Tình trạng ô nhiễm tại cảng cá này còn lan tỏa ra tận đường Trần Hưng Đạo (cách cảng cá 100m), người đi đường đều ngửi thấy mùi hôi thối rất khó chịu.

Không kìm được bức xúc, bà Phạm Thị Hiền (ở khu vực trên) nói: “Bao nhiêu ô nhiễm, dân ở đây hứng hết. Đề nghị chính quyền các cấp ở trên giải quyết giùm cho dân, làm sao cho không khí trong lành để có sức khỏe lao động”.

Nước thải từ cá đọng lâu ngày bốc mùi hôi thối.

Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hơn 1 năm nay, hàng trăm hộ dân ở đây đã nhiều lần phản ánh với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, đồng thời gửi đơn thư đến các cấp, các ngành chức năng đề nghị giải quyết. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn dậm chân tại chỗ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Ngọc Hà- Phó Chủ tịch UBND P. Hải Cảng thừa nhận: “Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Cảng cá Quy Nhơn đã xảy ra hơn 1 năm nay, người dân đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh. Tuy nhiên, UBND P. Hải Cảng không có thẩm quyền giải quyết, chúng tôi chỉ phối hợp với BQL Cảng cá nhắc nhở các hộ phơi cá có biện pháp giảm ô nhiễm môi trường. Địa phương cũng đã báo cáo cấp trên và các ngành chức năng của tỉnh và thành phố cũng đã kiểm tra nhưng chưa có giải pháp nào để khắc phục”.

Bài, ảnh: Kiều Oanh