Hiểm họa từ “nhân tai”

Thứ tư, 08/11/2017 08:12

Những ngày qua, đi kèm cơn bão số 12 vào các tỉnh miền Trung, mưa gió lớn gây lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng, được đánh giá sát mức thảm họa. Theo thống kê, đến chiều 7-11, có 69 người chết, 30 người mất tích; gần 1.500 nhà sập đổ, gần 120.000 nhà ngập, tốc mái; hàng chục ngàn héc-ta lúa màu bị ngập; giao thông bị chia cắt. Miền Trung đang gánh chịu thiên tai dồn dập với bao khó khăn chồng chất không thể kể hết.

Trong lúc người dân đang oằn mình gánh chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai như vậy thì lại thêm hậu quả “nhân tai”. Đó là những tin đồn.

Khoảng 10 giờ 45 ngày 6-11, xuất hiện tin đồn vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 (H. Bắc Trà My, Quảng Nam) khiến người dân ùn ùn kéo về trụ sở UBND huyện tìm nơi trú ẩn. Một vị lãnh đạo huyện cho biết, tin đồn do một số thanh niên đi trên xe tải chạy quanh thị trấn loan ra. Trước tình hình đó, huyện tập trung trấn an dân, tổ chức phân luồng giao thông, ổn định ANTT. Ông Vũ Đức Toàn - giám đốc Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 - khẳng định thủy điện vẫn an toàn; tin đồn về sự cố ở nhà máy là ác ý và không đúng sự thật. Cùng ngày, tại thị trấn Ái Nghĩa và xã Đại An (H.Đại Lộc, Quảng Nam) cũng xôn xao trước tin đồn đập thủy điện A Vương bị vỡ. Người dân cho biết, họ nghe có người ở trên miền núi báo về rằng đập thủy điện này bị vỡ, đồng thời căn dặn ở nhà lo chuẩn bị đối phó (?). Trong khi đó, ông Nguyễn Trâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thủy điện A Vương - cho biết, mực nước dâng trong hồ chiều 6-11 ở mức 378m, còn 2m nữa mới tới mực nước dâng bình thường.

Có thể khẳng định, những người phát ra tin đồn, dù hữu ý hay vô tình, cũng đều là những hành động sai trái, là tội ác. Cần phải nói rõ: tổn thất về vật chất, tinh thần đối với người dân từ tin đồn trong thời điểm cam go như vậy là không hề nhỏ.

Tại nhiều tỉnh thành miền Trung hiện có nhiều nhà máy thủy điện. Tác động của thủy điện đối với đời sống dân sinh là điều đương nhiên và trở nên hết sức nhạy cảm khi xảy ra thiên tai. Do vậy, trong mùa mưa lũ, rất cần sự giám sát chặt chẽ giữa bộ, ngành, chính quyền địa phương và lãnh đạo nhà máy thủy điện.  Đặc biệt, các nhà máy thủy điện cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan dự báo khí tượng thủy văn để có động thái điều tiết nước về hồ từ trước, thậm chí có thể chấp nhận những thiệt hại nhất định (nếu dự báo thời tiết không hoàn toàn chính xác) nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân vùng hạ du. Làm thế nào đó các hồ thủy điện phải thực hiện cho được mục tiêu cắt lũ chứ không phải chồng thêm lũ.

Cũng cần tiên lượng trước khả năng khi xảy ra tin đồn, người dân hoảng loạn sẽ tập trung đông người, từ đó có biện pháp xử lý, loan báo thông tin kịp thời để trấn an cho dân. Thậm chí có thể nghĩ đến nơi ở tạm cho dân trú ngụ và chuẩn bị một số nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ dân trong trường hợp cần thiết cấp bách. Về phía người dân cũng cần trang bị kiến thức nhất định khi có tình huống xấu, bình tĩnh chọn lọc thông tin, hành xử hợp lý, tránh gây hỗn loạn tình hình nhằm ngăn ngừa những tổn thất hoặc tai nạn xảy ra bởi tin đồn.

Bên cạnh đó, cần nỗ lực tổ chức điều tra làm rõ những kẻ gây ra tin đồn. Khi xác định đối tượng tung tin đồn với động cơ xấu, phải áp dụng biện pháp xử lý thật sự nghiêm khắc theo pháp luật. Đối với những người vì thiếu hiểu biết, bông đùa hay vô ý trong phát ngôn để lan ra tin đồn cũng cần có hình thức xử lý tương xứng để răn đe và phòng ngừa chung.

Chúng tôi hy vọng bài viết này mang một thông điệp cảnh báo. Rằng khi bà con mình lao đao khốn khổ vì thiên tai, việc biến không thành có, gây nhiễu loạn thông tin, làm cho người dân hoảng loạn, xét ở góc độ đạo đức lẫn pháp luật đều vi phạm. Xin hãy dừng lại những sai phạm này trước khi quá muộn.

Mùa mưa bão vẫn còn. Và hàng năm, người dân mình, nhất là bà con miền Trung luôn phập phồng nơm nớp âu lo hậu quả thiên tai. Vậy thì “nhân tai” - xin đừng gieo rắc thêm hiểm họa. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể làm!

NGUYỄN ĐỨC NAM