Hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn ở Quảng Ngãi: 50% không đạt hiệu quả (2)
* Kỳ cuối: Cần một mô hình hiệu quả và bền vững
(Cadn.com.vn) - Đầu tư xây dưng nhiều, nguồn vốn lớn nhưng hiệu quả sử dụng của các công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn (HTCNSHNT) ở Quảng Ngãi lại rất kém. Nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện các công trình dân sinh đầy ý nghĩa này đã xảy ra quá nhiều sai phạm về thủ tục đầu tư, giá trị khối lượng đầu tư xây dựng công trình…
Qua thanh tra cho thấy, các địa phương được đầu tư xây dựng công trình HTCNSHNT chưa thực hiện đúng quy định phân cấp thẩm quyền về quản lý đầu tư, xây dựng, khai thác, sử dụng các công trình NSHNT theo quy định của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể, tại H. Bình Sơn, giao cho UBND xã là chủ đầu tư 6 công trình; H. Đức Phổ giao UBND xã chủ đầu tư 10 công trình; H. Sơn Hà, giao Phòng NN&PTNT chủ đầu tư 1 công trình, UBND xã chủ đầu tư 10 công trình; H. Sơn Tây, giao Phòng NN&PTNT làm chủ đầu tư 2 công trình, UBND xã chủ đầu tư 9 công trình; H. Trà Bồng, giao UBND xã chủ đầu tư 15 công trình. Từ việc làm trái quy định trên dẫn tới hậu quả, hầu hết các chủ đầu tư trước khi tiến hành lập dự án, đều tiến hành chọn tư vấn khảo sát để tổ chức khảo sát lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế dự toán đầu tư xây dựng công trình.
Công trình hồ chứa nước Thới Lới (trên huyện đảo Lý Sơn) đang có nguy cơ hư hỏng. |
Một sai phạm nghiêm trọng đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong các dự án công trình nước sinh hoạt là, hầu hết các công trình khi lập dự án không lấy mẫu nước để thí nghiệm theo quy định của Bộ Y tế. Tiếp đó, trong giai đoạn thực hiện đầu tư, nhất là đối với các công trình nước tự chảy ở miền núi, nhiều công trình qua khảo sát, thiết kế khẳng định lượng nước đến cung cấp đủ cho số hộ dân theo thiết kế. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các công trình bị thiếu nước trong mùa nắng. Hầu hết các công trình không có thiết kế cọc mốc dẫn tuyến, không có hành lang bảo vệ công trình, nên qua thời gian sử dụng, đất đá vùi lấp, cây cỏ mọc che khuất không xác định được tuyến ống trong quá trình quản lý, vận hành và sửa chữa khi đường ống hư hỏng.
Qua thanh tra, đã xác định giá khối lượng sai phạm của 107 công trình HTCNSHNT với tổng số tiền là 1.663.458.000 đồng, trên tổng số gần 82 tỷ đồng đầu tư xây dựng. Trong đó, Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư 2 công trình tổng mức đầu tư 5.921,372 triệu đồng, sai phạm 33,522 triệu đồng; Trung tâm NSH-VSMTNT làm chủ đầu tư 12 công trình, với mức đầu tư 12.938,411 triệu đồng, sai phạm 46,504 triệu đồng; các phòng ban thuộc UBND các huyện làm chủ đầu tư 31 công trình, mức đầu tư 28.305,714 triệu đồng, sai phạm 394,051 triệu đồng; UBND các xã chủ đầu tư 67 công trình, mức đầu tư 34.653,830 triệu đồng, sai phạm 1.189,381 triệu đồng. Nguyên nhân của việc sai phạm là lập dự toán khối lượng, diện tích... lớn hơn thiết kế, thực tế thi công không như thiết kế...
Ngày 27-8-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Kết luận Thanh tra số 3759, trong đó nêu rõ việc xử lý các sai phạm và biện pháp khắc phục đối với các công trình HTCNSHNT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Về xử lý kinh tế, quyết định thu hồi toàn bộ số tiền sai phạm nộp vào ngân sách Nhà nước. Xử lý và kiểm điểm trách nhiệm, yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT, Trung tâm NSH-VSMTNT, Chủ tịch UBND các huyện, Chủ tịch UBND các xã, các Chủ đầu tư thuộc UBND từng huyện và các đơn vị có liên quan, căn cứ kết quả thanh tra về thực trạng và hiện trạng quản lý, sử dụng các công trình HTCNSHNT còn hoạt động một phần, ngừng hoạt động trên từng địa bàn từng huyện, từng xã và kết quả thanh tra toàn diện về thủ tục, giá trị khối lượng đầu tư xây dựng 107 công trình có sai phạm...
Làm rõ trách nhiệm sai phạm ở từng khâu, từng hạng mục, từng công trình trong thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác công trình, để có hình thức xử lý cụ thể hoặc đề xuất xử lý đối với từng trường hợp vượt thẩm quyền theo quy định pháp luật. Về biện pháp khắc phục, xử lý và xây dựng mới các công trình CNSHNT trong thời gian đến, theo UBND tỉnh đó là xác định mô hình quản lý, vận hành công trình HTCNSHNT phù hợp với đặc điểm, quy mô của từng loại hình công trình theo hướng bền vững và hiệu quả.
Hồng Thanh