10 NĂM CÙ LAO CHÀM ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI (26-5-2009-26-5-2019):

Hành trình của một cù lao xanh (Bài 1: Cù lao ngày ấy-bây giờ)

Thứ hai, 13/05/2019 13:15

Chiếc cano rẽ sóng đưa chúng tôi tiến thẳng ra đảo Cù lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là dịp thứ 2 tôi đặt chân lên đảo kể từ lần đầu tiên vào năm 2014 khi đi cùng đoàn công tác Mặt trận TQVN tỉnh này. Cũng kể từ thời điểm đó, Hội An bắt đầu hứng chịu hàng loạt những tác động đầy bất ngờ của thời tiết cũng như sự bùng nổ mạnh mẽ về du lịch. Từ hàng chục km đường bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, đến sự xuống cấp của Chùa Cầu, ô nhiễm rác thải... nay đã bắt đầu lan đến Cù lao Chàm dưới sự gia tăng đột biến về lượng du khách du lịch. Cù lao Chàm trong lần trở lại này vẫn xanh, vẫn đẹp, vẫn thu hút du khách nhưng có những nỗi buồn rất khó gọi tên đã phảng phất trên vùng đất này.

Khung cảnh đầy thơ mộng của Cù Lao Chàm nhìn từ Bãi Làng. 

Cuối tháng 5 này, toàn xã đảo Tân Hiệp sẽ bắt đầu cho Lễ kỷ niệm 10 năm Cù lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. 10 năm, một chặng đường mang tính lịch sử của đất và người xứ cù lao. 10 năm, gần 3.000 cư dân của đảo không chuyển biến nhiều về số lượng nhưng họ đã trở thành những con người hoàn toàn khác, mang sứ mệnh khác. Từ những ngư dân quanh năm chỉ quen với gió sương nay họ đã cho vào kho vó lưới để trở thành "cư dân toàn cầu". Họ đã biết bán buôn, biết ngoại ngữ và trên hết là biết ý thức bảo vệ chính vùng đất đã bao bọc, đã sinh ra mình.

Hành trình kiến tạo nên Cù lao Chàm trên bản đồ du lịch thế giới đầy diệu kỳ mà cũng thật lắm nỗi gian nan. Ngày 26-5-2009, tại đảo Jeju - Hàn Quốc, Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới của UNESCO đã công nhận Cù lao Chàm- Hội An là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với những giá trị độc đáo, đặc trưng và duy nhất trong hệ thống 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Theo nhận định của UNESCO, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là một minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa thiên nhiên và con người, đúng như sứ mệnh và tên gọi của Ủy ban Chương trình con người và sinh quyển của UNESCO đã chọn. Với hệ thực vật, động vật phong phú, thiên nhiên tươi đẹp, Cù Lao Chàm luôn làm say đắm biết bao người đã đến và đi.

Cập bến Bãi Làng, chúng tôi thuê xe máy đi thêm 10km nữa là đến Bãi Hương, một khu vực mà theo lời miêu tả của cư dân đảo là "chỉ có khách Tây mới đến". Đồi núi quanh co khúc khuỷu không làm cho những du khách Việt như chúng tôi "chùn chân" mà còn khiến cho vẻ đẹp của Cù Lao Chàm thêm phần nguyên sơ. Biển xanh rì tít tắp, cát trắng mịn màng. Từ trên cao phóng tầm mắt xuống, Cù lao Chàm quả đúng là món quà tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho con người.  Không ồn ào tấp nập như Bãi Làng, Bãi Hương với vỏn vẹn hơn 100 hộ gia đình nằm núp bóng dưới những tán dừa xanh mướt là địa điểm điển hình cho vẻ đẹp của Cù Lao Chàm. Bãi Hương hấp dẫn du khách ngoại quốc vì ở đây yên tĩnh, vẫn còn nét nguyên sơ của biển của rừng và cả những con đường dưới chân đi vẫn còn nghe lạo xạo thanh âm của cát trắng.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hoàn (60 tuổi) người được cư dân trên bãi rất tin tưởng bởi ông vô cùng tâm huyết với việc bảo vệ giá trị Cù lao Chàm từ nhiều năm nay. Chỉ vừa "nghỉ hưu" sau hơn chục năm làm thôn trưởng Bãi Hương, ông Hoàn vẫn chưa ngơi nghỉ công việc xã hội của mình vì còn nặng tình với đảo. Ông kể: "Ông cha tôi vốn quê nhà ở Cửa Đại nhưng những năm kháng chiến ác liệt quá đành phải "chạy" ra đây sinh sống. Hồi đó trên đảo ít người nên chiến tranh cũng không tới chỉ có điều mọi thứ sơ khai ban đầu vô cùng khó khăn". Là một thanh niên của đất liền ông Hoàn dần học cách đi tàu đánh bắt cá tôm, biết cách lấy lá dừa lợp nhà rồi đào giếng tìm nước ngọt. "Cù lao Chàm hồi đó cái gì cũng có sẵn nhưng thành ra cũng không có gì vì muốn gì mình phải tự tìm, tự kiếm. Sống trên đảo thì phải nương theo đảo nên dân chúng tôi không bao giờ lấy không cái gì của thiên nhiên.

Gỗ rừng thì người dân không bao giờ chặt phá, nước cũng phải sử dụng tiết kiệm thậm chí bây giờ người dân làm nhà bê tông kiên cố nhưng khỉ, sóc rừng vẫn xuống rất nhiều vì người dân chúng tôi không làm hại tới chúng", ông Hoàn cho biết. Mặc dù có ý thức bảo tồn thiên nhiên từ sớm nhưng khi Khu bảo tồn biển lúc đó là dự án Bảo tồn biển Cù lao Chàm triển khai ông Hoàn lại chính là một trong những người tiên phong... phản đối. Nhắc lại "sự cố" này, ông Hoàn lý giải sở dĩ bản thân ông và người dân ban đầu không chịu hợp tác với chính quyền địa phương trong việc triển khai dự án là bởi họ cho rằng dự án sẽ đi ngược lại lợi ích của người dân. "Ngư dân Cù Lao Chàm khác với những ngư dân vùng biển khác đó là chỉ đánh bắt đi về trong ngày và không đánh bắt ngư trường xa. Khi dự án Bảo tồn biển về yêu cầu người dân chuyển đổi nghề nghiệp, đưa ngư trường vào diện bảo tồn thì ngư dân chúng tôi biết lấy gì sinh sống? Rồi chuyện không dùng bao ni-lông sao nghe mà "vô lý" quá. Một số loài như cua đá vốn là đặc sản của nơi này cũng bị hạn chế đánh bắt", ông Hoàn nhớ lại.

Nhưng rồi ngày qua ngày bằng sự chia sẻ thân tình của các nhà khoa học đến từ đảo Lý Sơn, Côn Đảo đặc biệt là Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh - chuyên gia về biển đã gắn bó với Cù lao Chàm hơn 10 năm nay, dần dần ý thức của người dân đã thay đổi. "Hồi trước ai ra Cù lao Chàm chơi cũng xách một cụm san hô về làm quà nhưng giờ thì tuyệt đối không có bởi người dân đã hiểu tận diệt san hô là tận diệt hệ sinh thái của biển từ đó các loại sinh vật khác cũng không thể tồn tại. Bây chừ thấy du khách nào xách san hô, xách bao ni-lông đi trên đảo là tự người dân có ý kiến nhắc nhở liền", ông Hoàn kể.

Ông Nguyễn Hoàn bên homestay của gia đình.

Đi dạo một vòng quanh Bãi Hương chúng tôi còn được nghe câu chuyện vui về cái "hố xí" của làng. Chuyện là cư dân trên đảo bao đời nay đều không màng tới chuyện xây nhà vệ sinh bởi đất đai trên đảo rộng rãi nhà cửa lại thưa thớt nên việc đi vệ sinh thế nào cũng "chẳng phiền hà chi tới ai". Thế nhưng để làm du lịch, bảo vệ môi trường thì việc làm nhà vệ sinh là điều bắt buộc. Tuyên truyền không hiệu quả, địa phương liền tiến hành "cho vay vốn xây nhà vệ sinh". Lúc đầu chỉ vài nhà là dám vay vốn nhưng sau người dân thấy việc xây nhà vệ sinh khá là hiệu quả, cần thiết nên không cần nguồn hỗ trợ họ vẫn tự động xây.

Ngoài những biến chuyển về mặt nhận thức cộng đồng hay vệ sinh môi trường thì điều lớn nhất mà cư dân Cù lao Chàm có được sau 10 năm đó là sự thay đổi về cách sống, cách làm việc. Có ai ngờ chuyện làm du lịch, homestay, học tiếng Anh từ "trên trời rơi xuống" nhưng sau 10 năm lại thực sự  khiến đời sống người dân thay đổi. Bây giờ trên đảo hầu như không có lao động nhàn rỗi bởi từ thanh niên đến người già ai cũng có thể có sinh kế từ du lịch. Lao động "già" như vợ chồng ông Hoàn mà giờ đây cũng sở hữu một homestay có tên gọi Hoan Hy đủ để chi phí cho vợ chồng ông lúc tuổi già không phải phiền hà đến con cháu. "Tây họ thích đến Cù Lao Chàm không phải vì danh hiệu mà chính là vì vẻ đẹp hoang sơ, gần gũi của nó. Giữ được điều đó Cù lao Chàm sẽ còn xanh mãi", ông Hoàn khẳng định.

Cù Lao Chàm hồi đó đã khác bây chừ nhiều lắm. Khác nhất có lẽ là tâm thế của con người. Có thể nói, danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm- Hội An là sự ghi nhận của thế giới về những nỗ lực vượt bậc trong thời gian dài của người dân, các tầng lớp xã hội, các tổ chức khoa học, giáo dục và các cấp chính quyền TP Hội An trong công tác bảo tồn và phát triển những tài sản, giá trị của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu. Sự công nhận đó không chỉ dừng lại ở những gì đã gặt hái được trong 10 năm qua mà còn là tiền đề để chính quyền và người dân TP Hội An triển khai những dự định đầy mới mẻ trong tương lai.

(còn nữa)

Phóng sự: Hà Dung