“Hiến kế” cho ngành Y (Bài 2: Chú trọng đến nguồn nhân lực)

Thứ sáu, 15/09/2017 11:11

Ngoài tập trung "hiến kế" giải bài toán quá tải, các chuyên gia, nhà khoa học cũng nhìn nhận, Đề án Quy hoạch phát triển mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 không những cần chú trọng đến nguồn lực về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị... mà còn cần phải tập trung cho nguồn lực con người, xem đây là tiêu chí quan trọng nhất. Nhân lực phải trở thành một đối tượng chính trong quy hoạch, tương thích với việc sắp xếp lại các đơn vị hiện có, xây dựng thêm các đơn vị mới.

PGS,TS,Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Ngọc Minh: "Nguồn nhân lực chất lượng cao là cực kỳ quan trọng, cần có giải pháp cụ thể, căn cơ và chính sách rõ ràng".

Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhìn nhận, thực tế hiện nay số lượng biên chế được giao tại các đơn vị sự nghiệp, trong đó có khối bệnh viện, khối dự phòng, chưa đáp ứng được nhu cầu của từng đơn vị. Số lượng biên chế hiện có ở các đơn vị sự nghiệp cũng chưa đáp ứng phù hợp theo vị trí việc làm. Vì vậy, trong Dự thảo đề án quy hoạch, giải pháp được Sở Y tế đưa ra là xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ dự nguồn; công tác bổ nhiệm, bố trí cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đúng quy định. Đồng thời, đẩy mạnh việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ lãnh đạo quản lý, viên chức, người lao động phù hợp với vị trí việc làm của từng đơn vị; có chính sách thu hút chuyên gia có kinh nghiệm về chuyên môn và quản lý.

Liên quan đến vấn đề này, PGS,TS,Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Ngọc Minh khẳng định: "Đi đôi với chủ trương, tầm nhìn, nguồn lực về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị thì nguồn lực con người là quan trọng nhất". Ông Minh cho rằng, trong đề án chỉ công bố về số lượng, chưa có cụ thể về chất lượng, về sự cân đối giữa các loại cán bộ, phân bố ở các cơ sở…

Nêu thực tế cho đến nay, số lượng cán bộ y tế có chất lượng cao được đào tạo, thu hút về Đà Nẵng như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp còn rất khiêm nhường. Theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Minh nguyên nhân là do Đà Nẵng chậm trễ có một trường đại học y - dược tầm cỡ, mà chỉ mới phát triển ở 3 cơ sở còn nhỏ lẻ và thiếu thốn, từ đó không thu hút được cán bộ chất lượng cao, làm đầu tàu để đào tạo cán bộ y tế có học hàm, học vị. Đồng thời, việc gửi các chuyên gia đi đào tạo từng lĩnh vực ở nước ngoài, ở các cơ sở lớn trong nước cũng đã có, nhưng so với yêu cầu thì chưa đủ sức vận hành một trung tâm khoa học chuyên ngành lớn, có uy tín, có năng lực để hoàn thành nhiệm vụ, để khỏi lãng phí cơ sở vật chất, để nhân dân tin tưởng tới điều trị mà không phải đi điều trị xa ở các cơ sở lớn, tốn kém… "Đó là một thực tế cần nhìn một cách nghiêm túc, không thể chủ quan, tự bằng lòng và thiếu đầu tư chiều sâu, kể cả chế độ, chính sách mà thành phố cần đặc biệt quan tâm nhằm thu hút nhân tài", PGS,TS Nguyễn Ngọc Minh nói.

Lấy ví dụ thực tế từ bệnh viện tỉnh TT- Huế tại H. Phong Điền do Bộ Y tế đầu tư, quy mô 500 giường bệnh do Hàn Quốc tài trợ. Nhiều năm liền đi vào hoạt động, do địa thế không thuận lợi, nhưng cái chính là không có các thầy thuốc giỏi, có trình độ nên dù có trang thiết bị hiện đại đến đâu, bệnh nhân vẫn không tới điều trị! "Vậy mà Bệnh viện Phong Điền khi được Bộ Y tế và tỉnh TT- Huế giao làm cơ sở 2 của Bệnh viện Trung ương Huế thì số bệnh nhân vào điều trị lại tăng lên gấp nhiều lần. Rồi Bệnh viện Cuba Đồng Hới chẳng hạn, là một trong 4 bệnh viện hiện đại được Cuba dành tặng cho Việt Nam, vậy mà sau một thời gian Việt Nam quản lý sử dụng đã xuất hiện lình xình từ trực thuộc Bộ, chuyển cho Quảng Bình, rồi lại chuyển cho Bộ vì kinh phí và công tác quản lý cùng đội ngũ cán bộ chuyên môn, đã để lại một hậu quả tai hại. Điều đó cho thấy đào tạo nguồn nhân lực và công tác quản lý, tầm nhìn khoa học quan trọng như thế nào", PGS, TS Nguyễn Ngọc Minh thẳng thắn nói.

Đồng quan điểm nêu trên, ông Bùi Văn Tiếng nhìn nhận, tuy dự thảo đã đề cập về vấn đề nguồn nhân lực, nhưng theo ông, nhân lực phải trở thành một đối tượng chính trong quy hoạch phát triển mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn thành phố, tương thích với việc sắp xếp lại các đơn vị hiện có, xây dựng thêm các đơn vị mới. "Dự thảo cần nêu rõ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, ngành y tế thành phố cần thêm bao nhiêu lao động có tay nghề trên lĩnh vực dự phòng, trên lĩnh vực điều trị, ở tất cả các tuyến?", ông Tiếng đặt câu hỏi.

Ông Bùi Văn Tiếng: "Nhân lực phải trở thành một đối tượng chính trong quy hoạch phát triển mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn thành phố".

Liên quan đến giải pháp quản lý nhà nước về y tế, ông Trần Đình Liễn- Chủ nhiệm HĐTV Văn hóa - Xã hội (Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng) đề nghị thành phố cần có chính sách giữ chân người giỏi tại các bệnh viện công lập. Bởi theo ông Liễn, đã và đang xảy ra tình trạng bác sĩ giỏi về chuyên môn và quản lý đang chuyển sang làm việc ở bệnh viện tư có thu nhập cao; đồng thời có chính sách thu hút bác sĩ về công tác ở bệnh viện chuyên khoa đặc biệt như bệnh viện lao, tâm thần, ung thư...

"Đặc biệt, cần nghiên cứu và áp dụng hình thức bệnh viện chi nhánh, bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện hạng I như Bệnh viện Đà Nẵng ở các quận, huyện hoặc cụm khu vực của liên quận, với đội ngũ bác sĩ giỏi của bệnh viện hạng I được luân phiên khám, hội chẩn, điều trị cho bệnh nhân ở bệnh viện chi nhánh nhằm giảm tải cho bệnh viện trung tâm", ông Liễn nêu giải pháp. Cũng theo ông Liễn, TP Hồ Chí Minh áp dụng thành công hình thức này.

Bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự quá tải của các bệnh viện là sự thiếu hụt đội ngũ y, bác sĩ. Như vậy, để có thể đạt được mục tiêu đề ra là rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, giảm được số lượng bệnh nhân khám cho mỗi bác sĩ, phấn đấu đến năm 2020 mỗi bác sĩ chỉ khám 35 người bệnh/một ngày làm việc thì cần thực hiện đồng bộ giải pháp mở rộng quy mô bệnh viện với các giải pháp nhằm tăng cường số lượng và chất lượng của đội ngũ y bác sĩ, có chính sách ưu tiên thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng làm việc lâu dài tại các cơ sở khám, chữa bệnh của địa phương. Bên cạnh đó, để tăng sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ khám chữa bệnh, cơ quan soạn thảo cần đề ra các giải pháp cải thiện thái độ và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ cũng như của cán bộ làm công tác quản lý, hành chính trong việc thực hiện nhiệm vụ.

(còn nữa)

D.HÙNG