Khi giới trẻ nghiện game
(Cadn.com.vn) - Thu hút người chơi bởi đồ họa sống động, nhân vật, tình tiết được dàn dựng công phu… game online trở thành một trong những loại hình giải trí thu hút giới trẻ. Ban đầu chỉ là chơi cho đỡ buồn, song nhiều người sau đó "nghiện", khiến kết quả học tập sa sút, thay đổi nhân cách, lối sống, trở thành những kẻ bạo lực, côn đồ, thậm chí là hoang tưởng…
Từ cho đỡ buồn...
Thâm nhập một vòng vào những quán internet dọc đường Tôn Đức Thắng, Âu Cơ, Phạm Như Xương… tại Đà Nẵng, chúng tôi chứng kiến nhiều tiệm internet trở thành một "giảng đường" game nhộn nhịp. Dù đã gần 12 giờ trưa, nhưng các "game thủ" vẫn miệt mài bên màn hình vi tính với những game online ăn khách như: Kiếm thế, Tam Quốc, Thần long huyết kiếm, FiFa... Tiệm internet Hoàng Nhi trên đường Phạm Như Xương là một căn phòng nhỏ hẹp, với hơn 20 chục máy tính và chia thành bốn dãy nhưng kín mít game thủ đang dán mắt vào màn hình. Thỉnh thoảng các games thủ lại văng tục trong căn phòng nồng nặc mùi thuốc lá.
Game thủ H. Quang Nhật (sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng- Trường ĐH Bách Khoa ĐN, thành viên game Tam Quốc khoe: "Mình chơi trò này hơn 5 tháng nay rồi. Ban đầu nghe thằng bạn giới thiệu định chơi cho vui thôi, nhưng càng lúc càng mê, không muốn bỏ. Bây giờ cũng vậy cứ đi học về mình lại "bay" ngay đến tiệm net để "chiến đấu" chứ ở phòng trọ chán lắm. Tam Quốc là thể loại game nhập vai, mình xây dựng lực lượng, rồi đi công thành, chiếm đất. Chơi game giúp giảm căng thẳng, lúc đói thì mua bánh mì ăn, mệt thì ngủ, cứ để chế độ auto cho nhân vật tự hoạt động. Ăn ngủ xong lại "chiến" tiếp. Như mình đây còn đỡ, lớp mình có nhiều đứa học thấy chán là lại cúp tiết đi chơi game cho đỡ buồn".
Nhiều sinh viên năm nhất từ quê mới nhập học, "lạ nước lạ cái" lại chưa quen với môi trường học tập đại học nên sẽ không thể tránh khỏi chán nản, thất vọng. Họ tìm đến game để giải trí nhưng chơi nhiều thành quen, càng chơi lại càng nghiện. Trường hợp Văn Trường (quê Tam Kỳ, Quảng Nam, sinh viên năm 1, ngành Công nghệ thông tin- ĐH Sư phạm) là một ví dụ. Mỗi lần học cứ thấy bạn nhắn tin: "Team (từ ngữ dùng trong trò chơi đột kích của hãng VTC) đang thiếu người, ra liền nhé". Thế là Trường nhấp nhổm không yên, chuồn tiết ra quán net hội họp với chiến hữu. Những cảnh bắn, giết trong game Đột kích (Cross Fire) dường như đã trở thành thói quen đối với cậu sinh viên năm nhất này, không có là khó chịu.
Game thủ miệt mài "cày" game trực tuyến bên máy tính. |
...Đến tiền mất tật mang
Nhiều sinh viên trong dãy trọ thường lập hội chơi game online "độ". Ban đầu chỉ là cử cà-phê, cơm trưa, dần dần là cảnh xách xe máy, giấy tờ tùy thân… "cắm" tạm tiệm cầm đồ. Như con thiêu thân, họ đốt sức khỏe, thời gian, tiền bạc của mình vào những trò chơi thâu đêm suốt sáng. Hôm sau đến lớp gật gà gật gù, tiếp thu bài kém, kết quả học tập sa sút. Tuấn (sinh viên năm 4 ĐH Sư phạm) chia sẻ về người bạn tên Tiến: "Hồi năm nhất, Tiến học giỏi lắm, được nhận học bổng khuyến khích học tập của trường, bạn bè ai cũng quý. Nhưng từ khi biết đến game online thì ngày đêm ngồi ở quán. Để có tiền chơi game, lần lượt điện thoại, giấy tờ tùy thân… "cõng" nhau sang tiệm cầm đồ. Học kỳ I, năm 2 Tiến được nhà trường ra quyết định đuổi học. Giờ đi làm công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh!".
Thực tế, để có tiền nạp card chơi game, nhiều sinh viên đã phải nói dối bố mẹ dưới quê là lấy tiền mua sách, nộp học phí, hay ăn uống kham khổ… Tuấn Anh (SV năm 2, Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng), gắn bó với game Kiếm thế được một năm, chia sẻ: "Chơi game online một ngày mất ít nhất từ 80 đến 200 nghìn đồng, chưa kể ăn uống…". Để có tiền sắm sửa cho nhân vật của mình, các nhà sản xuất đều cho phát hành các thẻ với mệnh giá trung bình từ 50- 100 cao hơn từ 200- 300 nghìn đồng tùy vào game. Tùng (SV Trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch) bộc bạch: "Một ngày mình chơi game mất 100 nghìn đồng. Nhiều khi giữa tháng nhẵn túi, đành cầm cố thẻ sinh viên với chứng minh, chờ ông bà già phụ cấp rồi lại chuộc thẻ ra".
Đã có rất nhiều vụ án xảy ra mà nguyên nhân chính là do nghiện game online, thủ phạm do không có tiền chơi game nên sinh ra trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người mà trường hợp Nguyễn Vỹ Hùng bị tòa án tuyên phạt 12 năm tù giam về tội giết người, cướp tài sản khi chưa đủ 18 tuổi là một ví dụ.
Nhằm hạn chế tác hại của games olines, các trường nên tổ chức các hoạt động giải trí như thể dục, thể thao, tham gia các CLB đội nhóm, hoặc những hoạt động do Đoàn tổ chức. Bên cạnh đó, nhà trường, gia đình cần quan tâm tuyên truyền, giáo dục, giúp các sinh viên xa nhà nhận thức đúng đắn về tác hại của internet, game online… nhằm tránh những hệ lụy mà trò chơi này mang đến.
Việt Thành