Hé mở "thí nghiệm nhịn đói" trong Thế chiến II

Thứ năm, 23/01/2014 13:33

(Cadn.com.vn) - Trong Thế chiến II, nhiều người phản đối chiến tranh ở Mỹ và Anh được yêu cầu làm tình nguyện viên cho các nghiên cứu y học. Trong một dự án ở Mỹ, những người đàn ông trẻ bị bỏ đói trong 6 tháng để giúp các chuyên gia tìm cách cứu chữa cho những nạn nhân chết đói hàng loạt ở Châu Âu.

Năm 1944, Marshall Sutton, một thanh niên 26 tuổi đầy lý tưởng, người muốn thay đổi thế giới theo hướng tốt hơn, kiên quyết phản đối cuộc chiến. Anh từ chối chiến đấu nhưng vẫn khao khát có cơ hội giúp đỡ đất nước. "Tôi muốn trải qua những đau khổ trên thế giới tại thời điểm đó. Tôi muốn làm điều gì đó cho xã hội. Tôi muốn đặt mình vào một chút nguy hiểm", Sutton cho biết.

Ước vọng của Sutton thành hiện thực khi anh tình cờ đọc được lời kêu gọi mọi người trở thành tình nguyện viên trong thí nghiệm y học tại Đại học Minnesota.... Vào thời điểm đó, hầu hết mọi người Châu Âu - ở Hà Lan, Hy Lạp, ở Đông Âu và Liên Xô - đều sắp bị chết đói và quân đội Mỹ muốn tìm hiểu cách tốt nhất để cứu chữa. Hàng trăm người phản đối chiến tranh (COS) sẵn sàng giúp đỡ thí nghiệm này.

Những tình nguyện viên tham gia vào thí nghiệm. Ảnh: BBC

Bị bỏ đói trong 6 tháng

Thí nghiệm bắt đầu vào tháng 11-1944. Trong 3 tháng đầu tiên, họ được cho ăn thoải mái để đạt mức cân nặng tối đa. Sau đó, khẩu phần ăn giảm đi đáng kể. Thực phẩm nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh. "Tôi đã ăn những gì tôi có trong khoảng 3 phút và ra khỏi nơi đó. Tôi không muốn ở lại", Sutton nói, nhớ lại bữa ăn trong căng-tin.

Những người tham gia thí nghiệm ăn 2 lần/ngày, thường là bắp cải, củ cải và một nửa cốc sữa. Vào ngày khác, họ ăn lúa mạch đen, bánh mì và một số loại đậu. Giống như nhiều người đói ở Châu Âu, những người này không bao giờ được ăn thịt. Khẩu phần ăn chỉ ở mức 1.800 calo hoặc ít hơn.

Sutton nhớ một lần, khi ông mang theo khẩu phần ít ỏi của mình trong một túi giấy và đưa bạn gái đi ăn tối tại nhà hàng đắt tiền nhất ở Minneapolis: "Tôi muốn đưa cô ấy đến một nhà hàng chỉ để nhìn cô ấy ăn... nhưng khi người phục vụ mang thực phẩm đến, cô ấy không thể ăn một mình. Chế độ ăn càng ngày càng ít đi".

Trong 6 tháng, họ bị bỏ đói, phải đi bộ hoặc chạy 36km/tuần, vượt quá 1.000 calo mà họ tiêu thụ mỗi ngày. Nhiều người không chịu nỗi. 3 người xin rút khỏi thí nghiệm. Những người còn lại bị mất khoảng 25% trọng lượng, nhiều người thiếu máu, sưng mắt cá chân, cũng như mệt mỏi và kiệt sức. Họ chỉ còn xương bọc da, chân gầy bằng tay. Ngoài ra, đói còn tác dụng đến tâm lý. Mọi người lo lắng và chán nản và tìm cách thích ứng theo những cách khác nhau.

Có người đọc sách pháp luật. Sutton đọc triết học và thần học. Những người khác phải vật lộn, đôi khi lén ăn thức ăn trước khi trở nên chán nản với cảm giác tội lỗi. Một người đàn ông thậm chí cắt đứt một ngón tay của mình trong khi cưa gỗ và không thể giải thích vì sao lại làm như vậy. Thí nghiệm vẫn được coi là một nguồn tham khảo của các học giả nghiên cứu về rối loạn dinh dưỡng và ăn uống, và đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề tâm lý ảnh hưởng thế nào đến việc điều trị cho một đối tượng đói lâu ngày.

Đã quá muộn

Tuy nhiên, dự án có vẻ như đã quá muộn. Trong khi thí nghiệm vẫn tiếp tục, lần lượt từng trại tập trung của Đức Quốc xã được giải phóng.

Phóng viên BBC tên Edward đến trại tập trung Buchenwald vào tháng 4-1945, 7 ngày sau khi nó được giải phóng. "Một Người Do Thái hốc hác, mắt trũng sâu, đi khập khiễng. Ông này mở cửa của tủ lớn, bên trong có khoảng 20 xác chết chất đống. Các tù nhân được giải thoát khỏi các trại tập trung của Đức Quốc xã, nhưng đã quá muộn".

Kết quả của thí nghiệm có thể cũng đã quá muộn đối với nhiều nạn nhân của Thế chiến II, nhưng nó vẫn có thể giúp đỡ người khác. Năm 1946, các nhà nghiên cứu phát hành một cuốn sách hướng dẫn cho nhân viên cứu trợ về cách điều trị cho những nạn nhân bị đói lâu ngày. Vài tháng sau đó, những người  ở Minnesota được ăn uống trở lại. Phải mất vài tháng, thậm chí vài năm sau, những người tham gia thí nghiệm mới được trở về nhà, sau khi đã hoàn toàn hồi phục.

Giống như hầu hết các tình nguyện viên, Sutton sau đó quay trở lại cuộc sống bình thường. Ông làm việc tại Gaza với những người tị nạn vào năm 1949 và sau đó tham gia vào dự án Quaker ở Mỹ. Giờ đây, ông đã 95 tuổi và đang sống trong cộng đồng Quaker ở Baltimore. 70 năm trôi qua, ông cảm thấy vui và vinh dự vì việc làm của mình.

An Bình

(Theo BBC)