Hệ lụy hạt nhân từ căng thẳng Iran-Pakistan

Thứ năm, 13/11/2014 11:09

(cadn.com.vn) - Căng thẳng với Pakistan, quốc gia có vũ khí hạt nhân (VKHN), có thể ảnh hưởng đến những tính toán của Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.

Những căng thẳng lâu dài giữa Iran-Pakistan về vấn đề phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, việc sử dụng các nhóm phiến quân để triển khai sức mạnh khu vực, và vị trí địa chính trị khác nhau vẫn là một trong những yếu tố chiến lược có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hạt nhân nổi bật của Tehran.

Vấn đề này cần được xem xét trên quy mô rộng lớn, trong bối cảnh các cuộc đàm phán kéo dài thập kỷ qua giữa Iran và P5+1 (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức) về chương trình hạt nhân đạt đến giai đoạn nhạy cảm. Một khi vấn đề leo thang, căng thẳng Tehran-Islamabad sẽ tạo thành mặt trận an ninh hoàn toàn mới đối với nước Cộng hòa Hồi giáo và có nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động hạt nhân nước này.

Yếu tố Pakistan ảnh hưởng lớn đến các cuộc đàm phán Iran-P5+1. Ảnh: Iran Daily

Nỗi lo từ quá khứ…

Mối quan hệ Iran-Pakistan nổi sóng từ mùa xuân năm 1998. Sau vụ thử hạt nhân của Ấn Độ, Pakistan tiến hành các thử nghiệm nguyên tử và do đó trở thành người hàng xóm duy nhất của Iran có VKHN.

Vào tháng 8 năm đó, Taliban - nhóm thành lập "Tiểu vương quốc" ở Afghanistan sau khi lật đổ chính quyền Kabul với sự hỗ trợ của Islamabad trong năm 1996 - chiếm được lãnh sự quán Iran tại Mazar-e-Sharif và giết chết 11 nhân viên ngoại giao và truyền thông. Chuông báo động vang lên tại Tehran, quân đội được triển khai dọc biên giới với Afghanistan. Sau đó, Tehran phát hiện ra rằng, vụ tấn công là do Sipah-e-Sahaba, tổ chức quân sự chống người Shiite có liên kết chặt chẽ với quân đội và tình báo Pakistan, tiến hành. 3 năm sau đó, Iran vội vã giúp liên minh do Mỹ đứng đầu lật đổ chính phủ Taliban.

Iran hiện không có nhiều bạn bè trong khu vực, trong khi chính sách đối ngoại độc đáo của nước này với tham vọng hạt nhân dẫn đến sự xa lánh và thậm chí là đối đầu với các cường quốc thế giới. Quốc gia Cộng hòa Hồi giáo cũng không nhận được sự bảo vệ của các quốc gia có VKHN (NWS) như Hàn, Nhật, cả hai đều thuộc "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ.

Tehran hiểu rằng, họ sẽ phải chiến đấu một mình nếu xảy ra bất kỳ cuộc xung đột nghiêm trọng hoặc nhỏ lẽ nào bên trong hoặc bên ngoài biên giới.

… Tới hiện tại

Mối quan ngại của Iran về khả năng VKHN của Pakistan chủ yếu dựa trên 2 vấn đề. Được mệnh danh là kho VKHN "phát triển nhanh nhất" thế giới, VKHN của Pakistan có nguy cơ rơi vào tay kẻ xấu, bởi sự hiện diện của các nhóm phiến quân Sunni trên khắp đất nước cũng như mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhóm này và các cơ quan giám sát các hoạt động hạt nhân của Islamabad. Trên hết, Islamabad từng sử dụng quân sự như một công cụ hoạch định chính sách nước ngoài. Là cường quốc quan trọng nhất của người Shiite ở Trung Đông, Iran tự coi mình như là mục tiêu tức thời trong các kịch bản của Pakistan.

Nỗi sợ hãi càng tăng lên sau khi IS xuất hiện và các mối liên kết xuyên quốc gia mà nhóm đang cố gắng để thúc đẩy Taliban ở Pakistan và các phiến quân thánh chiến Sunni tại Nam Á. Tehran cũng quan ngại nghiêm trọng về liên minh chiến lược giữa Pakistan với Saudi Arabia. Riyadh đầu tư rất nhiều trong các chương trình hạt nhân của Pakistan và được cho là có thể có được vũ khí nguyên tử từ Islamabad nếu muốn. Amos Yaldin, một cựu lãnh đạo tình báo quân sự Israel cho rằng, nếu Iran có vũ khí hạt nhân, Saudi Arabia sẽ không phải chờ đợi một tháng. Họ sẽ đến Pakistan và lấy ngay các quả bom.

Ảnh hưởng đàm phán

Tất cả những xung đột từ quá khứ đến hiện tại có ý nghĩa như thế nào đến các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra?

Rõ ràng, các lãnh đạo Iran có khả năng giữ vững lập trường trong bối cảnh phải đối mặt với các mối đe dọa trong khu vực. Rõ rằng, đây là yếu tố ảnh hưởng xấu đến triển vọng về thỏa thuận toàn diện. Một thỏa thuận cuối cùng có thể giúp Tehran nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và do đó nước này sẽ được giúp đỡ trong trường hợp xảy ra căng thẳng với Islamabad.

Hai lựa chọn trên đang được Tehran cân nhắc. Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán thất bại, yếu tố Pakistan sẽ đóng vai trò nổi bật hơn bao giờ hết trong các tính toán hạt nhân của Iran.

An Bình
(Theo Diplomat)