Hiểm họa từ các mỏ đá

Thứ bảy, 30/01/2016 09:00

(Cadn.com.vn) - Vụ sập mỏ khai thác đá ở Thanh Hóa vừa xảy ra làm 8 người thiệt mạng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các mỏ đá. Thế nhưng nhiều chủ mỏ đá vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp khai thác sai thiết kế, không đúng quy trình khiến tính mạng công nhân như “ngàn cân treo sợi tóc”. Thế nhưng, tình trạng khai thác đá không cắt tuyến, cắt tầng, khai thác theo dạng ăn “xổi” để sớm bán lấy tiền; bất chấp tính mạng của người lao động vẫn đang xảy ra tại một số mỏ đá tại TT-Huế.

Nhiều mỏ đá “có vấn đề” về an toàn lao động.

Hiểm nguy rình rập

Những ngày trước Tết Nguyên đán, đáp ứng nhu cầu của một số công trình xây dựng khi ra Tết, nhiều mỏ đá ở TT-Huế hoạt động với tần suất lớn hơn. Tại mỏ đá Coxano Hương Thọ ở Khe Phèn (xã Hương Thọ, TX Hương Trà), hàng ngày có khoảng vài chục công nhân khai thác đá. Mỏ đá này được cấp phép giữa năm 2011 với diện tích khai thác là 8,71 ha. Thời hạn khai thác là 20 năm. Dù đã đi vào hoạt động nhiều năm nay, một sản lượng lớn đá đã được khai thác để làm đá vật liệu xây dựng thông thường. Thế nhưng, đến giữa tháng 1-2016, ở mỏ đá này vẫn không hề cắt tầng, cắt tuyến theo quy định. “Do mỏ đá này không có tầng, tuyến nên khi trời mưa to, mùa đông đá rất dễ rơi từ trên cao xuống. Nhiều ngày mưa gió to, nhiều công nhân không dám đến mỏ làm vì sợ đá rơi từ trên cao xuống”- một công nhân cho hay. Theo công nhân này, ở trên địa bàn TX Hương Thọ từng xảy ra tai nạn lao động, do đá rơi gây chết người và cũng có vụ nổ mìn ở mỏ đá làm  nhiều người thiệt mạng nên công nhân rất lo sợ.

“Hầu hết, các công nhân ở mỏ đá đều làm hợp đồng thời vụ, không được mua bảo hiểm, tiền công trung bình khoảng 150 ngàn đồng/ngày, chủ yếu người lao động có hoàn cảnh khó khăn; vì vậy họ sợ khi có sự cố sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình”- một công nhân nói trong lo lắng.

Tại mỏ đá Hương Bằng (P. Hương Vân, TX Hương Trà) ở thượng nguồn sông Bồ, giữa cái rét 15 độ C, công nhân làm việc dưới vách đá dựng đứng, không hề có tầng tuyến khiến nhiều người nhìn vào đều rợn người. Mỏ đá Khe Bằng được cấp phép vào cuối năm 2012, diện tích khai thác là hơn 7,2ha; thời hạn khai thác là 24,5 năm. Anh A. (quê TX Hương Trà, TT-Huế) chia sẻ: “Mỗi lần treo mình bên vách đá và chứng kiến cảnh từng tảng đá khổng lồ rơi ầm ầm từ độ cao vài chục mét xuống mặt đất khiến mình không khỏi lo lắng. Chỉ cần một chút sơ sẩy thôi là tính mạng của người công nhân khai thác đá khó thể bảo toàn”. Theo anh A. dù được Cty cấp phát trang phục bảo hộ lao động, nhưng mặc vào rất vướng, khó làm được việc nên nhiều anh em công nhân biết sai quy định nhưng vẫn bất chấp.

Hầu hết ở các mỏ đá, công tác đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) cho công nhân khai thác đá cũng bị... “bỏ quên”. Tại một số mỏ đá ở xã Hương Thọ, nhiều công nhân đang làm việc nhưng thiếu bảo hộ lao động, hầu hết mọi người đều không mang găng tay, có người chỉ đội mũ lưỡi trai mà không đội mũ bảo hộ... Khi được hỏi thì các công nhân cho biết, phía doanh nghiệp có trang cấp nhưng khi mang vào thì thao tác làm việc sẽ chậm hơn nên nhiều người không mang. Ông Trần Văn Trung, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh TT-Huế cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp cùng các cấp liên quan tổ chức nhiều đợt kiểm tra, tuyên truyền nhằm bảo đảm ATLĐ tại các mỏ đá, giảm nguy cơ tai nạn lao động; nhưng vì sự chủ quan nên công tác bảo hộ lao động cho công nhân khai thác đá ở một số mỏ vẫn còn bị buông lỏng.

Mỏ đá Coxano Hương Thọ khai thác mà không hề cắt tầng, cắt tuyến.

Mỏ đá Hương Bằng được cấp phép hơn 3 năm vẫn không hề cắt tầng, cắt tuyến theo thiết kế.

Sai thiết kế

Trên địa bàn TT-Huế có 21 mỏ đá được cấp phép, diện tích trung bình, mỗi mỏ từ 2 - 10 ha, sử dụng khoảng 50 lao động, chủ yếu lao động thủ công, kỹ thuật khai thác theo phương pháp khấu tự nhiên. Tức là tận dụng chiều cao mỏ đá dùng khoan đục lỗ, đặt mìn nổ cắt tầng, nên độ chênh cao thường từ 30 đến 60m, độ nghiêng vỉa lớn... Theo ghi nhận thực tế của P.V, chỉ quan sát bằng mắt thường đã thấy cách khai thác của nhiều mỏ không tuân thủ đúng quy định, vi phạm về chiều cao tầng, góc nghiêng sườn tầng và trình tự khai thác, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATLĐ. Do không cắt tầng, độ dốc lớp khấu có xu hướng giảm nên trong quá trình khai thác, đá đọng lại trên sườn dốc và mặt tầng ngày càng tăng, gây mất an toàn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng công nhân đang làm việc ở công trường.

Khi chúng tôi cung cấp một số hình ảnh về các mỏ đá không cắt tầng, cắt tuyến, ông Cái Văn Vinh- Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN & MT tỉnh TT-Huế) khẳng định: Nếu không cắt tầng, cắt tuyến là vi phạm, sai thiết kế. Và, nếu phát hiện thì sẽ lập biên bản, kiến nghị Thanh tra Sở TN & MT xử phạt. Khi chúng tôi hỏi: Việc các mỏ đá sai thiết kế, cơ quan chuyên môn có nắm không thì ông Vinh nói, mỗi năm, cơ quan chức năng chỉ đi kiểm tra 1 lần, nhưng cũng không thể kiểm tra hết các mỏ do cán bộ ít, việc nhiều...

Ông Cái Văn Vinh cho rằng, qua kiểm tra, có một số mỏ đá có mon tầng nhưng không rõ ràng lắm. Có một cái bất cập trong mon tầng là khi doanh nghiệp có vốn thì bao phủ cắt được tầng nhưng khi khối lượng công suất có thị trường thì bắt làm gấp không kịp mon nên mất tầng. “Vì vậy thời gian giữa có và không có tầng xảy ra rất nhanh, có khi mình lên kiểm tra thì có tầng nhưng vài bữa lại mất; có khi mình lên không có nhưng vài bữa lại có... Nếu không có tầng là sai, khai thác không đúng thiết kế”- ông Vinh khẳng định. Cũng theo ông Vinh, một nghịch lý là, đối với một tảng đá nổ mìn rơi càng cao xuống dưới thì càng tốt vì lúc đó bể nhiều, khi đưa vào máy nghiền nhanh hơn... “Khi có đoàn kiểm tra thì họ (doanh nghiệp-P.V) hay đối phó, nhưng khi kiểm tra đột xuất thì họ hay “dính””- ông Vinh nói.

Như vậy, việc một số đá không cắt tầng, cắt tuyến theo thiết kế nhưng vẫn bất chấp hoạt động rầm rộ hàng ngày đang đe dọa không nhỏ đến tính mạng của người lao động. Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát và kịp thời chấn chỉnh trước khi xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Hải Lan