Hệ lụy từ vụ Trung - Mỹ “chạm trán” trên không

Thứ ba, 26/08/2014 09:09

(Cadn.com.vn) - Có nhiều hệ lụy nguy hiểm từ việc máy bay Mỹ và Trung Quốc chạm trán trên bầu trời của Bắc Kinh, trong đó có thể gây ảnh hưởng cuộc gặp thượng đỉnh Obama - Tập Cận Bình vào tháng 11 tới.

Máy bay chiến đấu Trung Quốc trong ngày chạm trán máy bay giám sát P-8 của Mỹ. Ảnh: AFP

Một cuộc khẩu chiến mạnh mẽ đã bùng nổ xung quanh vụ việc hai máy bay của Mỹ và Trung Quốc chạm trán trên bầu trời cách đảo Hải Nam 220km về phía đông.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 25-8 chỉ trích Mỹ về những gì họ gọi là “hoạt động gián điệp” chống lại Bắc Kinh sau “cuộc gặp gỡ nguy hiểm” hôm 19-8 này. Đặc biệt là tờ Global Times - ấn phẩm thuộc People Daily cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đăng tải bài viết chỉ trích hoạt động do thám của Lầu Năm Góc “trên các vùng duyên hải và không phận Trung Quốc”. Trong khi đó, tờ China Daily cáo buộc Mỹ phá hoại sự tin tưởng lẫn nhau, nói rằng mối quan tâm của Washington về sự trỗi dậy của Bắc Kinh là “tâm lý tạo ra kẻ thù để bù đắp cho cảm giác mất mát sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”.

Đây là những bài viết nhằm phản bác lại cáo buộc của phát ngôn viên Lầu Năm Góc, thiếu tướng John Kirby hôm 22-8 về việc máy bay chiến đấu có trang bị vũ khí của Trung Quốc 3 lần tiến sát máy bay do thám P-8 Poseidon của Mỹ, chỉ cách chưa đầy 9m, trong động thái mà ông xem là “cuộc ngăn chặn hết sức nguy hiểm”. Ông Kirby khẳng định, việc đánh chặn như thế này đặt ra nguy cơ cao đối với sự an toàn của phi hành đoàn và không phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhà Trắng sau đó gửi công hàm phản đối chính thức, trong đó gọi đây là hành động khiêu khích đáng lo ngại bởi vụ việc xảy ra tại khu vực thuộc không phận quốc tế. Phía Mỹ còn cho rằng, vụ này làm xói mòn những nỗ lực tăng cường quan hệ Mỹ-Trung.

Đáp trả, truyền thông Trung Quốc cảnh báo, Bắc Kinh có thể coi các chuyến bay do thám của Mỹ là “hành động thù địch”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi Mỹ giảm và dần dần ngừng các hoạt động trinh sát tầm ngắn chống lại Bắc Kinh sau khi người phát ngôn Dương Vũ Quân khẳng định, những cáo buộc của Mỹ là “hoàn toàn vô căn cứ”. Theo ông Dương, “máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đang trong cuộc hành trình kiểm tra nhận dạng như thường lệ, duy trì cự ly an toàn với máy bay Mỹ.

Mặc dù việc máy bay Mỹ giám sát trên bầu trời Trung Quốc là rào cản lớn trong mối quan hệ vốn không mấy êm ả giữa hai nước, nhưng hiếm khi Bắc Kinh thúc giục Washington phải ngừng các hoạt động này một cách mạnh mẽ và trực tiếp như lần này. Vì sao Bắc Kinh lại mạnh miệng như thế? Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân không chỉ là do sức mạnh quân sự Trung Quốc đang được củng cố mà còn do Bắc Kinh lo lắng về chính sách “tái xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ.

Sự cố lần này khiến Mỹ-Trung nhắc nhở về vụ va chạm giữa một máy bay chiến đấu Trung Quốc và máy bay giám sát EP-3 của Mỹ cũng ở gần đảo Hải Nam vào năm 2001, trong đó các phi công Trung Quốc thiệt mạng và máy bay Mỹ buộc phải hạ cánh khẩn cấp. Chính quyền Trung Quốc bắt giữ 24 thành viên phi hành đoàn của Mỹ trong hơn một tuần cho đến khi cả hai đồng ý một thỏa thuận thả tự do cho những người này.

Washington và Bắc Kinh từ lâu bất đồng về các hoạt động giám sát trên không và các quyền hàng hải trong khu vực chiến lược ở biển Đông, tuyến đường vận chuyển quan trọng, mà Bắc Kinh gây chỉ trích khi tuyên bố gần như toàn bộ vùng biển này. Để gỡ rối, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 11 tới. Nhưng vụ khẩu chiến lần này có thể ảnh hưởng đến chương trình nghị sự này.

Khả Anh