Hiểm họa từ máy phát điện mini

Thứ tư, 04/06/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Gần chục năm trở lại đây, hệ thống thủy điện mini đã mọc lên như nấm tại bản làng ở một số xã của H. Con Cuông và các huyện miền núi rẻo cao của tỉnh Nghệ An. Lợi ích đem lại thì khỏi phải bàn, tuy nhiên trong nỗi khát khao có được chút “văn minh” ánh sáng ấy, người dân nơi đây phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình.

Xót xa phận người...

Bình Chuẩn- mảnh đất tận cùng của H. Con Cuông-đến thời điểm này vẫn là xã duy nhất chưa có hệ thống điện lưới quốc gia. Người dân ở “vùng lõm” này từ bao đời nay luôn sống trong cảnh “mù” và “đói” thông tin. Cán bộ, dân bản kiến nghị với cấp huyện nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu vì giao thông cách trở và vì nguồn kinh phí hạn hẹp. Loay hoay mãi cán bộ xã cũng tự tìm được giải pháp là máy tua- bin. Năm 1997, máy thủy điện lần đầu tiên xuất hiện tại UBND xã Bình Chuẩn. Lần đầu tiên có điện, người dân ở các bản kháo truyền nhau và đổ xô về xem “vật lạ”. Ông Lô Văn Phòng, Chủ tịch xã, nhớ lại: “Dù ánh sáng từ máy phát điện tự tạo chỉ lờ mờ nhưng cán bộ xã, dân bản cứ thấp thỏp mừng và háo hức mãi. Nguyên Chánh văn phòng UBND xã Lữ  Đình Huê là người khởi xướng, tự bỏ tiền mua máy mini về dùng.

Thời điểm ấy có điện là oách lắm”. Năm 2004, máy thủy điện thực sự đổ bộ vào Bình Chuẩn. Trên các con khe Chong, Tàn Lan, Mét, Chỏi... nhiều hộ dân đã góp tiền mua chung máy thủy điện mini, tận dụng dòng chảy của suối, khe... để đặt máy. Hàng ngàn mét dây điện gồm cả dây bọc lẫn dây trần được bắt chằng chịt như mạng nhện vươn về từng cụm bản, làm bừng sáng từng ngôi nhà. Có điện, người dân ở các bản làng của xã phấn khởi hẳn. Nhiều nhà tích góp mua chảo, tivi, đầu đĩa về mở nhạc rộn ràng trong bản, bóng điện thắp sáng cả ban ngày lẫn suốt đêm. Tuy nhiên, do đồng bào thiếu kiến thức về an toàn sử dụng điện nên nhiều hộ đã giăng dây qua loa trên những cọc tre vừa thấp, vừa chênh vênh, chỉ một trận gió bất ngờ ào qua là cọc điện đổ hàng loạt.

Nhiều nơi, dây điện được giăng vắt ngang qua đường mòn thấp khiến người đi đường rất khó phát hiện, đặc biệt là khi trời tối, vô hình trung nó trở thành những “cái bẫy” chết người! Những câu chuyện buồn về sự đánh đổi giữa ánh sáng và tính mạng của dân bản ở Bình Chuẩn cũng từ đó mà ra, danh sách những người thiệt mạng mỗi năm cứ dài thêm do sơ ý vướng tay vào một đường dây trần mắc hững hờ trên mấy cọc tre. Tháng 5-2005, nạn nhân đầu tiên “sập bẫy” từ hệ thống dây điện là anh Vi Văn Hiếu (1986) ở bản Mét. Trong một buổi chiều định mệnh, Hiếu vào rẫy kéo gỗ, khi đi qua khu rừng bản Mét, phát hiện nguồn dây điện trần của gia đình sà xuống sát mặt đất, Hiếu dùng cây cẩn thận dựng lên. Thế nhưng, do cây bị ướt nên Hiếu bị dòng điện “hút” chặt. Trong cơn nguy kịch, Hiếu cố vùng vẫy nhưng không kịp. Đến khi dân bản phát hiện, tìm cách cứu chữa thì đã quá muộn.

Những chiếc máy phát điện mini như thế này đã gây không ít thảm họa
cho người dân ở Bình Chuẩn.

Tương tự Hiếu, cái chết của ông Kha Văn Mùi (71 tuổi), bản Tông Phay cũng khiến dân bản bàng hoàng và hoảng sợ trước mối hiểm nguy từ thủy điện mini. Ông Mùi chết vào giữa tháng 7-2007, trong lần sửa lại máy tua-bin. Sau trận lũ quét, các cây gỗ, lá rừng từ thượng nguồn bám dày đặc quanh máy phát điện khiến hệ thống máy bị tắc nghẽn, dây điện bị đứt, cắm thẳng xuống mặt nước. Chập choạng tối, ông Mùi mò mẫm ra kiểm tra thì gặp nạn. Người dân bản Tông Phay chưa kịp định thần về mối hiểm nguy từ máy phát điện mini thì 2 tuần sau, trưởng bản Xiềng-anh Lô Ngọc Tỏa (1963)- lại tử nạn tại dòng khe Chong. Khoảng 9 giờ, vợ lên rẫy, anh Tỏa ở nhà xem tivi chờ cán bộ dân bản đến họp. Đang xem phim, máy tua- bin lại dở chứng mất điện. Loay hoay sửa, anh Tỏa cũng bị dòng điện giật chết. Ông Kha Văn Lũy- Chủ tịch Mặt trận xã-đau đớn bảo, lúc còn sống, trưởng bản Tỏa có uy tín lắm, từng giữ chức trưởng bản hơn 12 năm, trúng 3 khóa liên tục HĐND của xã.

Ông Đào Văn Tấn- Trưởng CAH Con Cuông-cung cấp thêm danh tính 2 nạn nhân là Lô Văn Quế (71 tuổi) và em Lộc Văn Linh (10 tuổi), cùng ở bản Mọi (xã Lục Dạ). Ông Tấn đưa ra nhận định là còn có một số trường hợp người dân chết vì bị điện giật nhưng chính quyền xã “ngại” báo cáo nên rất khó để khẳng định chính xác con số cụ thể nạn nhân trên địa bàn H. Con Cuông.

Hắt hiu cái chữ...

Xã Bình Chuẩn có 8 bản, với 769 hộ dân, trong đó gần 80% hộ thuộc diện đói nghèo. Theo thống kê, trước đây toàn xã có gần 50 máy phát điện mini. Do nhận thức và điều kiện về địa hình hiểm trở nên hệ thống dây điện trần được người dân mắc tạm trên những cọc tre, cọc gỗ chôn qua loa, rất dễ đổ. Sau hàng loạt cái chết của người dân, UBND xã đã nhiều lần họp, cân nhắc, cuối cùng đưa ra giải pháp thắt chặt quản lý đường dây điện. Cán bộ xã tổ chức kiểm tra, vận động, thậm chí cưỡng chế chủ hộ nào có hệ thống dây điện không an toàn. Đến thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 20 máy thủy điện, tập trung ở các bản Tông Phay, bản Quăn, bản Quả... “Khổ! cứ mỗi lần xã bắt chủ hộ dỡ bỏ hệ thống dây điện thì nhiều người dân bảo cán bộ “ác”, dân đã đói rồi, giờ lại cắt luôn điện thì chịu sao được.

Chúng tôi cũng đau lắm nhưng buộc phải làm thôi, nếu không cứng rắn thì danh sách tử nạn sẽ ngày một tăng dần”- ông Phòng thở dài! Cuộc sống của người dân bao đời nay cứ vào mùa giáp hạt lại ngửa mặt chờ đói. Thực tế đau lòng là tình trạng mù chữ của con em dân bản chiếm tỷ lệ khá cao. Trẻ em ở Bình Chuẩn dù có gắng gượng lắm cũng chỉ đến trường để có sĩ số. Cô giáo Lô Thị Thừu, giáo viên Trường cấp I Bình Chuẩn, cho biết nhiều học sinh đến lớp, cô giáo gọi lên trả bài thì lắc đầu bảo em không biết. Tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình thì mới biết các em sáng lên trường, chiều về đi rẫy, tối không có điện nên đi ngủ sớm. Đôi khi trên lớp học, giáo viên phải cầm tay, bày từng chữ các em mới bập bẹ đọc và viết được.

Những năm qua Bình Chuẩn cũng  được hưởng lợi từ chương trình tài trợ dầu thắp sáng của Chính phủ.  Hằng năm, mỗi hộ dân đều được nhận một chai dầu thắp sáng. Vậy nhưng, nguồn dầu tài trợ này cũng như “muối bỏ biển”! Nếu hộ nào dùng tiết kiệm lắm thì được 1 tháng, còn không chỉ dăm bữa, nửa tháng là “thủng đế chai”! Mỗi khi hết dầu, người dân lại sống trong cảnh tù mù, trẻ em lên giường đi ngủ sớm. Nhiều hộ dân thậm chí còn cầm đèn đến nhà Chủ tịch Phòng xin “san sẻ” ít dầu thắp sáng...

 Năm 2004, H. Con Cuông đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống thủy lợi, kiêm thủy điện tại bản Nà Cọ. Thủy lợi mọc lên, hơn 400 hộ dân bản Thung Pọng, Nà Cọ có điện thắp sáng. Tuy nhiên, nguồn điện tận dụng từ dự án thủy lợi lại liên tục chập chờn, leo lắt. Vào mùa khô, nước cạn, hệ thống điện không đủ sức để “gánh” trước nhu cầu tiêu thụ điện của người dân. Thành thử, bao đời nay có nhiều hộ dân thuộc diện vùng sâu, nằm ở các bản khó khăn như bản Quẻ chưa biết “mặt mũi” của ánh sáng đèn điện nó như thế nào. Trưởng bản Quẻ-ông Lô Văn Dương-nhẩm tính: “Bản có gần 100 hộ dân thì 2/3 là thuộc hộ đói, còn lại nghèo. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này có được đèn cù thắp sáng cũng là may rồi”.

Rời Bình Chuẩn trong cái nắng hầm hập của buổi chiều đầu hè, nhìn xa xa dưới mỗi con khe, con suối, thấy thấp thoáng hình ảnh những đứa trẻ chăn trâu đang cười đùa tắm suối, bên cạnh đó là những chiếc máy thủy điện mini mà ai nấy cũng phải giật mình...

Doãn Nguyên Hưng - Bình Ngọc