Hàng trăm hộ xin rút khỏi danh sách hỗ trợ xây nhà phòng tránh bão lụt
(Cadn.com.vn) - Đủ điều kiện và được phê duyệt trong danh sách hỗ trợ xây nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg (sau đây gọi là quyết định 48) của Thủ tướng Chính phủ; thế nhưng mới đây, hàng trăm hộ dân nghèo ở TT-Huế đã có đơn gửi đến chính quyền địa phương xin rút khỏi danh sách này.
Rút khỏi danh sách vì không đủ tiền xây nhà
Mức hỗ trợ theo Quyết định 48 có 3 mức đều áp dụng cho hộ nghèo là 12 triệu đồng (cư trú tại thôn trung bình), 14 triệu đồng (cư trú tại thôn khó khăn) và 16 triệu đồng (cư trú tại thôn đặc biệt khó khăn). Ông Trần Lê Tân Mỹ, Phó phòng Công thương H.Phú Lộc (TT-Huế), toàn huyện có 279 hộ trong diện được phê duyệt hỗ trợ xây nhà phòng tránh bão lụt. Thế nhưng, tính đến giữa tháng 8-2016, đã có 159 hộ nộp đơn xin rút khỏi danh sách này. Một số xã có nhiều hộ xin rút như Lộc Tiến, Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Trì... Theo ông Mỹ, các hộ nộp đơn rút khỏi danh sách cho rằng với mức hỗ trợ thấp, điều kiện kinh tế khó khăn nên không có khả năng xây nhà ở phòng tránh bão theo mẫu thiết kế của Sở Xây dựng TT-Huế...
Sống trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, gần phá Tam Giang, cứ mỗi mùa mưa đến, cả nhà bà Phan Thị Tấn (55 tuổi, trú xã Lộc Điền, H.Phú Lộc) luôn di chuyển qua nhà hàng xóm trú bão lụt. Khi được duyệt danh sách hỗ trợ xây dựng nhà phòng tránh bão lụt, bà Tấn rất vui mừng. "Nhưng khi tính lại với mức hỗ trợ 14 triệu đồng và được vay vốn chính sách thêm 15 triệu đồng. Chừng đó tiền, gia đình không đủ để xây căn nhà tránh bão lụt. Trong khi đó, gia đình tui rất khó khăn, con cái đang tuổi ăn học nên cuối tháng 6 vừa qua, tui có đơn gửi đến xã xin từ chối, rút lui khỏi danh sách hỗ trợ xây nhà phòng tránh bão lụt". Tương tự, hộ ông Mai Châu (75 tuổi, xã Lộc Bình, H.Phú Lộc) khi nghe phổ biến về chính sách hỗ trợ xây nhà phòng tránh bão lụt, mừng khấp khởi đã đăng ký, rồi được xét duyệt. Dù được hỗ trợ với mức cao nhất là 16 triệu đồng nhưng mới đây, ông Châu cũng xin rút khỏi danh sách. "Nếu để xây được nhà có mái tầng đúc xi-măng, ít nhất cũng phải tốn khoảng 50 triệu đồng. Ngoài tiền hỗ trợ, còn có chính sách vay vốn nhưng nếu vay thì phải trả nhưng vợ chồng tui tuổi đã lớn rồi, không có khả năng trả nợ nên tôi xin rút khỏi danh sách"- ông Châu chia sẻ.
Số hộ được hỗ trợ xây nhà phòng tránh bão lụt nộp đơn rút khỏi danh sách không chỉ xảy ra ở H.Phú Lộc mà hàng trăm hộ dân ở các huyện: Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, TX Hương Trà... cũng rơi vào cảnh tương tự. Cụ Võ Thị Khuya, ở xã Quảng Thái (H.Quảng Điền) già yếu, sống trong ngôi nhà lụp xụp. Gia đình cụ thuộc diện hộ nghèo, lại phải nuôi đứa cháu tật nguyền, được xét đưa vào danh sách hộ nhận hỗ trợ từ chương trình nhà ở phòng tránh lụt, bão. Nhưng khi chương trình triển khai, với số vốn hỗ trợ, bà tính toán, kinh phí xây dựng lên đến gần 100 triệu đồng, trong khi số tiền hỗ trợ chỉ có 29 triệu đồng (gồm cả vốn vay ngân hàng chính sách xã hội). Trong số 35 hộ nhận hỗ trợ từ chương trình nhà ở xã Quảng Thái có đến 20 hộ xin rút khỏi chương trình. Ngoài lý do số tiền hỗ trợ quá ít so với dự toán kinh phí xây dựng thì nhiều hộ trong đề án lại gặp khó khăn do không có đất để xây dựng.
Căn nhà ở xã Lộc Điền (H.Phú Lộc) này vừa được xây dựng theo hỗ trợ |
Đơn xin rút khỏi danh sách hỗ trợ xây nhà ở phòng tránh bão lụt. |
Khó đạt tiến độ
Đến nay, toàn tỉnh TT-Huế, tổng số hộ đã triển khai thực hiện chương trình nhà ở phòng tránh lụt, bão gần 1.700 hộ, tương đương khoảng 45% so với số lượng nhà ở đã được phê duyệt tại đề án của tỉnh. Trong đó, số lượng nhà ở xây dựng mới là 968 nhà; nhà ở cải tạo, sửa chữa: 680 nhà. Theo kế hoạch, chương trình sẽ kết thúc vào cuối năm 2016. Theo quy định tại Quyết định 48 về giải ngân vốn chương trình yêu cầu, giải ngân lần đầu 70% vốn hỗ trợ theo quy định đối với những hộ gia đình thực hiện xây dựng mới sau khi hoàn thành phần móng và đối với những hộ gia đình thực hiện cải tạo, nâng tầng nhà ở đã có sau khi hoàn thành 30% khối lượng công việc xây dựng sàn vượt mức ngập lụt; giải ngân tiếp 30% còn lại sau khi các hộ gia đình hoàn thành công trình. Còn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (mức vay 15 triệu đồng) sẽ giải ngân 100% vốn vay theo quy định đối với những hộ gia đình thực hiện xây dựng mới sau khi hoàn thành phần móng... Với yêu cầu này, nhiều hộ nghèo cho rằng, họ cần có vốn đối ứng mua vật liệu, nhân công nhưng vốn hỗ trợ sẽ được giải ngân sau, khiến nhiều hộ nghèo khó khăn về kinh phí nên không dám tham gia chương trình.
Ông Lê Quang Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh TT-Huế cho rằng, mặc dù nằm trong danh sách hộ nhận hỗ trợ theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng đến thời điểm cấp kinh phí, một số hộ lại xin rút khỏi chương trình hoặc địa phương phê duyệt đối tượng không đúng quy định, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình. Cũng theo ông Dũng, khó khăn lớn nhất của chương trình bây giờ là vốn. Đến thời điểm này, Bộ Tài chính mới chỉ tạm cấp vốn cho năm 2014 và 2015 khoảng 32 tỷ đồng, đạt khoảng 60% tổng số vốn chương trình. Trong khi thời gian từ đây đến mùa mưa bão không còn dài, đồng nghĩa với chương trình này sẽ khó hoàn thành trong năm như kế hoạch. Vì thế, Sở Xây dựng TT-Huế đang đốc thúc các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ, hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở theo kế hoạch vốn đã cấp hoàn thành trước mùa mưa bão...
H. Lan