Hệ lụy từ cao su
(Cadn.com.vn) - Cao su hiện là 1 trong 5 nguyên nhân gây mất rừng tại Việt Nam. Đó là một trong những vấn đề nóng được đặt ra tại hội nghị “Cây cao su-minh bạch, giải trình và phát triển bền vững” vừa tổ chức tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Từ thực trạng hiện nay tại một số huyện miền núi cho thấy chuyển đổi rừng sang trồng cao su trong những năm qua đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập liên quan đến quản trị rừng tại địa phương. Lãng phí đất đai, rừng đặc dụng bị lấn chiếm, nông dân thiếu đất sản xuất đang là vấn đề đáng báo động.
Nông dân chặt phá cao su chuyển sang trồng các loại cây lâm nghiệp khác. |
Lấn đất rừng trồng cao su
Là một trong số ít những tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển cây cao su Quảng Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển loại cây trồng này. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng việc mở rộng diện tích cây cao su trong những năm qua chưa thực sự mang lại hiệu quả mà còn bộc lộ nhiều bất cập. Có một thời gian tỉnh Quảng Nam đã đồng ý nhiều chủ trương liên quan đến mở rộng diện tích cây cao su. Tuy nhiên chính những chủ trương ấy lại trở thành “lá bùa” để các doanh nghiệp tự ý cơi nới, mở rộng diện tích đất rừng. Còn nhớ vào năm 2012 báo chí đồng loạt đưa tin về việc Cty Cao su Quảng Nam tự ý mở rộng diện tích hàng trăm héc-ta rừng từ thôn Cấm La đến Tứ Nhũ (xã Quế Lâm, H. Nông Sơn) khi chỉ mới có chủ trương. Sự việc trở thành nỗi bức xúc đối với người dân trong một thời gian dài. Trong khi các cơ quan chức năng cho rằng đây là rừng sản xuất, công ty cao su đang hoàn tất các thủ tục để khai hoang đất đai mở rộng diện tích cao su thì nhiều người dân lại khẳng định diện tích mà công ty cao su mở rộng có cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Sau 3 năm từ ngày hàng trăm ha đất rừng được trưng dụng để trồng cao su thôn Cấm La vẫn chưa thoát được chữ “nghèo”. Tuy đời sống người dân đã được nâng cao, đã có điện thắp sáng nhưng sinh kế của bà con cũng vô cùng chật vật bởi nơi đây là vùng núi cao, người dân chủ yếu sống nhờ rừng. Bà Nguyễn Thị Ba (tổ 2) cho biết: “Trước đây, khu vực này dầu rái là loại cây thoát nghèo của chúng tôi. Nhưng từ khi công ty cao su đến với nhiều qui hoạch mới thì diện tích cây dầu rái cũng thu hẹp dần. Các con tôi không còn việc làm ở quê nên cũng đi thành phố làm thuê làm mướn”. Còn ông Văn Công Tám lại ngán ngẩm: “Những tưởng có công ty cao su về chúng tôi sẽ có việc làm ổn định. Nhưng nay đất thì vẫn còn đó, cao su thì chỉ mới trồng được một phần diện tích trong khi dân chúng tôi chẳng có việc chi để làm. Không biết bao giờ mới hết cái cảnh ni”. Được biết, ngay trong diện tích 152ha đất bị cơi nới trồng cao su tại đây thì có đến 54ha là vùng rừng nguyên sinh trồng cây dầu rái hàng trăm năm nay. Không còn dầu rái nhiều người phải bỏ quê để tìm kế sinh nhai nơi khác.
Một cán bộ xã Quế Lâm cho biết: “Sự việc xảy ra khá lâu, hệ quả thấy rõ là cây cao su chưa giúp người dân làm giàu đâu cả mà thậm chí còn...nghèo thêm. Tuy nhiên đã là chủ trương được cấp phép thì địa phương cũng chỉ biết...làm theo”. Theo quy hoạch, thì đất trồng cao su trên địa bàn H. Đông Giang lên đến hơn 13 nghìn ha. Ông Phan Thanh Bình (Chủ tịch UBND xã Ba) cho biết: “Dự án trồng cao su trên địa bàn triển khai chậm vì vậy tuy đất đai đã được khai hoang nhưng nhiều chỗ vẫn bỏ trống không trồng. Đồng bào ở đây quanh năm chỉ biết làm nương rẫy nay đất đã “nhường”cho công ty cao su nên không còn đất canh tác. Hiện tại diện tích bỏ hoang trên địa bàn hơn 200ha trong khi người dân thiếu đất đai để sản xuất các loại cây khác”.
Được biết năm 2008, dự án trồng mới, chăm sóc cây cao su ở H. Đông Giang do Công ty CP Đầu tư và sản xuất Việt Hàn làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư 640 tỷ đồng, triển khai tại các xã Ba, Tư và Ating với tổng diện tích đất sử dụng 4.115ha . Tuy nhiên, thời điểm này công ty mới triển khai được 600ha; diện tích còn lại bị quy hoạch treo.
Từ những thực tế đó có thể thấy rằng việc cấp phép, mở rộng đầu tư trồng cao su tại tỉnh Quảng Nam đang có những bước đi lạc lõng, sai lầm. Bài học về việc mở rộng diện tích cao su quá nhiều dẫn đến thua lỗ phải chặt bỏ hàng trăm héc-ta cao su tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn rất mới. Rõ ràng việc mở rộng diện tích không đi liền với sự phát triển, thậm chí còn mang tới những hệ lụy không ngờ.
Mở rộng diện tích cao su trong khi giá cao su liên tục giảm khiến Quảng Nam |
Lao đao vì cao su
Thời vang bóng, khi giá cao su đạt ngưỡng hơn 7.000 USD/tấn, người trồng cao su trúng đậm. Từ “cái nôi” của cao su Quảng Nam như Tam Trà, Quế Lâm nông dân đổ xô chuyển sang canh tác cao su tiểu điền. Thế nhưng khi những vườn cao su bắt đầu lên xanh tốt thì cũng là lúc thị trường cao su “đứng bánh”. Trong vòng 3 năm qua đã có nhiều hộ trồng cao su tiểu điền trắng tay vì lỡ vay vốn trồng cao su. Còn các công ty cao su điêu đứng vì giá mủ cao su liên tục xuống thấp trong khi vẫn phải duy trì hoạt động chăm sóc.
Nhiều hộ dân trồng cao su tiểu điền trên địa bàn Nông Sơn, Hiệp Đức hiện đang điêu đứng vì cao su rớt giá, không đủ chi phí thuê nhân công khai thác trong khi phải tốn công và phân bón chăm sóc cao su. Ông Lê Văn Lân (Điều phối viên chương trình Forland - Liên minh về đất rừng) cho biết: “Sở dĩ xảy ra nghịch lý đất rừng không ngừng được mở rộng để trồng cao su trong khi người dân lại thiếu đất canh tác hoặc bỏ hoang cao su bởi có quá nhiều thông tư, chính sách về qui hoạch cao su. Bản thân các địa phương trong đó có cả Quảng Nam vô cùng bối rối trước hàng loạt những thay đổi về chính sách thông tư, chưa kịp thích nghi với chính sách này đã phải đón nhận thông tư mới. Cụ thể từ năm 2007-2009 có tất cả 9 chính sách, thông tư liên quan đến cây cao su. Để theo kịp địa phương bắt buộc phải mở rộng diện tích đất canh tác cao su trong khi lợi nhuận bấp bênh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đất đai hoang hóa, lãng phí tại một số địa phương có cao su”.
Trước những số liệu thực tế và vấn đề quản lý rừng đặt ra tại Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất việc cần phải có một chiến lược lâu dài cho loại cây trồng này. “Giai đoạn này Quảng Nam đang đối diện với nhiều khó khăn nên việc mở rộng diện tích cao su rủi ro rất cao. Diện tích cây cao su có thể không mở rộng nhưng năng suất cần được tăng lên để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng cao su và khuyến khích đa dạng hóa nguồn thu nhập bằng cách trồng xen canh hoặc chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần đầu tư sản xuất thành phẩm cao su để nâng giá trị gia tăng cho ngành cao su và tăng tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước theo nhu cầu thị trường, phát triển theo hướng bền vững”.
Đồng Dao