Hiểm họa từ người tâm thần "ngáo đá"

Thứ ba, 10/01/2017 11:13

(Cadn.com.vn) - Nhiều trường hợp “ngáo đá” tự gây tử vong, thương tích cho bản thân hoặc gây rối, ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn TT-Huế thời gian gần đây đang thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Trường hợp H.V.S (31 tuổi, trú xã Phong An, H. Phong Điền, TT-Huế) “ngáo đá” nuốt 30 que sắt (mỗi que dài khoảng 10cm) vào năm 2016 trở thành nỗi ám ảnh đối với các bác sĩ khi lần đầu tiên chứng kiến ca bệnh hy hữu này. Theo gia đình cho biết, S. có sử dụng ma túy đá và từng mắc bệnh tâm thần. Bệnh nhân này cũng từng vào cơ sở y tế điều trị nhưng sau một thời gian thì được trở về cộng đồng. Gia đình S. kể lại, hôm đó S. kêu la đau bụng và được người thân chuyển đến bệnh viện huyện. Sau đó, do tình trạng bệnh nhân nguy kịch nên đã được chuyển viện đến BVT.Ư Huế. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán S. có các dị vật trong đường tiêu hóa vùng dạ dày và bị ngáo đá, rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện. Sau đó, bệnh nhân S. đã được nhanh chóng mổ cấp cứu và qua quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra 30 que sắt, mỗi que dài 10cm, cắt bỏ khối áp xe phình vị, khâu lại dạ dày. “Gia đình làm nông, suốt ngày đầu tắt mặt tối, còn S. theo bạn bè rồi dẫn đến nghiện ngập. Việc S. nuốt hàng chục que sắt vào bụng thật khủng khiếp, khiến tôi ám ảnh mãi” - một người anh của S. cho hay.

Phim chụp 30 que sắt trong bụng S. đã được phẫu thuật lấy ra.

Đã hơn 6 tháng trôi qua nhưng gia đình của nam thanh niên nhảy lầu tự vẫn tại trụ sở Cty CP kinh doanh Lâm nghiệp TT-Huế vẫn chưa hết bàng hoàng. Trước đó, một số người dân gần Bến xe phía Nam TP Huế thấy người thanh niên này ngồi ở một quán nước vỉa hè với nhiều biểu hiện bất thường, tâm trạng lo sợ. Theo người thân của nạn nhân thì người này sử dụng ma túy đã nhiều năm. Sau khi đi bộ một đoạn, nam thanh niên gặp một số người đi đường với biểu hiện sợ hãi. Rồi chỉ trong giây lát, thanh niên này chạy vào trụ sở Cty CP kinh doanh Lâm nghiệp TT-Huế, rồi chạy lên tầng 2, nhảy lầu và tử vong tại chỗ. Theo một cán bộ CAP An Cựu, qua xác minh, trường hợp này trước khi nhảy lầu có sử dụng ma túy dạng đá và từng đến cơ sở y tế điều trị về bệnh tâm thần.

Hay mới đây nhất, ngày 4-1, Trương Nguyễn Nhật Linh (23 tuổi, trú P. Phú Hậu, TP Huế) đã mang theo 2 chai xăng xông vào trụ sở CAP Phú Hậu để đe dọa. Trung tá Hoàng Ngọc Năm - Trưởng CAP Phú Hậu cho biết, trong khi các CBCS CAP chuẩn bị hết giờ làm việc buổi sáng thì Linh bất ngờ mang theo 2 chai xăng xông vào trụ sở. Sau một hồi la hét, đối tượng cầm xăng đe dọa lực lượng CA. Để đảm bảo an toàn, CAP Phú Hậu đã gọi điện báo lực lượng CS113 CA tỉnh TT-Huế. Sau một hồi la hét, gây rối, vùng vẫy, lực lượng CA cùng người nhà đã phối hợp đưa đối tượng đến bệnh viện tâm thần. Trung tá Năm cho biết thêm, Linh bị tâm thần và nghiện ma túy nặng. Thời điểm cầm xăng xông vào trụ sở CAP Phú Hậu, Linh có biểu hiện “ngáo đá”. “Trước đây, địa phương và người nhà đã nhiều lần đưa Linh đến Bệnh viện Tâm thần Huế điều trị nhưng chỉ sau một vài tháng, Linh lại tìm cách bỏ trốn ra ngoài” - Trung tá Năm cho hay.

Linh (ngồi) xông vào trụ sở CA gây rối trong tình trạng “ngáo đá”.

Đại tá Võ Thành Kỳ - Trưởng CATX Hương Thủy (TT-Huế), người hơn 20 năm gắn bó với án điều tra ma túy cho biết, ma túy “đá” là loại ma túy rất nguy hiểm, khiến người sử dụng bị đánh lừa cảm giác, loạn tâm thần. Người sử dụng bị ảo giác về sức khỏe, vị trí trong xã hội, nhảy từ trên nhà cao tầng xuống đất mà không biết sợ… Các đối tượng “ngáo đá” thông thường không có biểu hiện theo cơn như đối tượng sử dụng ma túy khác. Bởi đối tượng sử dụng ma túy đá tùy theo mức độ chịu đựng của sức khỏe, hệ thần kinh và thời gian sử dụng. Có những trường hợp do hệ thần kinh không chịu đựng được khi sử dụng ma túy “đá” sẽ mất kiểm soát và gây nên ảo giác, hoang tưởng rồi thực hiện các hành vi bất thường, lệch chuẩn… Hiện, trong xã hội vẫn còn nhiều đối tượng “ngáo đá” từng mắc bệnh tâm thần vẫn đang chung sống với cộng đồng.

Theo một bác sĩ chuyên Khoa Tâm thần của BVT.Ư Huế, hậu quả mà những kẻ “ngáo đá” hay bệnh nhân tâm thần gây ra trong thời gian qua là do sự chủ quan của người thân. Với bệnh nhân tâm thần, gia đình họ cứ nghĩ khi được xuất viện là bệnh đã ổn. Đối với những người “ngáo đá” có tiền sử bệnh tâm thần thì việc quản lý tốt nhất phải thực hiện đồng bộ từ gia đình, người thân kết hợp với bệnh viện. Những trường hợp bị tâm thần, thông thường sau khi chữa trị thì bệnh thuyên giảm và người bệnh trở lại bình thường, không thể buộc chữa trị tập trung ở bệnh viện, mà phải cho họ trở về gia đình. Tuy nhiên, không ai dự liệu được rằng người này có thể tái phát bệnh hay không, nên nguy cơ đối với người nhà bệnh nhân và cộng đồng vẫn còn hiện hữu. Chính vì vậy, phải có sự giám sát hết sức chặt chẽ mọi biểu hiện của người có tiền sử tâm thần.

H.Lan