Hành trình đoạn tuyệt “nàng tiên nâu”

Thứ tư, 21/12/2016 09:31

(Cadn.com.vn) - Không thể nhớ hết những lần vượt sông, băng đồi giữa đêm tối qua bên kia biên giới tìm con, tìm chồng, có lúc những phụ nữ ấy chìm trong tuyệt vọng vì nghĩ người thân vĩnh viễn không thể thoát khỏi “nàng tiên nâu”.

CỬU VẠN LẠC LỐI

Giữa tháng 12, khí trời ẩm ướt, rét mướt phủ trùm từ đồng bằng lên tận phố núi Khe Sanh, nhưng qua địa phận xã biên giới Tân Long (H. Hướng Hóa, Quảng Trị) thì khô ráo hẳn. Anh Võ Văn Huy, Trưởng CAX Tân Long đợi sẵn đón chúng tôi như đã hẹn. Trên đường đến thôn Long Quy gặp Lê Trọng Thắng (1982), anh Huy trao đổi nhanh với chúng tôi về tình hình đối tượng sử dụng ma túy trên địa bàn, trong đó có một bộ phận nghiện trong thời gian lao động tại Lào. Và Thắng từng là một trong những trường hợp này…Gặp chúng tôi, Thắng không ngại sẻ chia khi gợi nhắc về những năm tháng lầm lạc. “Chuyện đã qua nhưng khó mà quên được. Lúc đó không biết răng mà khờ dại dữ”, Thắng hồi nhớ. Trước khi nhập ngũ vào năm 2002 thuộc Tiểu đoàn 43, BCHQS tỉnh Quảng Trị, Thắng đã là thợ kim hoàn. Sau khi xuất ngũ, Thắng vào Nam tìm việc, rồi lại quay về Hướng Hóa làm cửu vạn chở gỗ ở bên kia biên giới nước bạn Lào. Đội cửu vạn dùng xe máy chở từng súc gỗ về tập kết ở bờ sông, sau đó đầu nậu mới tìm cách đưa về nội địa. Tiền công khá lớn nhưng lại rơi đúng môi trường nhiều con nghiện, Thắng đã không vượt qua cám dỗ của ma túy. “Toàn dùng hồng phiến, làm được mấy tiền đều đổ vô đó. Thường chỉ sử dụng tại Lào chứ không mang về nhà”, Thắng kể. Năm 2007, Thắng lập gia đình với chị Phương, quê TX Quảng Trị sau hơn 10 năm yêu nhau. Biết chồng nghiện nhưng Phương vẫn tin rằng anh sẽ từ bỏ ma túy khi trở thành trụ cột gia đình. Thế nhưng, con đầu lòng chào đời và nhiều năm tiếp nữa, chị Phương càng thấm thía gia cảnh có người nghiện. Làm có tiền Thắng đều dùng mua ma túy. Nhiều ngày Thắng không về nhà, chị lại gửi con để đi tìm chồng, bất kể đêm hôm, mưa gió. Nhiều lúc nản song chị không bao giờ có ý định buông bỏ, vẫn lặng lẽ mưu sinh, buôn bán làm điểm tựa đợi ngày chồng tu tỉnh quay về…

 Ở cách đó không xa, tại thôn Long Phụng là nhà anh Nguyễn Hữu Nhân (1985). Năm 2005, Nhân nhập ngũ, đơn vị thuộc Sư đoàn 968 (QK4), đóng tại H. Cam Lộ. Vốn là lao động chính của gia đình nên ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Nhân trở lại công việc buôn bán dọc QL9. Làm ăn rủi ro, Nhân chuyển sang cửu vạn chở gỗ ở vùng biên Lào. Chính thời điểm này, Nhân dính vào ma túy. Bà Nguyễn Thị Thủy, mẹ Nhân nghẹn ngào khi nhớ lại quãng thời gian đen tối của con trai: “Tui thấy nó không về là lại băng qua bên nớ đi tìm. Tới Ka Túp rồi đi sâu gần 100 cây số. Nhưng tìm về nó lại đi, gian nan cơ cực, đắng cay muôn phần nhưng sợ nhất là mất con”. Nhân cũng tưởng sẽ không bao giờ thoát ra được…

Vợ chồng anh Thắng hạnh phúc sau nhiều sóng gió, thăng trầm.

QUAY ĐẦU LÀ BỜ

Chị Phương khóc cạn nước mắt, khuyên chồng đủ lời nhưng không ăn thua. Giữa năm 2014, khi nghe vợ báo tin sắp có đứa con thứ 2, Thắng chợt bừng tỉnh. “Mình đã là cha của 2 đứa con, không thể cứ sống vô dụng ri mãi. Song, bỏ ma túy không phải dễ, bởi chỉ mới có phác đồ điều trị cho người nghiện heroin thôi”, Thắng chia sẻ đầy hiểu biết. Thế nhưng, nỗi sợ ấy đã được xua tan sau nhiều quyết tâm và động viên của gia đình. Thắng lao vào công việc làm ăn, thuê 1ha đất ở Lào trồng chuối, hợp tác với 3 người nữa tại Tân Long đầu tư thêm 4 ha chuối. Thắng cật lực lao động thay cho lời tuyên chiến với ma túy và được đền trả xứng đáng. Chuối Tân Long đã nổi tiếng cả nước và rất được thị trường Trung Quốc, Thái Lan ưa chuộng, vì thế, sau nhiều nỗ lực, vợ chồng Thắng đã có thu nhập ổn định, vững vàng. Sự “trở về” của Thắng không chỉ “cứu” bản thân và gia đình, anh còn giúp đỡ, khuyên nhủ nhiều thanh niên khác đừng dẫm lên vết xe đổ của mình. Tháng 11–2016, anh Thắng được tín nhiệm bầu làm Chi hội phó Hội CCB Long Quy, nhiệm kỳ đến 2022…Lại nói đến trường hợp của Nhân, sau bao năm ngược xuôi qua Lào làm thuê và chìm trong ma túy, anh  chẳng còn biết sự đời. Anh Huy, Trưởng CAX còn nhớ lúc Nhân buôn bán khấm khá, anh cùng nhiều người làng làm công chở hàng cho Nhân. Không ít người tỏ rõ sự tiếc nuối tuổi thanh xuân và tương lai mờ mịt của Nhân. Khi Nhân bắt đầu thức tỉnh, muốn từ bỏ ma túy nhưng vẫn bế tắc, loay hoay không biết bắt đầu từ đâu.  Đầu năm 2014, Nhân tình cờ gặp lại một vị chỉ huy ở đơn vị đóng quân năm nào. Nhận ra lính cũ, ông hỏi thăm chân tình. Câu chuyện kéo dài đến chiều muộn hôm ấy đã thực sự mở ra bước ngoặt mới cho Nhân. “Tinh thần của lính đâu rồi, khó mấy cũng vượt qua được, hãy bắt đầu từ những việc gần gũi, thân thuộc nhất tại gia đình mình ấy, có người thân trợ giúp sẽ dễ dàng hơn”, người chỉ huy năm xưa ân cần nói với anh mà như một mệnh lệnh.“Anh ấy thấu hiểu, không chê cười mà còn cho tôi thấy đường đi ngay dưới chân mình”, Nhân bồi hồi nhớ lại.  Nhân sực tỉnh nhớ đến gia cảnh nhà mình, nhớ hình ảnh mẹ vất vả chăm đàn lợn, nguồn thu nhập chính lo cho gia đình. “ Đất rộng, hay em có thể phát triển thành trang trại gà và lợn anh nhỉ”, Nhân hào hứng. Vậy là tối đó, Nhân về nhà bàn với mẹ kế hoạch tương lai. Không tin nổi đứa con hư muốn gắn bó với công việc vất vả ấy, mẹ Nhân đã toan xua đi nhưng bà nhận ra trong đôi mắt đã bớt đỏ ngầu vì ma túy ánh lên một niềm tin mãnh liệt. Với bản tính lanh lợi, cần cù, Nhân đã không làm cho người thân thất vọng và trở thành trụ cột gia đình. Đến cuối năm 2016 này, trang trại của Nhân đã có 40 con lợn nái, khoảng 150 con lợn thịt, trại gà có gần 1.000 con, loại gà lai chọi lấy thịt đã cho thu nhập ổn định. “Thời gian qua, tôi cũng đã nhận được sự giúp đỡ, quan tâm của CAX, cán bộ CAH Hướng Hóa, càng có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn. Tôi vẫn muốn vay thêm vốn để mở rộng thêm nữa”, Nhân bày tỏ…

Chúng tôi cũng cảm thấy vui lây sau nhiều nỗ lực của anh Thắng cùng Nhân và tin tưởng rằng đây sẽ là tấm gương hữu ích cho ai đang lạc lối vào ma túy. Bởi quay đầu là bờ, sẽ chạm vào tương lai tốt đẹp.

Bảo Hà