HĐXX giải thích lý do cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên được hưởng án treo
Như Báo CAND đã thông tin, ngày 18/9/2007 UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất 1.183m2 tại thửa số 76, tờ bản đồ số 8, thuộc ô phố A2 Hùng Vương, phường 6, TP Tuy Hòa cho Công ty CP Pymepharco đầu tư dự án Trung tâm Kinh doanh Dược, mỹ phẩm - Dịch vụ y tế Phú Yên. Theo đó, Pymepharco được giao đất không thông qua đấu giá trong thời hạn 70 năm và chỉ nộp ngân sách gần 3,6 tỷ đồng.
Dù đã được cấp “sổ đỏ” từ đầu năm 2018, nhưng Pymepharco không triển khai thực hiện dự án, nên sau các cuộc kiểm tra vào tháng 7/2010 và tháng 10/2012, Sở KH&ĐT hai lần kiến nghị không gia hạn giấy phép xây dựng, chấm dứt hiệu lực dự án, thu hồi chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận QSDĐ, hoàn trả lại tiền doanh nghiệp đã nộp. UBND tỉnh Phú Yên có nhiều văn bản thúc nhắc, nhưng Pymepharco vẫn không thực hiện dự án, mà giữa tháng 11/2012 có văn bản đề nghị UBND tỉnh Phú Yên cho phép chuyển nhượng QSDĐ và tài sản trên đất cho Vietcombank – Chi nhánh Phú Yên.
Tại Thông báo số 13/TB-UBND ngày 7/1/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự cho phép Pymepharco chuyển nhượng thửa đất nêu trên cho Vietcombank -–Chi nhánh Phú Yên Phạm Đình Cự cho phép Pymepharco theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính Đỗ Duy Vinh. Từ đó, Pymepharco chuyển nhượng thửa đất và tường rào xây dựng trên đất cho Vietcombank - Chi nhánh tỉnh Phú Yên với giá 16 tỷ đồng.
Từ kết luận định giá tài sản, kết quả điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Phú Yên xác định hai ông Vinh và Cự đã có hành vi cho phép Pymepharco chuyển nhượng đất là trái pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 10,1 tỷ đồng.
Theo thông cáo báo chí của TAND tỉnh Phú Yên phát đi trưa 14/4, sau khi xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan các chứng cứ, tài liệu có tại hồ sơ và kết quả thẩm tra tại phiên tòa cho thấy hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến chính sách quản lý đất đai và hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công, cần xử phạt tương xứng tính chất, mức độ, hậu quả các bị cáo gây ra. Tuy nhiên, các bị cáo đều có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, vụ án xảy ra đã lâu, hai bị cáo đã trực tiếp và tác động Pymephaco nộp lại toàn bộ số tiền thất thoát; hai bị cáo có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác trước đó, được nhiều ngành, cấp tặng thưởng Huân chương, kỷ niệm chương, bằng khen; bị cáo Vinh có cha là liệt sỹ, mẹ là người có công với cách mạng, bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng; bị cáo Cự là người có công với cách mạng, bản thân từng bị địch bắt tù đày, được hưởng chính sách như thương binh, có cha và mẹ là người có công với cách mạng. Theo đó, hai bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định của BLHS nên HĐXX TAND tỉnh Phú Yên quyết định áp dụng hình phạt nêu trên cũng đủ tác dụng giáo dục, phòng ngừa tội phạm.
Án sơ thẩm giao hai bị cáo cho chính quyền địa phương nơi cư trú giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời hạn thử thách; đồng thời cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ liên quan công tác quản lý, sử dụng tài sản trong cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế với thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Theo CAND