Hệ lụy từ nghiện game

Thứ sáu, 19/02/2016 11:10

(Cadn.com.vn) - Dù đã ban hành nhiều quy định về quản lý, cung cấp dịch vụ Internet, Đà Nẵng đã phần nào siết chặt quản lý về loại hình này, nhưng đằng sau các quán dịch vụ Internet vẫn còn nỗi lo khi trẻ em bỏ học, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng.

Khi nghe tin nhà trường báo về con bị đình chỉ thi học kỳ I, chị L.T.H (40 tuổi, trú Q. Sơn Trà) như ngã ngửa vì không tin đó là sự thật. “Từ trước đến nay nó rất hiền, ngoan, đi học đều đặn. Dạo gần đây nó có xin tiền nhiều, bảo là đi học thêm môn nọ môn kia, ai dè...” - chị H. nói trong nước mắt. Chị H. cho biết, chị làm nghề buôn bán quần áo sỉ cho các chợ nên công việc rất bận rộn. Chồng chị làm lái xe đường dài nên cũng đi suốt. Công việc bận rộn nên chị ít có thời gian để ý đến việc học của con. Hơn nữa, từ lớp 1 đến lớp 8, cu Bin đều là học sinh khá và được đánh giá là ngoan. Khi gặp và trao đổi với cô giáo, chị mới biết Bin dạo này giao du với đám bạn xấu và thường xuyên đến các quán Internet chơi game.

Mới sáng sớm, các game thủ đã “cày”.

Cũng vì nghiện game mà N.V.H (22 tuổi, trú Q. Ngũ Hành Sơn) đã phải trả giá bằng cả quãng đời tuổi trẻ khi phải ngồi sau song sắt nhà tù. H. cho biết từ nhỏ đã rất mê chơi game online trong các quán Internet. Để có tiền chơi game, H. đã bỏ học và xin làm bảo vệ tại một siêu thị. Vì công việc quá vất vả, thu nhập chẳng bao nhiêu nên H. nghĩ đến việc đi ăn cắp. Đối tượng H. nhắm đến không ai xa lạ chính là gia đình, hàng xóm. Khi bị phát hiện đang trộm đồ nhà chị T., H. đã chém chị gây thương tích nặng. Và hình phạt thích đáng dành cho H. khi bị TAND Đà Nẵng tuyên phạt mức 12 năm tù cho các tội danh “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản”, đồng thời phải bồi thường cho người bị hại 50 triệu đồng.

Theo thông tin từ UBND thành phố, trong giai đoạn 2009-2015, Đà Nẵng có hơn 300 học sinh bỏ học, đã được vận động trở lại lớp và hơn 600 em bỏ học chuyển sang học nghề hoặc học bổ túc. Điều đáng nói, số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ở Đà Nẵng thời gian qua chủ yếu tập trung ở đối tượng có văn hóa thấp. Theo thống kê của CATP Đà Nẵng, trong tổng số hơn 1.800 đối tượng vi phạm pháp luật thì có hơn 300 em chỉ tốt nghiệp cấp II, 97 em có trình độ bậc tiểu học và 12 em chưa biết chữ. “Ham chơi, nghiện game là một trong những nguyên nhân dẫn đến các em bỏ học. Người thành niên vi phạm pháp luật bỏ học chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng” - ông Đặng Ngọc Việt, Phó Phòng CSHS cho biết tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng vừa qua.

Các thanh thiếu niên nghiện game dễ dẫn đến bỏ học.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, đến nay, thành phố có hơn 1.000 điểm cung cấp dịch vụ Internet và dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Nhiều ý kiến cho rằng, trẻ em 14 tuổi sử dụng dịch vụ Internet tại các quán net thì phải có người giám hộ. Tuy vậy, hiện nay rất khó có phụ huynh nào giám hộ khi con đi chơi game, đó là chưa kể phần lớn các em nói dối để đi chơi nên phụ huynh rất khó biết được. “Mấy đứa nhỏ đến thì tụi tui cho vào chơi để thu tiền chứ làm sao mà hạch hỏi chúng được. Ngoài ra, chúng tôi đâu biết giờ đó nó được nghỉ học hay đi học mà không cho chơi” - bà T., chủ quán Internet trên đường Ông Ích Khiêm cho biết. Theo quan sát của chúng tôi, mới 5 giờ, nhiều quán Internet trên đường Ông Ích Khiêm, Lê Duẩn... đã mở cửa và thu hút khá đông các bạn nhỏ đến, chủ yếu là để “cày game”.

Để quản lý hoạt động này, từ năm 2005 đến nay, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành 3 quy định về quản lý, cung cấp dịch vụ Internet và trò chơi điện tử công cộng. Đặc biệt, quy định đã phân cấp mạnh cho quận, huyện để chủ động kịp thời trong quản lý và xử lý vi phạm. Ông Trần Ngọc Thạch - Trưởng phòng Viễn thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hằng năm đơn vị đều tổ chức thanh kiểm tra (khoảng trên dưới 200 điểm cung cấp dịch vụ/năm) để hướng dẫn và xử lý các chủ dịch vụ lưu trữ, cho phép người dùng truy cập, xem phim, đọc các nội dung mê tín dị đoan, đồi trụy... “Từ năm 2013, chúng tôi áp dụng giải pháp kỹ thuật trong các điểm kinh doanh công cộng qua việc triển khai phần mềm giám sát trực tuyến tình hình sử dụng dịch vụ tại các điểm công cộng. Qua đó, chúng tôi có thể biết được điểm cung cấp dịch vụ hoạt động quá giờ quy định vào ban đêm để chấn chỉnh, xử phạt kịp thời, hạn chế các em chơi game quá nhiều, qua đêm” - ông Thạch nói. Theo ông Thạch, để hạn chế tác động tiêu cực của Internet và các trò chơi đến trẻ em thì cần có sự vào cuộc tham gia tích cực của nhà trường, phụ huynh và tổ chức xã hội như đoàn thanh niên.

Bài, ảnh: Mộc Miên