Hàng trăm hộ dân khốn đốn vì mỏ đá vôi
Hơn 100 hộ dân ở xã Phong Xuân, H. Phong Điền, TT-Huế sống trong phạm vi 500m của mỏ đá vôi (MĐV) Phong Xuân đang từng ngày “kêu cứu” khi nhà cửa nứt nẻ, ruộng đất không thể sản xuất, với ô nhiễm môi trường sống... do việc khai thác mỏ này gây ra.
Kể từ khi MĐV Phong Xuân hoạt động, cuộc sống của nhiều hộ dân trên địa bàn bị đảo lộn. |
NHÀ NỨT, Ô NHIỄM BỤI
Năm 2012, Nhà máy xi-măng (NMXM) Đồng Lâm đã cho khai phá MĐV Phong Xuân, nổ mìn lấy đá làm nguyên liệu phục vụ sản xuất xi-măng Đồng Lâm đóng tại H. Phong Điền. Theo tìm hiểu, MĐV Phong Xuân được Bộ TN-MT cấp phép năm 2009, phê duyệt 90ha với thời hạn 30 năm; trữ lượng khai thác trên 1 triệu tấn/năm. Theo đó, Cty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc (tỉnh Hải Dương) được giao trực tiếp khai thác MĐV này. Thống kê của UBND xã Phong Xuân cho thấy, có 128 nhà dân thuộc 3 thôn: Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc và Cổ Xuân - Quảng Lộc nằm trong bán kính dưới 500m bị ảnh hưởng trực tiếp bởi phạm vi mỏ.
Chỉ vào bức tường nứt toác, bà Nguyễn Thị Khứu (70 tuổi, trú thôn Xuân Điền Lộc, cách mỏ đá chừng 200m) nói: “Do họ khai thác đá dưới lòng đất nên gây ra chấn động mạnh, nhà cửa của người dân trong thôn đều bị rạn nứt. Gia đình tui dành dụm cả đời người mới xây được căn nhà, giờ mới có 2 năm đã hư hỏng, mỗi lần mưa thì nước dột lênh láng. Mùa mưa bão đang về, cả nhà ai cũng lo lắng đến mất ăn mất ngủ”. Cũng theo bà Khứu, hằng ngày, cứ tầm 11 giờ, nhà máy lại cho nổ mìn khiến người già, trẻ em ngủ, nghỉ không được. Có nhiều gia đình phải sơ tán con đến nơi khác...
Chung cảnh ngộ, bà Thái Thị Điệp (50 tuổi) cũng đứng ngồi không yên khi nhà cửa bị ảnh hưởng do việc nổ mìn của MĐV. “Từ ngày NMXM cho nổ mìn, cuộc sống của người dân nơi đây đảo lộn hoàn toàn” - bà Điệp than. Cũng theo bà Điệp và nhiều người dân địa phương, không chỉ gây nứt nhà, quá trình vận chuyển đá từ MĐV cũng gây nên nhiều hệ lụy về môi trường. Trung bình, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chạy ra - vào khu mỏ để chở đất đá, khiến bụi bay ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân. “Buổi tối trước khi đi ngủ, dù nhà cửa đã được lau chùi sạch sẽ nhưng sáng dậy, nhà nào nhà đó bụi lại bám đầy. Nhiều trẻ con ở đây bị bệnh hô hấp” - một người dân sống gần MĐV cho biết.
Bên cạnh hơn 100 hộ dân sống trong bán kính dưới 500m của MĐV bị ảnh hưởng thì nhiều hộ dân ở ngoài bán kính 500m vẫn “kêu cứu”. Ông Trần Văn Bình (64 tuổi, trú thôn Xuân Lộc) bức xúc: “Tôi sống cách các hộ được bồi thường chỉ 1 con đường nhỏ, vết nứt của nhà tôi rất lớn nhưng không ai hỏi thăm một câu. Chúng tôi mong rằng, các cấp, ban, ngành liên quan xem xét để những hộ dân dù nằm ngoài bán kính 500m mà bị thiệt hại nặng cũng được bảo vệ quyền lợi chính đáng”.
Nhà bà Nguyễn Thị Khứu xuất hiện nhiều vết nứt do MĐV gây ra. |
RUỘNG VƯỜN BỎ HOANG
Theo người dân phản ánh, MĐV Phong Xuân hoạt động nhiều năm qua không chỉ gây nứt nẻ nhà cửa của dân, ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Có mặt tại MĐV này vào một ngày giữa tháng 9, chúng tôi ghi nhận, rất nhiều đất đá từ mỏ văng tung khắp mặt ruộng khiến nhiều cánh đồng lúa xung quanh MĐV không thể canh tác được. Nhiều diện tích hoa màu cũng chết héo do khói thuốc nổ và cạn kiệt nước ngầm. Một số khu vực, ruộng đành bỏ hoang, không thể sản xuất được. Theo lãnh đạo UBND xã Phong Xuân, có khoảng 20ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân cũng bị ảnh hưởng.
Bà Nguyễn Thị Hoa (trú thôn Xuân Điền Lộc) bức xúc: “Tôi có 3 sào ruộng ở gần mỏ đá phải bỏ hoang. Bởi quá trình khai thác đá đã làm ruộng nứt nẻ, đá bay vào ruộng; mạch nước ngầm chảy sâu vào lòng đất nên không có nước để tưới tiêu. Ruộng đồng bỏ hoang, gia đình tôi phải kiếm nghề khác làm để kiếm tiền đong gạo ăn qua ngày...”. Tương tự, ông Trần Văn Phước (57 tuổi) cho biết, gia đình ông trồng 4 sào ruộng nhưng luôn trong tình trạng thiếu nước vì mạch nước ngầm chảy hết vào MĐV. “Dù tôi bơm nước hằng ngày nhưng năng suất vụ vừa qua quá giảm, trước 1 sào thu được hơn 3 tạ lúa thì bây chừ chỉ còn một nửa dù bón phân gấp đôi. Nếu tình trạng này tiếp tục, chắc tôi phải bỏ hoang ruộng của mình” - ông Phước xót xa.
Theo ông Nguyễn Văn Bắc - Giám đốc điều hành MĐV Phong Xuân, những diện tích lúa bị ảnh hưởng, đơn vị đã thỏa thuận hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân, cụ thể 1 triệu đồng/sào. Có những thửa ruộng thiếu nước, Cty hỗ trợ thêm 300 ngàn đồng/sào. Tuy nhiên, theo các hộ dân, họ chỉ cần có ruộng vườn để sản xuất nhằm ổn định cuộc sống lâu dài; chứ họ không cần số tiền hỗ trợ như “muối bỏ bể” nói trên.
KHI NÀO MỚI AN CƯ?
Ông Trần Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, qua thống kê, có 127 nhà dân (chưa kể phạm vi ngoài 500m) trên địa bàn xã bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc khai thác đá vôi tại mỏ trong khoảng cách 500m. Theo ông Toàn, hiện Cty CP Xi-măng Đồng Lâm đã phối hợp với UBND xã Phong Xuân khảo sát đền bù, hỗ trợ sửa chữa nhà cho người dân. Nhưng hiện tại vẫn còn nhiều hộ chưa đồng ý nhận vì mức hỗ trợ quá thấp. “Sắp tới, xã sẽ phối hợp với nhà đầu tư tiếp tục đối thoại với các hộ dân nhằm tìm tiếng nói chung. Đồng thời, báo cáo UBND huyện để có phương án tháo gỡ. Về lâu dài, UBND xã có công văn gửi lên cấp trên, đề nghị di dời 24 hộ dân gần tuyến đường băng tải NMXM Đồng Lâm và 127 hộ dân, nhà thờ dòng họ, nhà văn hóa thôn nằm trong khoảng cách 500m so với mỏ đá bị ảnh hưởng. Về đất sản xuất bị ảnh hưởng, xã sẽ tiếp tục phối hợp với Cty CP Xi-măng Đồng Lâm thống kê thiệt hại nhằm bồi thường thỏa đáng...” - ông Toàn thông tin.
Còn theo ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND H. Phong Điền, trước việc phản ánh của người dân xã Phong Xuân, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì cùng với huyện và NMXM Đồng Lâm có phương án đền bù thiệt hại cho người dân. Trên cơ sở thẩm định độc lập, phía NMXM Đồng Lâm sẽ phải đền bù thỏa đáng. Ngoài việc đền bù, cần tính đến phương án di dời những hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi khác tái định cư để đảm bảo an toàn... Tuy nhiên, cụ thể khi nào lên phương án thì chưa có mốc thời gian. Như vậy, trong khi chờ các cấp ngành tính đến phương án di dời thì hơn 100 hộ dân ở xã Phong Xuân vẫn tiếp tục bị MĐV “tra tấn” hằng ngày.
H.LAN