Hào hứng với phiên tòa giả định

Thứ tư, 18/12/2019 18:00

Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định thường xuyên tổ chức các phiên tòa giả định để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan, sinh động, thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều thành phần, nhất là đoàn viên thanh niên, học sinh.

Phiên tòa giả định tổ chức cuối tháng 10-2019 tại UBND P. Đống Đa (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Đầu tháng 11-2019, chi đoàn các cơ quan tư pháp (Tòa án- Viện kiểm sát- Thi hành án dân sự - Phòng Tư pháp) H. Tây Sơn (tỉnh Bình Định) phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tại Trường THPT Tây Sơn (xã Tây Bình, H. Tây Sơn). Phiên tòa được xây dựng dựa trên vụ án liên quan đến “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và các quy định về Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Phiên tòa này thu hút sự tham gia theo dõi của hàng trăm học sinh (HS), giáo viên và đông đảo đoàn viên thanh niên (ĐVTN), cùng người dân địa phương.

Hay cuối tháng 10-2019, tại UBND P. Đống Đa (TP Quy Nhơn, Bình Định), Chi đoàn TAND TP Quy Nhơn phối hợp với P. Đống Đa, P. Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) tổ chức phiên tòa giả định về bản án liên quan đến ATGT. Phiên tòa được xây dựng dựa trên tình huống đối tượng HS điều khiển mô-tô khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật, gây TNGT làm chết 1 người.

Ngoài H. Tây Sơn và TP Quy Nhơn, thời gian qua tại một số địa phương như Hoài Nhơn, Phù Mỹ..., các ngành chức năng cũng thường xuyên tổ chức phiên tòa giả định xoay quanh các loại tội phạm được dư luận xã hội quan tâm như: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, ma túy... Những tình huống xây dựng tại các phiên tòa giả định đều dựa vào nội dung bản án có thật, đã được cơ quan pháp luật đưa ra xét xử. Mỗi phiên tòa thường kéo dài 60 phút, diễn ra đúng trình tự theo Bộ luật Tố tụng hình sự; tái hiện quá trình xét xử vụ án nhằm cung cấp cho người xem về hành vi phạm tội và việc xét xử người phạm tội. Ông Trần Văn Tùng, trú xã Tây Bình, chia sẻ: “Trước đây, tôi không biết việc giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển tham gia giao thông, nếu chẳng may xảy ra tai nạn thì chủ xe bị rơi vào hành vi phạm tội. Sau khi dự phiên tòa giả định, tôi mới vỡ lẽ, có thêm kiến thức về pháp luật giao thông để tự điều chỉnh bản thân và phổ biến lại cho những người khác, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

Ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng phòng 1, Viện KSND tỉnh Bình Định cho biết: Tất cả các phiên tòa giả định đều thu hút rất đông các tầng lớp nhân dân tham gia theo dõi, nhất là ĐVTN và HS - đối tượng có sức “miễn dịch” yếu, dễ mắc các vụ việc dẫn đến vi phạm pháp luật. Đối với nhiều người, việc tham dự các phiên tòa giả định còn khá mới mẻ; thậm chí, có người chưa hình dung được phiên tòa giả định là gì. Nhưng khi bắt đầu phiên tòa, mọi người đều lôi cuốn vào từng tình tiết vụ án; chăm chú theo dõi từ cáo trạng đến quá trình xét hỏi, tranh luận giữa luật sư và đại diện viện kiểm sát; việc tuyên án của chủ tọa phiên tòa.

Ngoài ra, tại các phiên tòa giả định, kiểm sát viên trực tiếp tương tác với người tham gia qua hình thức hỏi- đáp tình huống pháp lý liên quan đến các quy định của pháp luật về dân sự, giao thông, ma túy... Qua đó, người dự khán sôi nổi tham gia trả lời và được giải thích cụ thể một số thắc mắc, giúp họ dễ hiểu, dễ nhớ; góp phần giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Còn theo ông Huỳnh Văn Chưa- Chánh Văn phòng Hội Luật gia tỉnh Bình Định, những phiên tòa giả định mang tính trực quan, sinh động, tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Phiên tòa không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng; mà còn giúp người dân hiểu rõ hơn hoạt động của những người cầm cân nẩy mực, giúp họ biết được ranh giới giữa cái đúng - cái sai. Ngoài ra, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và tính “hướng thiện” trong chính sách hình sự đối với những người đã phạm tội thông qua mức án được tuyên xử.

Bà Hồ Mỹ Ngọc Chân- Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) - Sở Tư pháp Bình Định nhận xét: “Các phiên tòa giả định được thực hiện dưới hình thức sân khấu hóa với đầy đủ trình tự, thủ tục. Tái hiện quá trình xét xử vụ án, truyền đạt thông điệp sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đây là nét mới, nổi bật, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền cần thường xuyên tổ chức hoạt động này để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân”.

D.MINH