Hành trình sưu tầm, bảo quản “Nhật ký trong tù”
“Nhật ký trong tù” là tập thơ chữ Hán theo thể Đường luật do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc từ tháng 8-1942 đến 9-1943. Tập thơ có kích thước 9,5x12,5cm, gồm 79 trang.
Chia sẻ về hành trình sưu tầm “Nhật ký trong tù”, ông Nguyễn Trọng Lượng (Phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) cho biết: “Theo hồ sơ hiện vật có ghi: Ngày 14-9-1955, khi đến duyệt nội dung triển lãm về “Cải cách ruộng đất” tại phố Bích Câu, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tập thơ “Nhật ký trong tù” cho đồng chí Nguyễn Việt, trưởng ban tổ chức triển lãm và nói: “Tôi có quyển sổ tay cách đây mười mấy năm còn giữ đến bây giờ, các cô, các chú xem có triển lãm được thì dùng”. Cuốn “Nhật ký trong tù” lần đầu được giới thiệu tới công chúng ngay tại triển lãm ấy. Đồng chí Trần Ngọc Chương, khi ấy là Phó trưởng phòng Sưu tầm, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) đã chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh giao tác phẩm tại phòng trưng bày. Ngay trong ngày hôm đó, ông đã tiếp nhận hiện vật quý hiếm này về lưu giữ tại Bảo tàng”.
Là thế hệ sinh sau khi tập thơ “Nhật ký trong tù” được Bảo tàng tiếp nhận, nhưng ông Nguyễn Trọng Lượng cùng cán bộ, nhân viên Phòng Nghiên cứu sưu tầm đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về giá trị to lớn của thi phẩm này. Ông Nguyễn Trọng Lượng khẳng định: “Cuốn “Nhật ký trong tù” đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có giá trị độc bản. Với giá trị sâu sắc về tư tưởng, triết học, văn học, văn hóa, nghệ thuật, “Nhật ký trong tù” được công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 1-10-2012”.
Thi phẩm “Nhật ký trong tù” hiện được lưu trữ trong kho đặc biệt của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở điều kiện môi trường ổn định, được kiểm soát chặt chẽ. Bởi từng có thời điểm, cuốn “Nhật ký trong tù” bị thất lạc ở Cao Bằng. Theo tài liệu ghi lại: Sau khi thoát khỏi nhà tù chế độ Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ về nước vào ngày 20-9-1944 và chọn vùng Nà Sác (Hà Quảng, Cao Bằng) là nơi hoạt động cách mạng. Tại đây, Người đã bị thất lạc cuốn “Nhật ký trong tù”. Mãi đến năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới nhận lại được cuốn “Nhật ký trong tù” thông qua đường công văn từ Cao Bằng gửi về Văn phòng Chủ tịch nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Nguyễn Thị Hương Thơm, Trưởng phòng Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, công tác bảo quản tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng nói chung và cuốn “Nhật ký trong tù” nói riêng luôn đứng trước nhiều thách thức. Tuy vậy, cán bộ, nhân viên Bảo tàng qua nhiều thế hệ đã và đang nỗ lực tổ chức việc bảo quản cuốn "Nhật ký trong tù" tốt nhất để nhiều thế hệ có cơ hội được học tập, nghiên cứu, tiếp cận thi phẩm vô giá này.
Việc bảo quản cuốn “Nhật ký trong tù” với bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết bằng những màu mực khác nhau trên nền giấy có tuổi đời đã 80 năm là công việc hết sức khó khăn. Giấy là chất liệu nhạy cảm với các yếu tố môi trường, những hư hại xảy ra do chính các chất tồn tại trong giấy, trong mực viết, hồ dán... Bởi vậy, việc bảo quản, phòng ngừa-kiểm soát tốt môi trường lưu giữ cuốn “Nhật ký trong tù” là nhiệm vụ thường xuyên và bắt buộc. Bà Nguyễn Thị Hương Thơm cho rằng: “Do làm tốt công tác bảo quản nên đến nay Bảo tàng vẫn chưa cần có can thiệp trực tiếp nào lên cuốn “Nhật ký trong tù”. Bảo tàng đã và đang cố gắng duy trì bảo quản cuốn nhật ký trong điều kiện môi trường ổn định với nhiệt độ 20-24oC, độ ẩm từ 50% đến 60%, hạn chế tối đa tiếp xúc với ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng tự nhiên”.
Bà Nguyễn Thị Hương Thơm cho biết thêm, công tác bảo quản hiện vật đòi hỏi đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, tuân thủ nghiêm những nguyên tắc trong bảo quản và tỉ mỉ, cẩn trọng trong tác nghiệp. Bởi bất cứ một sơ sẩy nào dù nhỏ nhất cũng có thể gây những tác hại khó có thể cứu vãn đến hiện vật, nhất là với cuốn "Nhật ký trong tù" đã trải qua 80 năm thì công tác bảo tồn, bảo quản càng phải tỉ mỉ, chu đáo, thận trọng hơn.
Theo QĐND