Hệ quả Yasukuni

Thứ ba, 31/12/2013 08:15

(Cadn.com.vn) - Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến ngôi đền vinh danh tội phạm chiến tranh Yasukuni vẫn đang làm điên đảo nền chính trị Đông Bắc Á.

Đền Yasukuni, nơi thờ cúng các tội phạm chiến tranh loại A, là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản từng gây ra những tai họa khủng khiếp cho toàn Châu Á. Trong động thái phản ứng mạnh mẽ nhất, Trung Quốc ngày 30-12 tuyên bố sẽ không tổ chức đối thoại với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho đến khi ông “thừa nhận những sai lầm” khi đến thăm đền Yasukuni hồi tuần trước.

Các nhà hoạt động Hàn Quốc biểu tình phản đối chuyến thăm đền Yasukuni
của Thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: AFP

TRUNG, TRIỀU, HÀN “TRẤN ÁP” NHẬT

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cũng không ngần ngại đổ lỗi cho ông Abe làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước và rằng, chính Thủ tướng Nhật Bản “tự đóng cánh cửa đối thoại” với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trong khi đó, Triều Tiên chỉ trích chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản coi đó “chẳng khác nào lời tuyên chiến với các dân tộc ở Châu Á và phần còn lại của thế giới”. Từ Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun-Hye ngày 30-12 bày tỏ hy vọng, năm tới sẽ không xảy ra các vụ việc khoét sâu vào “những vết thương quá khứ” và gây phương hại tới sự tin cậy của cộng đồng quốc tế. Mặc dù không đề cập đến Nhật Bản hoặc chỉ đích danh Thủ tướng Shinzo Abe, song bình luận trên của bà Park Geun-Hye dường như ám chỉ chuyến thăm đền Yasukuni gây tranh cãi hồi tuần trước của Thủ tướng Abe.

Căng thẳng Trung - Nhật: AI TIẾP CẬN THÔNG MINH NHẤT?

Yasukuni như là “giọt nước làm tràn ly” trong mối quan hệ vốn đã rất căng thẳng giữa Trung-Nhật, khiến một chuyên gia nói rằng, Bắc Kinh đang thực hiện cách tiếp cận thông minh hơn.

Căng thẳng giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới bùng lên trong những năm gần đây do tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, làm gián đoạn thương mại giữa hai quốc gia. Gần đây, việc Bắc Kinh tự tuyên bố Vùng Xác định Phòng không (ADIZ) càng như “đổ thêm dầu vào lửa”. Và chuyến thăm gây tranh cãi của ông Abe tới đền Yasukuni ở Tokyo chính là đỉnh điểm của những căng thẳng đến nỗi Bắc Kinh thẳng thừng tuyên bố: “Người Trung Quốc không hoan nghênh ông Abe”.

Không chỉ hứng chỉ trích từ các đối thủ tiềm tàng, thậm chí Mỹ - đồng minh thân cận của Nhật Bản - và cả Singapore, cũng tỏ ý “thất vọng” đối với nhà lãnh đạo Abe. Thông qua vụ việc, giới chuyên gia cho rằng, “giới lãnh đạo Trung Quốc có vẻ thông minh và sắc sảo hơn ông Abe trong những vấn đề nhạy cảm này”. Việc Nhà Trắng chỉ trích ông Abe mang lại cho Trung Quốc cơ hội để  “bình tĩnh và lùi lại”. Vì vậy, có vẻ như Trung Quốc đang có “một chút thông minh hơn” về điều này trong khi ông Abe lại có “một chút chơi”. “Bắc Kinh đang suy nghĩ, khi Mỹ chỉ trích ông Abe, chúng ta nên đung đưa (ông Abe) trong gió”, một chuyên gia nhận định.

Nhưng sự hồi sinh căng thẳng chính trị có thể đe dọa sự phục hồi quan hệ thương mại giữa hai nước tại một thời điểm khi số lượng xuất khẩu là quan trọng nhất đối với Nhật Bản khi Tokyo đang có kế hoạch đầy tham vọng là kéo nền kinh tế ra khỏi vũng lầy hơn một thập kỷ giảm phát. Phục hồi mạnh mẽ trong xuất khẩu tạo đà tốt cho chính sách Abenomics, nhưng vị thủ tướng cứng rắn này phải đối mặt với một số trở ngại trong năm 2014, bao gồm cả việc tăng thuế tiêu thụ dự kiến vào tháng 4 và giảm chi tiêu hộ gia đình khi giá tiêu dùng đang tăng.

Theo giới phân tích, quyết định đến thăm đền Yasukuni của ông Abe là nhằm mục đích thúc đẩy sự ủng hộ từ những người ủng hộ cánh tả. “Các cuộc thăm dò trong nước cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của ông Abe đang đi xuống, vì vậy vị chính trị gia này đang cố gắng giành niềm tin từ cánh tả Nhật Bản”, chuyên gia Zweig nói.

Khả Anh