Hết thời “bắt tay” tăng giá xăng

Thứ tư, 24/09/2014 12:56

(Cadn.com.vn) - Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu vừa được ban hành được xem là bước đột phá mạnh mẽ vào thị trường xăng dầu. Nếu không có gì thay đổi, kể từ ngày 1-11, người dân sẽ được hưởng lợi từ chính sách mới của Nhà nước về giá xăng dầu, hạn chế tình trạng “độc quyền” trong kinh doanh.

Phá độc quyền

Điểm tích cực đầu tiên trong Nghị định là tăng thêm 2 thành phần tham gia kinh doanh xăng dầu. Nếu trước đây, thị trường chỉ có 3 thành phần tham gia là thương nhân đầu mối, tổng đại lý và đại lý bán lẻ (hoặc cửa hàng bán lẻ) thì bây giờ có tới 5 thành phần tham gia, trong đó 2 thành phần mới là thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền.

Đáng chú ý, thương nhân phân phối có quyền và nghĩa vụ không kém gì so với thương nhân đầu mối. Doanh nghiệp mới này chỉ bị hạn chế ở chỗ không được nhập khẩu, không được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối. Thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu được bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng của mình theo giá bán lẻ do thương nhân nhượng quyền (là thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu) quy định.

Ngoài việc bổ sung thêm thành phần kinh doanh, Nghị định mới đã bổ sung thẩm quyền, hồ sơ, trình tự cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước, quản lý chặt chẽ những loại hình phân phối xăng dầu cũng như đảm bảo số lượng, chất lượng xăng dầu từ đầu mối tới tay người tiêu dùng,  khắc phục tình trạng lộn xộn, tự phát, tình trạng găm hàng chờ tăng giá, làm ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu phục vụ tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Sự tham gia của nhiều thành phần kinh doanh sẽ “phá vỡ” cách làm độc quyền bấy lâu nay, tăng tính đa dạng, tạo hiệu ứng cạnh tranh lành mạnh trên thị trường xăng dầu. Việc bổ sung thêm hình thức phân phối và mở rộng đối tượng phân phối cũng như lộ trình đầu tư cơ sở vật chất sẽ góp phần đa dạng hóa loại hình kinh doanh xăng dầu, tăng thêm khả năng cạnh tranh vốn đã ít ỏi trong lĩnh vực kinh doanh này ở Việt Nam.

Nghị định mới có nhiều nét mới trong việc kinh doanh xăng dầu.

Hạn chế “bắt tay nhau” tăng giá

Trước đây, việc điều chỉnh giá do doanh nghiệp đầu mối quyết định và chi phối. Tuy nhiên sắp tới, thương nhân phân phối cũng được quyền quyết định giá bán lẻ của mình. Do vậy, thị trường xăng dầu sẽ xuất hiện nhiều giá bán lẻ để người dân sẽ có quyền chọn giá để tiêu thụ.

Trong nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá và tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá (trước đây là 30 ngày). Trước đây, khi có sự biến động giá trong khoảng 7%, doanh nghiệp mới được điều chỉnh nên phát sinh chuyện các doanh nghiệp liên kết nhau để tăng giá điều chỉnh giá thì nay, theo nghị định mới, mức biến động giá đã “rút” xuống còn 3% để tránh việc các doanh nghiệp “bắt tay” nhau tăng giá.

Nói một cách khác, khi thị trường biến động giá 1%, sẽ có doanh nghiệp tăng (hoặc giảm giá) nhưng có khi thị trường biến động từ 2 đến 3% mới xuất hiện doanh nghiệp tăng (giảm giá). Điều này có nghĩa, mức độ tăng (giảm) không lớn nên doanh nghiệp tự điều chỉnh, không cần phải đợi chờ, liên kết với nhau để tăng giá như trước kia.

Cạnh tranh thật sự?

Theo một số chuyên gia kinh tế, trong Nghị định mới, cơ chế điều hành giá xăng dầu cơ bản không khác nhiều so với trước đây. Việc điều hành điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường vẫn còn 3 mức khác nhau: “Khi giá cơ sở tăng trong phạm vi 3%, doanh nghiệp đầu mối được tăng giá bán lẻ. Trường hợp giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7%, doanh nghiệp đầu mối phải gửi đề xuất điều chỉnh giá tới liên Bộ Công Thương - Tài chính. Còn vượt trên 7%, Liên Bộ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể”.

Đây là mô hình lần đầu tiên được thí điểm tại Việt Nam nên chắc chắn sẽ khó tránh khỏi nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện. TS Ngô Trí Long (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả - Bộ Tài chính) cho rằng, “mặc dù biên độ tăng giá giảm xuống nhưng doanh nghiệp vẫn còn chiếm vị trí “thống lĩnh” thị trường. Quy định cho phép doanh nghiệp tăng giá xăng, dầu dưới 3% không cần đề xuất với cơ quan quản lý có dẫn đến hiện tượng các doanh nghiệp bắt tay nhau cùng tăng giá?

Một vấn đề được đặt ra, trong 13 doanh nghiệp đầu mối hiện nay, liệu những “ông lớn” như Petrolimex, Saigon Petro và PVOil có dẫn dắt thị trường khi giá cả biến động tăng 3%? Và với thị phần rộng lớn như Petrolimex, các doanh nghiệp đầu mối khác có đủ “can đảm” bán xăng, dầu rẻ hơn? Để rồi tình trạng “nhìn nhau tăng giá” lại tiếp diễn? Và như thế, sau khi thực hiện quy định mới, người tiêu dùng chưa thể mua xăng, dầu với giá cạnh tranh thực sự”.

Cho dù thế nào đi nữa, những điểm mới trong cơ chế điều hành mới sắp tới sẽ hạn chế dần tình trạng “độc quyền” trên thị trường xăng dầu, khắc phục những bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua.

Văn Khoa