Hành trình triệt phá chuyên án lừa đảo quốc tế (Bài đầu: Giả lập số điện thoại Bộ CA để lừa đảo)

Thứ tư, 05/02/2020 10:07

Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) triệt phá Chuyên án 290TQ, bắt 10 đối tượng trong và ngoài nước sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn. Điều đáng nói, các đối tượng lừa đảo bằng hình thức gọi điện mạo danh cơ quan bảo vệ pháp luật như: Công an, Viện Kiểm sát nhằm thực hiện hành vi phạm tội với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Cơ quan Công an làm việc với Long Boon Leng.

Nhiều nạn nhân bị lừa tiền tỷ

Đầu tháng 1-2020, CA tỉnh Quảng Nam liên tiếp nhận được thông tin của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội gây thiệt hại lớn về tài sản. Theo đó, đối tượng tội phạm sử dụng SĐT 0235XXXXXX (số ảo gọi trên mạng Internet) tự xưng là nhân viên Bưu cục Quảng Nam thông báo người bị hại có giấy báo nợ với số tiền vài chục triệu đồng của ngân hàng. Đồng thời, yêu cầu người bị hại trong thời gian ấn định phải thanh toán, nếu không sẽ bị phong tỏa tài khoản và bị kiện ra tòa...

Khi bị hại khẳng định không mở và nợ tiền như trên thì lúc này sẽ được kết nối với một người tự xưng là cán bộ điều tra thuộc Bộ Công an, người này thông báo bị hại mở và đã bán tài khoản cho người khác với giá 100 triệu đồng và được hưởng 10% số tiền phạm tội mà có. Hiện người mua tài khoản đã bị tạm giữ về tội rửa tiền, buôn ma túy... số dư tài khoản hiện vài chục tỷ đồng. Tiếp đó, đối tượng ngắt máy và yêu cầu bị hại truy cập vào internet hoặc gọi 1800 để xác minh số điện thoại đối tượng vừa gọi có phải là “đường dây nóng của Bộ Công an” hay không.

Ban chuyên án khám xét, bắt giữ khẩn cấp đối tượng Long Boon Leng (người ngồi) và đồng phạm.

Thực tế, đây là số điện thoại ảo được đối tượng tạo trên nền internet. Khi bị hại kiểm tra đúng là số “đường dây nóng” thì được kết nối với một người tự xưng là Phó trưởng phòng phụ trách ban chuyên án “ZZZ- Bộ Công an” yêu cầu người bị hại làm theo hướng dẫn của đối tượng nhằm cung cấp thông tin để phục vụ điều tra, như: Mở tài khoản ngân hàng đứng tên người bị hại; chuyển tiền vào tài khoản này để đảm bảo an toàn; cài App ứng dụng có tên “Bộ Công an” từ đường link do đối tượng nhắn gửi để “phục vụ công tác điều tra”. Ứng dụng này khi được cài đặt sẽ can thiệp vào toàn bộ danh bạ, cuộc gọi, tin nhắn đi đến của thiết bị di động, vì vậy các đối tượng phạm tội hoàn toàn có thể tác động vào thiết bị và thực hiện thao tác chuyển tiền khỏi tài khoản ngân hàng của bị hại đến tài khoản khác để chiếm đoạt.

Bước đầu, CQĐT CA tỉnh Quảng Nam xác định có 5 bị hại ở Quảng Nam bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Tuyết T. bị chiếm đoạt 3,2 tỷ đồng; Trần Thị Khánh T. bị chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng; Trần Hoàng Quỳnh T. bị chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng; Thân Ngọc L. bị chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng; Lê Thị Thúy H. bị chiếm đoạt 100 triệu đồng. Xét thấy tính chất phức tạp của các vụ lừa đảo xảy ra thời điểm cận Tết Nguyên đán, ngày 8-1-2020, CA tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xác lập Chuyên án 290TQ để đấu tranh, triệt phá.

Hộ chiếu và các tang vật thu giữ của đối tượng Long Boon Leng.

Người nước ngoài chủ mưu, cầm đầu

Khẩn trương điều tra, xác minh, Ban chuyên án xác định các đối tượng Đài Loan là kẻ chủ mưu cầm đầu, thuê các đối tượng người Việt Nam và Malaysia thực hiện hành vi lừa đảo. Tổ chức tội phạm này phân vai từng đối tượng, trong đó có nhóm chuyên trách việc gọi điện đe dọa nạn nhân, có nhóm chuyên thực hiện các giao dịch qua tài khoản ngân hàng để tránh bị phát hiện và phong tỏa, có nhóm chuyên thuê mở tài khoản ngân hàng và thực hiện việc rút tiền... Nhóm đối tượng này hoạt động tập trung tại địa bàn các tỉnh phía Nam, thậm chí có đối tượng hoạt động trên địa bàn Campuchia và liên tục thay đổi địa điểm hoạt động nhằm trốn tránh cơ quan Công an.

Cụ thể, cơ quan CA xác định đối tượng Long Boon Leng (1991, quốc tịch Malaysia) đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu nhóm đối tượng người Việt hoạt động phạm tội chiếm đoạt tài sản, hoạt động theo sự chỉ đạo của đối tượng người Đài Loan; Lim Kean Kew (1996, quốc tịch Malaysia) có vai trò giám sát các hoạt động liên quan đến việc rút tiền của nhóm đối tượng tại Việt Nam theo sự chỉ đạo của đối tượng người Đài Loan.            

“CQĐT xác định dấu vết đối tượng ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, chúng tôi đã tung những cán bộ dày dạn kinh nghiệm nhất vào cuộc để sớm tìm ra đối tượng. Mặc dù đây là “án mờ”, dấu vết của nhóm đối tượng khá ít, song nếu không nỗ lực phá án sớm, nhiều khả năng số nạn nhân sẽ tăng mạnh, chưa kể đối tượng thực hiện có yếu tố nước ngoài, nếu chậm chân, đối tượng xuất cảnh sẽ khó có cơ hội bắt giữ”, Thượng tá Ngô Quốc Ánh- Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Quảng Nam chia sẻ.

Kết quả áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ xác định từ ngày 23-12-2019 đến ngày 11-1-2020, các đối tượng phạm tội đã thông qua ứng dụng giả mạo Bộ Công an chiếm đoạt 1.690 tài khoản giao dịch ngân hàng qua Internet, trong đó 86 tài khoản ngân hàng Việt Nam, còn lại là các tài khoản ngân hàng hiển thị bằng tiếng Trung Quốc. Phân tích cơ sở dữ liệu chứa thông tin tài khoản ngân Internet Banking trùng khớp với các thông tin bị hại đã trình báo.

TRẦN TÂN

Bài cuối: Vào Nam phá án