Hệ thống đường sắt đầy chết chóc của Ấn Độ
(Cadn.com.vn) - Ít nhất 148 người thiệt mạng trong vụ tai nạn đường sắt ở Ấn Độ hôm 20-11. Vụ tai nạn đường sắt chết chóc nhất Ấn Độ kể từ năm 2010 này một lần nữa khiến mọi người đặt câu hỏi, mạng lưới đường sắt rộng lớn của đất nước được đầu tư và bảo trì như thế nào. Theo Cựu Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Dinesh Trivedi, hệ thống đường sắt nước này cần một “thay đổi mang tính thế hệ”.
Huyết mạch của quốc gia
Được gọi là “huyết mạch của quốc gia,” mạng lưới đường sắt rộng lớn của Ấn Độ có 12.000 chuyến hoạt động mỗi ngày với tổng chiều dài đoạn đường có thể gấp 1,5 lần đường xích đạo. Mạng lưới này chở hơn 23 triệu hành khách mỗi ngày, tương đương với việc đi lại của toàn bộ dân số Australia, và kết nối 8.000 ga trên khắp đất nước.
Nhưng đó lại là một trong những mạng lưới đường sắt cũ kỹ nhất thế giới - được thực dân Anh xây dựng cách đây 163 năm - và không được nâng cấp thường xuyên. Hệ thống này luôn bị chỉ trích là không hiệu quả, quá tải và không an toàn. “Hệ thống này chịu áp lực quá lớn và tác động trực tiếp đến sự an toàn của các đoàn tàu”, Debolina Kundu, giáo sư tại Viện các vấn đề đô thị Quốc gia, cho biết. Theo bà Kundu, nhiều tàu mới được đưa vào sử dụng, trong khi các tàu “quá tuổi” vẫn tiếp tục hoạt động, và tăng số chuyến, gây áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt. “Hầu hết các cầu cống, hầm đã quá hạn sử dụng và suy yếu”, bà Kundu cho biết.
Ấn Độ cần nâng cao nhận thức của người dân về an toàn đường sắt. Ảnh: CNN |
Những con số gây sốc
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Tội phạm quốc gia, đáng kinh ngạc, có đến 27.581 người chết trong các vụ tai nạn đường sắt ở Ấn Độ vào năm 2014. Nhiều người trong số này thiệt mạng do băng qua đường sắt. Người dân địa phương thường xuyên băng qua đường sắt ở bất cứ nơi nào họ cảm thấy thuận tiện. Các chuyên gia cho rằng cần giáo dục cho người dân về nơi và cách băng qua đường sắt an toàn, nhưng thực tế là, với nhiều người sống gần đường sắt, đây là một trận chiến khó khăn.
Trong khi số vụ tai nạn đường sắt cao hơn nhiều so với các quốc gia khác, nhưng số vụ tai nạn nghiêm trọng đã giảm mạnh kể từ đầu những năm 1990 đến nay.
Đầu tư kém
Một trong những nguyên nhân khiến hệ thống đường sắt Ấn Độ gặp khủng hoảng tài chính là việc chính phủ bao cấp giá vé, để hàng triệu người nghèo Ấn Độ có thể đi lại bằng đường sắt. Việc này dẫn đến thiếu hụt kinh phí để bảo trì.
Năm ngoái, Nhật Bản và Google đã công bố khoản đầu tư lớn xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên của Ấn Độ cũng như phủ sóng Wifi tại hàng trăm nhà ga. Trong Sách Trắng công bố hồi tháng 2-2015, Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Suresh Prabhu thừa nhận thiếu hụt tài chính để đầu tư nâng cấp. “Đường sắt Ấn Độ đã không được đầu tư trong những năm qua. Các khoản đầu tư đảm bảo an toàn cũng không được thực hiện”, ông cho biết.
Hồi tháng 3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết mức đầu tư kỷ lục nhằm cải thiện an toàn, an ninh và chất lượng dịch vụ đường sắt. Vụ tai nạn gần đây là lời nhắc nhở chính phủ nỗ lực để thực hiện lời hứa này.
An Bình
(Theo CNN)